than hoc van dap

89. Kinh điển là gì?

Chữ Kinh điển trong tiếng Anh cũng như tiếng Pháp là “canon”. Chữ nầy đến từ tiếng Hy lạp cổ có nghĩa là cây sậy, về sau trở thành thước đo, vì người Hy lạp thường dùng cây sậy để làm thước để đo. Trong Hán Việt, chữ “điển” có nghĩa là “mẫu mực” hay “mực thước”. Kinh điển là một thuật ngữ để chỉ việc dùng mực thước hay tiêu chuẩn để thẩm-định những sách được hà hơi, nghĩa là thuộc vào Kinh Thánh.

Điều vô cùng quan trọng cần lưu ý ở đây là việc kinh điển không làm cho một sách trở thành sách thánh. Một kinh văn khi được Đức Chúa Trời soi dẫn hay hà hơi thì tự thân đã là Sách Thánh. Còn việc kinh điển chỉ là việc xác định sách đó vào hàng Sách Thánh của Đức Chúa Trời, mà thôi.

90. Công tác Kinh điển có cần yếu không?

Để trả lời câu hỏi nầy, tôi xin được trích nguyên văn lời luận của Giáo sĩ John Drange Olsen, tác giả sách Thần Đạo Học:

Kinh điển của Kinh Thánh rất cần yếu vì những cớ sau đây:

a) Để cho loài người được sự khải thị trọn vẹn của Đức Chúa Trời. – Kinh điển Kinh Thánh tuy có nhiều quyển khác nhau nhưng chẳng qua chỉ là một sách, có một trước giả là Thánh Linh, luận về một đề mục là sự Cứu rỗi. Đề mục ấy thấu suốt cả sách, bày tỏ ra mọi sự ta cần biết để được toàn cứu. Nhưng mà cái đề mục ấy chỉ được trọn vẹn là khi hết thảy các sách của cả Tân Cựu Ước đều được sưu tập thành toàn một thể, một sự khải thị trọn vẹn của Đức Chúa Trời ban xuống vậy. Vả ấy là nhờ sự thí nghiệm theo kinh điển kia mà biết các sách trong Kinh Thánh được tin nhận và tập thành là như thế.

b) Để cho loài người có thể giữ lấy lời Đức Chúa Trời trong một bộ sách. – Đương thuở các tiên tri và các sứ đồ còn sống thì không cần sưu tập các thánh thơ xác thực hiệp thành một bộ sách làm chi; bởi vì Đức Chúa Trời vẫn còn hà hơi vào họ, thì thật lấy làm dễ phân biệt thơ nào được Thánh Linh mặc cảm, thơ nào không. Nhưng sau khi các bậc thánh ấy đã qua đời rồi, thì lại lấy làm cần yếu cho dân Đức Chúa Trời sưu tập các thơ của họ vào một bộ sách để bảo tồn cho các đời về sau.

c) Để bảo thủ các thánh thư khỏi bị giả mạo hoặc sai lạc. – Nhằm đời kế tiếp các sứ đồ Giáo hội đã biết lẽ cần và đã lo bảo thủ các thánh thư cho khỏi bị ai giả mạo hoặc làm sai lạc. Nhưng hại thay! Vào thời kỳ đầu tiên, đạo Christ đã bị các bậc cầm quyền của đời tìm trăm mưu ngàn kế để phá hủy các văn tự ấy. Như nhằm đời hoàng đế Dioclétien đã ra sắc lịnh, bảo phải thiêu hủy hết cả bao nhiêu sách thánh của tín đồ Đấng Christ đi. Thành thử, tín đồ cần phải biết trong số các sách còn lại đó thì sách nào là thánh, đặng binh vực và bảo thủ cho khỏi bị giả mạo hoặc sai dịch.

d) Để người ta có thể biết cái hạn chế về thánh thư được Thánh Linh hà hơi vào. – Nhằm thời kỳ Giáo hội đầu tiên có một đống nguyên cảo và ngụy thư đồ sộ, đều tự xưng là thánh thư xác thực, đáng thuộc trong kinh điển Tân Cựu Ước cả. Vì vậy cho nên rất cần yếu cho Giáo hội được biết sách nào là chân trước, sách nào là ngụy tạo, thư nào chánh thị thần quyền, thư nào chỉ là nhơn tác phẩm mà thôi. Giả như nhằm năm 330 S.C. Constantin đại đế ra lịnh phải sao lại 50 bộ Kinh Thánh đặng dùng trong các giáo đường tại Constantinople. Nếu lúc ấy không có điển pháp nào để thí nghiệm sự xác thực, chơn chánh của các quyển Kinh Thánh, thì ai biết thơ nào là Kinh Thánh mà sao lại?*

*John Drange Olsen, Thần Đạo Học, Sài gòn, Nhà In Tin Lành, 1958, trang 28.

