than hoc van dap

65. Trong lịch sử, có những quan điểm khác nhau nào về sự soi dẫn?

Trong lịch sử, có ít nhất là 7 quan điểm khác nhau, hoặc ít hoặc nhiều, liên quan đến sự soi dẫn. Đó là:

(1) Thuyết Trực giác (Intuition theory)

(2) Thuyết Soi sáng (Illumination theory)

(3) Thuyết Soi dẫn từng phần (Partial inspiration theory)

(4) Thuyết Động lực (Dynamic theory)

(5) Thuyết Soi dẫn Tân chính thống (Neo-orthodox inspiration)

(6) Thuyết Đọc chính tả (Dictation theory)

(7) Thuyết Soi dẫn từng lời và toàn thể (Verbal and plenary inspiration theory)

66. Thuyết Trực giác là gì, và có nội dung gì?

Trực giác thuyết còn gọi là “Cảm hứng Tự nhiên thuyết” (Natural inspiration theory).

Mỗi dân tộc đều có những thiên tài, những người thông minh, có trực giác bén nhạy về một số lãnh lực nào đó: Thiên tài khoa học, thiên tài ngôn ngữ, thiên tài triết học, thiên tài văn học, thiên tài âm nhạc, thiên tài tôn giáo. Căn cứ vào đó, Trực giác thuyết cho rằng tất cả các sách của Kinh Thánh đều là do những thiên tài có một trực giác bén nhạy về tôn giáo của người Do thái viết ra, để lập cho dân tộc Do thái một niềm tin tôn giáo. 

Theo thuyết nầy, trực giác về tôn giáo trong bản chất cũng giống các trực giác về khoa học và nghệ thuật. Do đó, Kinh Thánh là thành quả của trực giác, hay cảm hứng tôn giáo của người Do thái. Tương tự như tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình” là thành quả của trực giác hay cảm hứng tự nhiên về văn chương của nhà văn hào Leon Tolstoi, và “Hamlet” là thành quả của trực giác hay cảm hứng tự nhiên về kịch nghệ của Shakespeare.

Nói tóm lại, theo thuyết nầy cho rằng Kinh Thánh có nguồn gốc hoàn toàn đến từ con người, không khác bất kỳ tác phẩm triết lý, luật pháp, lịch sử, văn chương hay tôn giáo nào khác trên thế gian nầy.

67. Thuyết Trực giác đúng sai ra sao?

Thuyết Trực giác trước hết chẳng những công khai phủ nhận Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, mà còn cho rằng Đức Chúa Jesus Christ, các đấng Tiên tri và các Sứ đồ là những người nói dối, vì tất cả các đấng bậc nầy luôn luôn tuyên bố rằng Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.

Thiết tưởng đối với những lý thuyết chống nghịch lại với Đức Chúa Trời và Lời Ngài một cách sâu hiểm như thế, chúng ta không cần mất nhiều thì giờ bàn luận, mà phải kết luận ngay đây là sản phẩm độc hại của quỷ Satan, với dụng ý hiểm ác để hủy diệt linh hồn nhân loại, kéo thêm nhiều người vào hồ lửa đời đời chung với nó. 

68. Thuyết Soi sáng là gì? và có nội dung gì? 

Thuyết Soi sáng, trong Thần Đạo Học của Giáo sĩ John Drange Olsen dùng từ Hán Việt là Chiếu-minh-thuyết, cho rằng Đức Thánh Linh có tác động trên các trước giả Kinh Thánh, bằng cách ban sự thông sáng cho tâm trí, tăng cường năng lực tri thức cũng như khả năng viết lách của họ. Sự soi sáng và tăng cường nầy khiến các trước giả nhạy bén hơn về thuộc linh, sâu rộng hơn về tri thức, và tài giỏi hơn về khả năng để khám phá các chân lý. Từ đó, họ sử dụng mọi khả năng mình có được để trình bày các chân lý đó trên các bản văn của Thánh Kinh.

69. Thuyết  Soi sáng đúng sai ra sao?

Theo quan điểm nầy thì người viết được trợ lực, được tài bồi cho khả năng đã có sẵn. Chính yếu, trước giả dùng khả năng mình đã có mà viết ra bản văn Kinh Thánh, chớ không phải bản văn Kinh Thánh được soi dẫn hay hà hơi. Nếu có sự soi sáng, thì sự soi sáng ấy dành cho người viết, chớ không phải là sự hà hơi cho bản văn. Vì vậy, Thuyết Soi sáng rất khác với những lời Kinh Thánh đã tự khải thị rằng “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn (hay hà hơi vào), có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” [2Ti 3:16-17]. 

