Tìm kiếm

TIN LÀNH CHỮA BỊNH - Chương III. Những Điều Chỉ Dẫn Thực Tế

CHƯƠNG THỨ BA

NHỮNG ĐIỀU CHỈ DẪN THỰC TẾ

Chúng ta xem xét lập trường của Kinh Thánh về lẽ đạo chữa bịnh bởi đức tin đến Đức Chúa Trời; bây giờ tới câu hỏi thực tế nầy: Người  hoàn toàn tin lẽ đạo nầy, thì sẽ nhận lãnh ơn phước và được chữa lành thể nào?

1) Hãy hoàn toàn tin quyết Lời Đức Chúa Trời trong vấn đề nầy.

Đó là nền tảng chắc chắn độc nhứt cho đức tin hợp nhứt với lý trí và với Kinh Thánh. Đức tin của anh em phải lập trên các nguyên tắc và lời hứa hệ trọng của Kinh Thánh; bằng không, thì đức tin không chịu nổi sự chống trả và thử thách chắc sẽ xảy đến. Anh em phải tin chắc rằng ân tứ chữa bịnh là một phần của Tin Lành và của ơn cứu chuộc do Đấng Christ, đến nỗi tất cả sự dạy dỗ và lý luận của những người tài giỏi nhứt cũng không thể lay chuyển anh em.

Trong vấn đề nầy, phần nhiều sự thất bại thực tế của đức tin là do nghi ngờ hoặc không hết lòng tin quyết Lời Đức Chúa Trời. Tôi xin phép kể truyện một cụ bà đã hoàn toàn tin lẽ thật nầy và nhận Đấng Christ làm Đấng chữa bịnh cho mình. Bà lập tức được bổ sức mạnh cả phần thần linh và phần thân thể, và lòng bà tràn ngập sự mừng rỡ và báo tin vui đó cho bạn hữu mình.

Trong số những người đó bà gặp Mục sư của mình, và nói với ông biết mình có đức tin và được ơn phước thể nào. Bà ngạc nhiên lắm, vì ông lập tức phản đối ý kiến của bà; ông cảnh cáo bà đừng có mê đạo như vậy; ông bảo bà rằng những lời hứa mà bà đã tin cậy đó không phải là cho chúng ta, chỉ riêng cho các Sứ đồ và thời đại các Sứ đồ.

Bà lắng tai nghe, hỏi han, chiều theo, rồi bỏ lòng tin cậy Chúa. Chưa đầy một tháng sau, tôi lại bà, thì thấy bà suy đồi về phần thiêng liêng đến nỗi hầu như chẳng biết mình còn tin Kinh Thánh nữa hay không.

Bà lý luận rằng nếu những lời hứa đó chỉ riêng cho các Sứ đồ, thì sao mọi lời hứa khác trong Kinh Thánh lại không chỉ riêng cho họ mà thôi? Tôi khuyên bà nên để một khoảng thì giờ xem xét sự dạy dỗ trong Lời Đức Chúa Trời. Bà bèn so sánh mọi lời hứa chữa bịnh từ sách Xuất Ê-díp-tô Ký cho tới thơ Gia-cơ, và bình tĩnh cân nhắc mỗi một vấn đề; rốt lại, lẽ thật hóa ra rõ rệt và bằng cớ của lẽ thật nổi bật lên, đến nỗi bà chỉ có thể nói rằng: "Dầu cả thế gian chối bỏ lời hứa chữa bịnh, tôi cũng biết trong Kinh Thánh có lời hứa ấy, và lời hứa ấy là thật."

Rồi bà quì gối xuống và cầu xin Chúa tha thứ cho mình vì đã yếu đuối và không tin; bà lại long trọng tuyên bố tin cậy Chúa và dâng mình cho Ngài, lại xin cho được ân tứ chữa bịnh và phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. Từ ngày đó trở đi, bà được phục hưng và nhận được mọi ơn phước thiêng liêng đến nỗi chính ông Mục sư đã gây cho bà vấp ngã cũng bắt buộc phải thú nhận rằng đó là ngón tay của Đức Chúa Trời. Nhưng khởi điểm cho tất cả ơn phước mà bà nhận được chính là lúc bà hoàn toàn tiếp nhận và yên nghỉ trên Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời.