91. Việc nghiên cứu Kinh điển có cần thiết không?

Những người đọc Kinh Thánh bình thường có lẽ không mấy ai quan tâm đến vấn đề Kinh điển. Khi đọc Kinh Thánh, Kinh Thánh có một quyền năng tự nhiên của Lời được hà hơi, khiến người ta tin, người ta bị bắt phục và được thay đổi, chớ không phải do nhờ biết đến kinh điển hay không. Tuy nhiên, đối với người hầu việc Chúa, vấn đề Kinh điển lại trở nên rất quan trọng, vì ít nhứt bốn lý do sau đây:

(1) Lý do thứ nhứt: Giáo hội Công giáo lập luận do Hội Thánh Đầu tiên đã kinh điển Kinh Thánh, nên cả nhân loại đều mắc nợ Công giáo vì sự ra đời và hiện hữu của Kinh Thánh. Điều nầy dẫn đến việc Giáo hội tự trao cho mình thẩm quyền tiếp tục thêm vào quyển Kinh Thánh đã được kinh điển, một số sách khác mà trước đây Cơ-đốc giáo (và cả Do thái giáo), vẫn xem là Ngụy kinh (apocrypha), hay bán kinh điển (semicanonical). Hậu quả, Kinh Thánh của Công giáo có đến 80 quyển sách. Việc tự ý thêm vào Kinh Thánh những sách nầy, chẳng những là một việc sai làm nảy sinh một số giáo lý mới và giáo lý sai, mà còn làm Kinh Thánh giảm hẳn giá trị.

(2) Lý do thứ hai: Giáo hội Công giáo tự ban cho mình quyền chuẩn nhận hai thẩm-quyền khác, ngoài bộ Kinh Thánh, là thẩm quyền của Truyền thống Giáo hội, cùng thẩm quyền của các Nghị quyết của Công đồng Giáo hội. Điều nầy dẫn đến hậu-quả nghiêm trọng là Kinh Thánh chỉ còn là một trong ba thẩm quyền của đức tin và tín lý Giáo hội. Trên thực tế, uy quyền Giáo hội bao trùm trên cả ba thẩm quyền ấy. Do đó, Kinh Thánh không còn là thẩm quyền duy nhất, tối cao, và tuyệt đối về đức tin và tín lý của Hội thánh như bên Tin lành chánh thống.

(3) Lý do thứ ba: Nếu không học kỹ về ý nghĩa của sự Kinh điển Kinh Thánh, tín hữu dễ lầm tưởng thẩm quyền và quyền năng Kinh Thánh đến từ sự kinh điển của Hội thánh đầu tiên. Thật ra, mỗi sách Kinh Thánh đều được hà hơi, có quyền năng nội tại và thẩm quyền ngay từ lúc quyển sách được viết ra. Về sau sách được kinh điển để thừa nhận quyền năng và uy quyền đã có sẵn của nó. Giáo hội căn cứ vào quyền năng và uy quyền của các sách đã được Đức Chúa Trời hà hơi mà kinh điển các sách ấy, chớ không một giáo hội hay tổ chức nào có thể ban quyền năng ấy cho bất kỳ một sách nào trong các sách đó cả.

(4) Lý do thứ tư: Nếu không học kỹ về sự Kinh điển Kinh thánh, người hiểu biết đơn sơ dễ có cảm nghĩ giống như đa phần tín hữu Công giáo cho rằng Kinh Thánh nhờ Giáo hội mà có, và Kinh Thánh là quà tặng của Giáo hội ban cho con người. Thật ra, Kinh Thánh là quà tặng, là ân điển của Đức Chúa Trời ban cho loài người, y theo lòng nhơn từ và sự giàu có vô cùng của Ngài trong Đức Chúa Jesus Christ. Ấy bởi ơn Thần hựu đầy khôn ngoan, quyền năng và yêu thương lạ lùng của Đức Chúa Trời mà Kinh Thánh đến được với chúng ta. Ơn Thần hựu về việc ban tặng Lời Thành văn của Ngài là một chuổi  ngọc nạm vàng của vô số các sự kiện siêu nhiên lẫn lịch sử, hòa quyện vào nhau, mà sự Kinh điển chỉ là một trong các sự kiện ấy.

92. Những quy-luật Kinh điển là gì?

Khi kinh điển một sách, các Cộng đồng Hội Nghị đã căn cứ vào những quy-luật (qui tắc, tiêu chuẩn, luật lệ để Kinh điển) như sau:

(1) Tác giả: Quyển sách có tỏ ra Đức Chúa Trời chính là tác giả, được chính Ngài hà hơi chăng? Những lời trong sách có phải do Đức Chúa Trời trực-tiếp phán ra, hay phán qua một người trung gian, tức là trước giả chăng? (Thí dụ: Xuất 3:16;20:1; Phục 10:1, Giô 1:1; Ês 6:8-10…).