70. Thuyết Soi dẫn từng phần là gì, và có nội dung gì?

Vào thời Cận đại, sau cuộc Cách mạng Khoa học, đức tin của Hội thánh, đức tin của các mục sư, đức tin của các học giả Cơ đốc, và đức tin của các nhà Thần học bị thách thức và bị tấn công dữ dội bởi một cảm nghĩ chung cho rằng có nhiều điều trong Kinh Thánh dường như sai lầm về mặt khoa học, hoặc thậm chí đôi khi phản khoa học.

Vì thế thuyết Soi dẫn từng phần được đưa ra nhằm bào chữa Kinh Thánh và bảo vệ đức tin Cơ đốc trước những sự chỉ trích mạnh mẽ của Khoa học.

Thuyết Soi dẫn từng phần dạy rằng Đức Chúa Trời thật có soi dẫn-hà hơi cho Kinh Thánh, song chỉ hà hơi cho những phần liên quan đến các vấn đề đức tin, tín lý, và sống đạo. Đây là những phần chân lý bất biến. Nhưng về những phần Kinh Thánh liên quan đến khoa học, lịch sử, niên đại,… hoặc các vấn đề phi tín ngưỡng khác, thì Ngài để cho các trước giả tự do viết ra theo hiểu biết chung của thời đại họ. Theo quan điểm này, khi Kinh Thánh được viết ra, Đức Chúa Trời bảo vệ chân lý cứu rỗi, để sứ điệp nầy luôn luôn đúng với mọi thời đại và mọi nơi. Nhưng trong những vấn đề khác, do nhận thức của trước giả bị giới hạn trong thời đại mình nên có thể có những sai lầm.

71. Thuyết Soi dẫn từng phần đúng sai ra sao?

Cho đến giữa thế kỷ XX, quan điểm nầy vẫn được sự ủng hộ của hầu hết các nhà Thần học và học giả tên tuổi. Tuy được ủng hộ rộng rãi như vậy, thuyết nầy vẫn chưa hề giải quyết ổn thỏa các vấn nạn sau: Phần nào trong Kinh thánh là phần được Đức Chúa Trời soi dẫn? Phần nào không được Ngài soi dẫn? Đâu là phần các trước giả viết theo kiến thức thời đại của họ nên có thể sai lầm?

Ngoài ra, còn có một vấn nạn cực kỳ quan trọng: Nếu Kinh Thánh có chỗ sai như thế, thì Kinh Thánh có đáng gọi là quyển sách của Đức Chúa Trời hay không?

Nhưng có một tin vui lớn cho Đạo Tin Lành của Đức Chúa Trời. Từ cuối thập niên 70 của thế kỳ XX, các nhà khoa học ngoại giáo lẫn các học giả Cơ-đốc giáo bắt đầu phát hiện ra những giả định cùng lời tuyên bố sai lầm, bất nhất của các lời tuyên bố khoa học trong những thế kỷ trước đó.

Trong lúc đó, những điều xác quyết của Kinh Thánh liên quan đến Vật lý, Sử học, Niên đại học, tức các phạm vi liên quan đến khoa học Thiên nhiên lẫn khoa học Xã hội, thì càng ngày càng được công-nhận là chân xác. Thật ra, Kinh Thánh không nên trông đợi sự ủng hộ của các nhà khoa học, vì sự nhận thức và các quan điểm của khoa học theo sự kiểm chứng của thời gian thường chứng minh là nông cạn, sai lầm, và cứ thay đổi luôn luôn.

Chúng ta tin rằng, nếu những nhà Thần học, những học giả tin kính và lỗi lạc của đầu thế kỷ trước còn sống đến hôm nay, các vị ấy sẽ lìa bỏ Thuyết Soi dẫn từng phần.