Nếu chúng ta tẻ tách một chút khỏi Lời Đức Chúa Trời do các tôi tớ Ngài đã biên chép, thì Ngài coi là nghiêm trọng lắm; ta có một thí dụ về lẽ ấy trong trường hợp của Môi-se. Đức Chúa Trời phán bảo ông rằng: "Phải nói cùng hòn đá" (Dân Số Ký 20:8). Nhưng ông dùng phương pháp loài người, và đã giơ gậy "đập hòn đá hai lần" (Dân Số Ký 20:11). Hơn nữa, sự vâng theo đúng các huấn lịnh của Đức Chúa Trời là quan hệ lắm; Ngài đã nhấn mạnh vào sự quan hệ ấy khi Ngài phán rằng: "Bởi vì hai ngươi không có tin đến ta, đặng tôn ta lên thánh trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ khôngđem hội chúng nầy vào xứ mà ta đã cho nó đâu. Ấy đó là nước của Mê-ri-ba tức là nơi dân Y-sơ-ra-ên cãi trả cùng Đức Giê-hô-va. Ngài tự nên thánh trước mặt dân đó" (Dân 20:12, 13).

Môi-se chịu tổn hại rất nặng nề vì đã không nghe theo huấn lịnh của Ngài; nhưng Đức Chúa Trời đã được tôn thánh trong chính đường lối Ngài.

2) Hãy hoàn toàn biết chắc rằng Đức Chúa Trời có ý muốn chữa lành cho anh em.

Phần nhiều tín đồ sẵn lòng nhìn nhận Đấng Christ có quyền phép chữa bịnh. Chính ma quỉ cũng nhìn nhận như vậy. Nếu có đức tin chơn thật, thì cũng phải tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẵn lòng đáp lại lời cầu nguyện bởi đức tin. Nếu nghi ngờ điểm nầy một phần nào, thì sẽ làm tê liệt lời cầu xin Chúa chữa bịnh dứt khoát cho mình. Nếu còn nghi ngờ Chúa không sẵn lòng chữa bịnh cho mình, thì ta sẽ không thể có lòng trông mong vững chắc.

Chỉ mơ hồ tin cậy rằng Chúa có thể nhậm lời cầu nguyện của mình, đó không phải là đức tin dứt khoát đủ để  chiến đấu với các lực lượng của tật bịnh và sự chết. Cầu nguyện Chúa chữa bịnh mà nói rằng: "Nếu Chúa muốn", thì không phải là đòi hỏi đến nỗi quỉ Sa-tan phải buông tha ra. Sự chữa bịnh là một vấn đề mà chúng ta phải biết ý chỉ của Đức Chúa Trời rồi mới cầu xin: Ta muốn được và xin cho kỳ được ân tứ chữa bịnh vì đó là ý chỉ của Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta một phương pháp nào do đó ta có thể biết ý chỉ của Ngài chăng? Chắc hẳn là có.

Nếu trong ơn cứu chuộc Đức Chúa Jesus đã mua ân tứ chữa bịnh cho chúng ta, thì chắc hẳn Đức Chúa Trời phải muốn chúng ta được ân tứ, vì tất cả công ơn cứu chuộc của Đấng Christ chỉ  là một cách thực hiện ý chỉ của Cha Ngài mà thôi. Nếu Đức Chúa Jesus đã hứa ban ân tứ chữa bịnh cho chúng ta, thì chắc hẳn Ngài phải muốn chúng ta nhận được ân tứ ấy; vì nếu không bởi Lời Ngài, thì chúng ta làm thế nào biết ý chỉ của Ngài được?