(2) Trước giả: Trước giả có phải là một nhà tiên tri, một sứ đồ, hay một người có ân tứ tiên tri, được nhìn nhận là một người kính sợ Đức Chúa Trời, đã được Ngài ủy nhiệm làm phát ngôn viên cho Ngài chăng? (Thí dụ: Phục 31:24-26; 1Sa 10:25…).

(3) Sự chân xác: Nội dung của sách có chính xác về phương diện lịch sử, chân xác về các sự kiện mô tả, chân xác về các biến động được ghi chép, chân xác và nhất quán về mặt giáo lý với những sách khác có trước nó chăng?

(4) Sự Công nhận: Những sách đó có được (1) Tuyển dân Y-sơ-ra-ên, (2) Hội Thánh ban đầu tôn kính và vâng phục như là Lời của Đức Chúa Trời, và (3) các Giáo phụ đã trích dẫn để dạy dỗ như lời của Đức Chúa Trời chăng?

93. Kinh Thánh đã được kinh điển như thế nào?

(1) Cựu Ước:

Đang khi Đức Chúa Jesus còn tại thế, đã có nhiều bằng chứng cho thấy Kinh Thánh Cựu Ước đã được dân Y-sơ-ra-ên kinh điển. Đức Chúa Jesus cùng các Sứ đồ của Ngài thường xuyên, ít nhứt 53 lần, trưng dẫn một cách long trọng, và tuyệt đối tin cậy nơi sự dạy dỗ của Quyển sách mà Ngài và các Sứ đồ gọi là Kinh Thánh. Thí dụ:

Mat 22:29 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Đức Chúa Trời thể nào.

Mác 14:49 Ta hằng ngày ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ, mà các ngươi không bắt ta; nhưng điều ấy xảy đến, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm.

Lu 24:44-45 Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các Thi Thiên phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh.

Giăng 5:39 Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy.

Công 1:16 Hỡi anh em ta, lời Đức Thánh Linh đã nhờ miệng vua Đa-vít mà nói tiên tri trong Kinh Thánh…

Rô 15:4 Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.

1Cô 15:3-4 Vả trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh;

2Cô 4:13 Vì chúng tôi có đồng một lòng tin, y như lời Kinh Thánh rằng: Ta đã tin, cho nên ta nói, cũng vậy, chúng tôi tin, cho nên mới nói,

Ga 3:8 Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước.

2Ti 3:15 và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Gia 2:23 Vậy được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời.

1Phi 2:6 Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ.

Ngoài ra, chúng ta ngày nay cũng có đầy đủ các bằng chứng về cách thức mà các sách trong Cựu Ước đã được công nhận là kinh điển. Môi-se đã được công nhận là đã chép Ngũ Kinh theo lệnh của Chúa [Xuất 17:14;34:27, tham khảo Giô 8:31;23:6]. Các tiên tri cũng đã ghi lại lời phán cùng sự khải thị của Đức Chúa Trời ban cho họ [Giô 24:26; 1Sa 10:25; Ê-sai 8:1; Êxê 43:11]. Theo như lời chứng từ ngay trong chính các sách ấy, các sách ấy được kể là Lời của Đức Chúa Trời liền sau khi những lời ấy vừa mới được viết ra..

(2) Tân Ước:

Về Kinh điển Tân Ước, tác giả quyển Thần Đạo Học, Hiệu trưởng và Giáo sư Thần học Trường Kinh Thánh Đà nẵng, Giáo sĩ John Drange Olsen đã tóm tắt rất gọn như sau:

“Hễ sách nào được liệt kê vào Kinh điển Tân Ước thì phải được trước thuật bởi một sứ đồ nào, hoặc được một sứ đồ nào chứng thực cho sự chơn chánh và sự đích thực của nó; hoặc phải được Giáo hội trong đời các sứ đồ công nhận là thánh văn, có thần quyền làm khuôn vàng thước ngọc cho sự tín ngưỡng của Giáo hội. Vả, lịch sử Giáo hội bày tỏ rõ ràng lắm rằng phần nhiều quyển của Tân Ước đã được Giáo hội công nhận vào lối thế kỷ thứ nhứt. (Cũng xem 1Tê 5:27; Cô-lô-se 4:16; 2Phi 3:15,16; 2Tê 2:2). Khi Công Giáo nghị hội Ê-phê-sô nhóm lại năm 363 S.C., thì Kinh điển Tân Ước đã được sưu tập xong rồi; nghị hội ấy chứng thực và biểu quyết thừa nhận Kinh điển ấy là lời lẽ chơn thật của Đức Chúa Trời”.*

*John Drange Olsen, Thần Đạo Học, Sài gòn, Nhà In Tin Lành, 1958, trang 30-31.