72. Thuyết Động lực là gì, và có nội dung gì? 

“Thuyết Động lực nhấn mạnh sự kết hợp những yếu tố thiên thượng và con người trong tiến trình linh hứng và trong việc viết Kinh Thánh. Công việc của Thánh Linh Đức Chúa Trời là điều khiển người viết trong những tư tưởng hoặc khái niệm người đó phải có, và cho phép vị-cách đặc biệt của người viết giữ vai trò lựa chọn từ và thành ngữ để sử dụng. Như vậy, người viết diễn tả những tư tưởng do thiên thượng chỉ đạo, theo cách độc đáo của riêng mình.*

*Millard J Erickson: Thần Học I,II,III, Thánh Kinh Thần Học Viện, Anaheim, California, trang 2-39

73. Thuyết Động lực đúng sai ra sao?

Thuyết Động lực rõ ràng đã giảm nhẹ rất nhiều vai trò của Đức Chúa Trời trong việc soi dẫn, hà hơi. Công việc của Ngài chỉ giới hạn trong lãnh vực đưa ra những ý tưởng và khái niệm, còn việc viết ra lời Kinh Thánh hoàn toàn thuộc công việc của trước giả.

Quan điểm này hoàn toàn khác với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về sự Soi dẫn, Hà hơi như được ký thuật trong các phân đoạn Kinh Thánh sau:

Ês 59:21:

Đức Giê-hô-va phán: Về phần ta, nầy là giao ước ta đã lập  với họ. Thần ta ở trên ngươi, cả đến những lời ta đã đặt nơi miệng ngươi, sẽ chẳng lìa khỏi miệng ngươi, miệng dòng dõi  ngươi, và miệng dòng dõi của dòng dõi ngươi, từ bây giờ cho đến  đời đời! Đức Giê-hô-va phán vậy.

Giê 1:9:

Đoạn, Đức Giê-hô-va giang tay rờ miệng tôi. Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng: Nầy, ta đã đặt những lời ta trong miệng ngươi.

IITi 3:16:

Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn (hà hơi vào), có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình…

IIPhi 1:20-21:

Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.

74. Thuyết Soi dẫn Tân chính thống là gì, và có nội dung gì?

Muốn hiểu thuyết Soi dẫn của Tân chính thống, trước hết chúng ta phải hiểu sự nhận thức của họ về Kinh Thánh. Tân Chính thống, người đứng đầu là Karl Barth (1886-1968), một học giả thông minh sắc bén người Thụy sĩ (sống ở Đức), cho rằng Kinh Thánh là một tuyển tập ghi lại những kinh nghiệm của những con người xuất sắc khi họ gặp gỡ, giao thông với Ngôi Lời, là Đấng Christ. Những người viết nầy, đã bằng cách tốt nhứt theo khả năng của họ, đã viết để mô tả lại các ý tưởng, sự hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân của họ trong khi tiếp xúc với Ngài.

Cho nên Tân Chính thống gọi Kinh Thánh là “Lời chứng về Ngôi Lời”.

Theo Karl Barth, nhờ có Lời chứng về Ngôi Lời nầy, tức lời chứng của các tác giả Kinh Thánh, mà ngày nay chúng ta có một công cụ của đức tin (tức Kinh Thánh), để có thể tương giao, gặp gỡ (encounter) bằng đức tin với Ngôi Lời, tức với Đấng Christ, qua các trang Kinh Thánh, hầu cho có thể tiếp nhận được những chân lý từ sự gặp gỡ đó.

Do đó, theo Karl Barth, tuy Kinh Thánh chỉ là một tuyển tập tài liệu do con người ghi lại, với những sai lầm của con người, nhưng vì là một công cụ giúp ta đến được với Ngôi Lời, nên Kinh Thánh đã trở thành Lời của Đức Chúa Trời (trong ý nghĩa chủ quan) khi chúng ta đọc nó, vì nhờ đọc nó mà giao tiếp được với Ngôi Lời.

Tóm lại, theo Tân Chính thống, Kinh Thánh có 4 đặc điểm quan trọng sau đây:

(1) Vì cớ sự giới hạn và bất toàn về tri thức và khả năng của con người, nên những lời chứng của các trước giả về Ngôi Lời, tức Kinh Thánh, đương nhiên phải có những chỗ sai lầm không thể tránh khỏi.

(2). Các phần trong Kinh Thánh không có giá trị ngang bằng với nhau. Phần nào trực tiếp làm chứng về Ngôi Lời thì có giá trị vượt trội hơn những phần khác.

(3). Kinh Thánh chưa phải là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng Kinh Thánh cần thiết, vì nó chính là công cụ để con người gặp gỡ bằng đức tin với Đấng Christ của Kinh Thánh, và nhờ đó nhận được các Lẽ thật của Ngài.

(4). Khi nào Kinh Thánh được đọc, bấy giờ Kinh Thánh sẽ trở thành Lời của Đức Chúa Trời, hay nói cách khác, Kinh Thánh sẽ từ là Lời chứng của con người về Ngôi Lời, trở thành Lời của Đức Chúa Trời, khi người ta, qua từng trang của Kinh Thánh mà gặp gỡ Ngôi Lời.

75. Thuyết Soi dẫn Tân Chính thống đúng sai ra sao?

Mặc dầu được giới lãnh đạo, học giả của Cơ-đốc giáo giới đương thời, cả Tin lành lẫn Công giáo nhiệt liệt ca ngợi (Giáo hoàng Công giáo Pius XII nhiệt liệt ca ngợi Karl Barth “là Nhà Thần học vĩ đại nhứt, kể từ Thánh Thomas Aquinas cho tới nay”, hay một số Mục sư Tin lành, đã tuyên bố: “Karl Barth là người hiểu Phao lô hơn chính cả Phao-lô”), thì Karl Barth đã đưa ra một lý thuyết của Tân Chính thống về sự hà hơi vô cùng sai lầm và nguy hiểm. 

(1) Điều sai lầm căn bản của Thuyết Soi dẫn Tân Chính thống là bác bỏ yếu tố siêu nhiên của Sự Soi dẫn, trực tiếp nghịch lại với Lời của Đức Chúa Trời trong IITi 3:14-17 và trong IIPhi 1:21.*

Khi cho rằng Kinh Thánh tự thân nó chỉ là những quan điểm, những hiểu biết của con người, Tân Chính thống đã chính thức bác bỏ tác quyền của Đức Chúa Trời, và do vậy, chúng ta phải kết luận rằng Lý thuyết căn bản của Tân Chính thống về Sự Soi dẫn là không có sự soi dẫn gì cả.

*Trung thành với quan điểm mình, Karl Barth đã mau chóng cãi lại rằng: Trong hai trường hợp nầy, Phao-lô và Phi-e-rơ đã viết những câu nầy theo sự nhận thức, suy nghĩ của hai vị ấy, chớ không phải do hai vị ấy đã trải qua một kinh nghiệm đặc biệt nào. Có lẽ ý Karl Barth muốn nói rằng IITi 3:14-17 và IIPhi 1:21 cũng chỉ là những ý kiến, những quan điểm riêng của hai vị ấy thôi. Và hai ý kiến, hai quan điểm đó có thể đúng, mà cũng có thể sai.

(2) Việc tuyên bố Kinh Thánh là tác phẩm của con người, chứa đựng những sự sai lầm đã khiến tín đồ bối rối, không biết phần nào là đúng, phần nào là sai. Hậu quả, con dân Chúa không còn tin tưởng toàn bộ Kinh Thánh. Thực tế, Thuyết Soi dẫn Tân Chính thống đã tàn phá Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại Nước Đức, quê hương của nó, cũng như trên quy mô toàn thế giới cho đến ngày nay.

(3) Vì cho rằng Kinh Thánh có những chỗ sai, thuyết nầy cũng đã khiến cho các nhà giải kinh có thể tùy tiện mà loại bỏ nhiều lẽ thật rất quan trọng trong Kinh Thánh, nhứt là lẽ thật về Công cuộc Sáng tạo và lẽ thật các Phép lạ (vì theo họ nghĩ là phản khoa học). Một ví dụ cụ thể là như trong bộ giải nghĩa Kinh Thánh Tân Ước của William Barclay, tác giả đã khéo léo bác bỏ các phép lạ, kể cả phép lạ về sự Giáng sinh của Đức Chúa Jesus Christ, nghĩa là bác bỏ một trong những giáo lý quan trọng nhứt của Tin lành, được Công bố trong “Bài Tín điều của các Sứ đồ”*.

*Những ai đang sử dụng bộ giải kinh của William Barclay (tiếng Anh) cần rất cảnh giác. Thậm chí một số bản dịch tuy đã loại bỏ một số lớn quan điểm vô tín của ông, song cũng nên đọc trong sự cẩn thận, bởi vì ông: (1) Tin thuyết Tiến hóa, (2) Tin thuyết Phổ thế (Universalism), (3) Tin rằng Đức Chúa Jesus là một nhà đạo đức chớ không phải là Đức Chúa Trời, (4) Không tin lẽ đạo Ba Ngôi, (5) Tin rằng mọi người bất kể là tôn giáo nào, đều sẽ gặp nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.

(4) Tân Chánh thống đã làm cho nhiều mục sư hoàn toàn lầm lạc về Thần học Cơ đốc giáo. Một ví dụ cụ thể là một Mục sư Việt nam theo Tân Chính thống, đã viết ra một tác phẩm để ca ngợi Ấn độ giáo hết lời, để rồi cuối cùng lại cho rằng chính Cơ-đốc giáo xây dựng trên Phiếm thần luận, và trên căn bản, tương đồng với Ấn độ giáo!!!

76. Thuyết Đọc chính tả là gì, và có nội dung gì?

Thuyết Đọc Chính tả, mà Giáo sĩ John D. Olsen gọi là “Khẩu thụ thuyết” là thuyết cho rằng trong quá trình soi dẫn, Đức Chúa Trời đã đọc Lời Thánh của Ngài ra cho các trước giả Kinh Thánh chép lại y như là người thư ký chép lời của “Chủ” hay người học trò chép bài chính tả của thầy giáo đọc.

77. Thuyết Đọc chính tả đúng sai ra sao?

Tác giả Thần Đạo Học, John Drange Olsen đã phê phán thuyết Đọc chính tả như sau:

“Thuyết nầy…có những ngộ điểm sau đây:

(1) Kinh Thánh tỏ ra có khi Đức Chúa Trời dùng lời và tiếng loài người phán cho các trước giả Kinh Thánh, bảo phải chép vào sách. (Xem Xuất 17:14, 34:27; Dân 7:89;8:1;). Dầu vậy, chẳng có bằng cớ gì chứng rằng Đức Chúa Trời chỉ lợi dụng phương thức đó mà truyền bảo ý chỉ Ngài cho họ mãi thế đâu, nhưng vẫn còn dùng nhiều cách khác hơn rất thích hiệp với bản năng tự do của trước giả nữa vậy.

(2) Thuyết nầy chẳng kể đến cái “nhơn tánh” tỏ ra trong Kinh Thánh, cũng không giải quyết được tại sao lối văn và kiểu viết của trước giả nầy khác với lối văn và kiểu viết của trước giả kia. Ví bằng họ viết theo sự khẩu thụ, thì tại sao không đồng một lối văn, rập khuôn một kiểu viết?”*

*John Drange Olsen, Thần Đạo Học, Sài gòn, Nhà In Tin Lành, 1958, tr.75.

78. Thuyết Soi dẫn từng lời và soi dẫn toàn thể là gì, và có nội dung gì?

Millard J Erickson đã tóm tắt về Sự Soi dẫn nầy như sau:

“Thuyết hà hơi từng chữ cho rằng ảnh hưởng của Thánh Linh mở rộng vượt ngoài phạm vi điều khiển tư tưởng sang việc chọn từ để truyền đạt sứ điệp. Công việc của Thánh Linh chặt chẽ đến độ mỗi từ đều chính là từ mà Đức Chúa Trời muốn sử dụng ở điểm đó để nói lên sứ điệp. Tuy nhiên thường thường phải vô cùng thận trọng để nhấn mạnh rằng đây không phải là sự đọc từng chữ”.*

 *Thần học I,II,III, Thánh Kinh Thần Học Viện, Anaheim, California, USA, trang 2-39.

Như vậy, Sự soi dẫn từng lời (chữ) ở đây có nghĩa là, trong việc viết Kinh Thánh, mặc dầu cá tính riêng, nét độc đáo, văn phong, cùng cách sử dụng từ liệu của từng trước-giả Kinh Thánh vẫn được giữ lại, Đức Chúa Trời đã soi dẫn các trước-giả để ghi lại Lời của Ngài bằng cách ban cho, kiểm soát, và tể trị trọn vẹn mọi ý tưởng cùng mọi lời mà họ phải viết ra. Mục đích của sự ban cho, kiểm soát và tể trị trọn vẹn nầy là để cho những lời đó sẽ xuất hiện y như ý Ngài đã muốn những lời đó phải xuất hiện trong bản văn. (Còn Soi dẫn toàn thể có nghĩa là mọi sách của Kinh thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn đầy đủ và bằng một cường độ y như nhau).

79. Thuyết Soi dẫn từng lời và Soi dẫn toàn thể đúng sai ra sao?

Thuyết Soi dẫn từng lời và Soi dẫn toàn thể là thuyết đúng đắn hơn hết, không chỉ vì nó được hầu hết các hệ-phái Tin lành chính thống công nhận, mà chính vì thuyết nầy hoàn toàn phù hợp với sự dạy dỗ của toàn bộ Kinh Thánh trong vấn đề quan trọng nầy.

80. Quan điểm của Đức Chúa Jesus Christ về sự soi dẫn từng lời và toàn thể là như thế nào?

(1). Đức Chúa Jesus Christ tuyên bố rằng từng lời từng chữ trong Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn:

“Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.  Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng” [Mat 5:17-19].

(2) Đức Chúa Jesus Christ tuyên bố rằng chẳng những từng lời, mà toàn thể mọi sách của cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn:

Trong cuộc đời chức vụ Ngài, từ khi bước vào chức vụ cho đến lúc chịu chết và phục sinh, Ngài thường xuyên và long trọng trưng dẫn rất nhiều chỗ khác nhau trong cả Kinh Thánh, và tuyên bố rằng đó là Lời của Đức Chúa Trời.

(Ví dụ: Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. [Mat 4:4] Phục 8:3

Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời. ...[Mat 15:6-9] Ê-sai 29:13 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh Thánh: Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, Trở nên đá đầu góc nhà; …một sự lạ trước mắt chúng ta, hay sao? [Mat 21:42] Thi 118:22-23

Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải để ý), [Mat 24:15] Đa 9:27;11:31;12:11

Các sách tiên tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta. [Giăng 6:45] Ês 54:13

Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đang khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. [Mat 5:17-18]

Kinh Thánh không thể bỏ được, [Giăng 10:35]  .....và vân vân...)

Và cuối cùng, trong Lu 24:44, Ngài phán một lời, mà lời nầy tuy là để chỉ ra việc cả Kinh Thánh Cựu Ước đều chép về Ngài, song cũng đồng thời cả Kinh Thánh Cựu Ước đều được hà hơi:

“Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh.” [Lu 24:44].

81. Quan điểm của các Sứ đồ về sự soi dẫn từng lời và toàn thể là như thế nào?

(1) Quan điểm của Phao-lô:

Trong ITi 5:18, Phao-lô đã viết:

“Vì Kinh Thánh rằng: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa;  người làm công thì đáng được tiền công mình”. [ITi 5:18]

Ở đây, trong thư Ti-mô-thê thứ nhứt, vị Sứ đồ trước hết mở đầu bằng cách  Đức Chúa Jesus vẫn thường hay sử dụng, đó là: “Vì Kinh Thánh rằng”.  Sau đó ông trưng dẫn hai câu Kinh Thánh, một câu từ Cựu Ước, một câu từ Tân Ước, đó là Phục 25:4  Lu 10: 7 để dạy dỗ Hội thánh về bổn phận của họ đối với các bậc trưởng lão, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ. Sự trưng dẫn nầy cho thấy rõ ràng là Phao lô cũng như Hội thánh thời ấy đã đương nhiên xem cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều được hà hơi từng chữ và soi dẫn từng lời.

Sau đó ít lâu, trong thư Ti-mô-thê thứ hai, vị Sứ đồ còn chứng tỏ quan điểm nầy một cách trực tiếp và đầy đủ hơn nữa:

“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” [IITi 3:16-17].

Chính câu Kinh Thánh trên đây về sau đã làm nền tảng cho giáo lý “Sự Soi dẫn” của đạo Tin lành.

(2) Quan điểm của Phi-e-rơ:

Trong IIPhi 1:21, Phi-e-rơ viết:

“Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” [IIPhi 1:21].

Như vậy, Phi-e-rơ hoàn toàn đồng ý với Phao-lô về việc cả Kinh Thánh đều được soi dẫn từng chữ từng lời. Trong một trường hợp khác, vị Sứ đồ còn xác định rằng mọi lời trong các thư tín của Phao-lô đều được hà hơi soi dẫn như mọi phần khác của Kinh Thánh:

“Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy. Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình”  [IIPhi 3:15-16]….