Hơn nữa, nếu trong Tân ước, Đấng Christ đã để lại (như cha mẹ để gia tài lại cho con cái) cho chúng ta ân tứ chữa bịnh, tức là ý muốn và chúc thơ cuối cùng của Ngài, thì ân tứ chữa bịnh chỉ là một gia tài do ý chỉ của Cứu Chúa để lại cho mọi "kẻ kế tự với Đấng Christ" (Rô-ma 8:17), tức là mọi kẻ đã được mua chuộc bởi huyết Ngài.

Lời Đức Chúa Trời là khuôn mẫu của ý chỉ Ngài cho đến đời đời và lúc ấy đã tuyên bố không hề thay đổi rằng: Sự mong ước lớn lao hơn hết của Đức Chúa Trời, và nguyên tắc hành động ý muốn không hề biến cải của Ngài là Ngài trả cho mọi người tùy theo mực đức tin của họ, nhứt là Ngài cứu rỗi những ai tiếp nhận Đấng Christ bởi đức tin, và Ngài chữa bịnh cho mọi người chịu nhận ân tứ chữa bịnh bởi đức tin giống như vậy.

Khi người ta xin Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi cho mình, thì chẳng ai nghĩ mình sẽ nói rằng: "Nếu Chúa muốn." Vậy, chúng ta cũng chẳng nên nghi ngờ lời Ngài hứa cứu chuộc thân thể mình. Sự cứu rỗi linh hồn và sự chữa bịnh thân thể đều do Đức Chúa Trời ban cho người nào có lòng tin cậy, chẳng đòi giá cả gì.

Tôi mới gặp một trường hợp rất đáng chú ý. Cómột bà dự phần hầu việc Chúa rất quan hệ, đã được tôi cầu nguyện cho và xức dầu để chữa bịnh. Cách mấy tuần lễ sau, bà trở lại, nói rằng mình không thấy khá hơn chút nào hết. Tôi hỏi bà có hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời chăng? thì bà đáp: "Có, tôi tin rằng nếu Chúa vui lòng, thì tôi đã được lành; bằng không, thì tôi đành mang bịnh tật."

Tôi giải nghĩa rằng: "Nhưng chúng ta há chẳng có thể nhờ Kinh Thánh mà tìm cho biết Chúa có vui lòng về vấn đề nầy không sao? Rồi chúng ta há chẳng có phép xin ơn chữa bịnh với một tấm lòng mong ước đầy trọn sao? Quả thật, nếu chưa có lý do tin rằng Ngài muốn ban phước cho mình, thì chúng ta há lại nên xin ơn gì của Đức Chúa Trời sao? Lời Ngài há chẳng bày tỏ ý chỉ của Ngài sao? Ngài đã hứa ban ân tứ chữa bịnh, một cách đầy đủ, nếu chúng ta còn có ý nghi ngờ Ngài vui lòng chữa bịnh, thì há chẳng phải là làm mếch lòng Ngài và chế giễu Ngài sao?"

Bà ra về, và ngay buổi sáng hôm sau, bà xin cho được như Lời Đức Chúa Trời đã hứa. Bà thưa với Chúa rằng bây giờ bà tin Ngài chẳng những có thể, nhưng cũng muốn và thật cất bỏ tật bịnh cho mình. Chưa đầy nửa giờ sau, tật bịnh đã biến mất hết một cách rõ rệt. Vả, bệnh tật của bà chính là một ung độc rất lớn ngoài da, không ai có thể tưởng tượng hoặc lầm lẫn được.

Thường lời cầu nguyện: "Ý Cha được nên" lại ẩn tất cả lòng không tin xảo quyệt. Lời cầu nguyện quí báu ấy thật bày tỏ sự yêu thương và ơn phước tuyệt vời của Đức Chúa Trời. Trong mọi sự xảy đến cho chúng ta, không có gì từ ái hơn ý Cha đó. Nhưng thường khi ta cầu xin "ý Cha" dường như là bàn tay sắt  của một bạo Chúa hung tàn, hoặc như một định mạng không chút thương xót. "ÝCha" thật khiến chúng ta nói được như ông Gióp thuở xưa rằng: "Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài" (Gióp 13:15).

3) Hãy cẩn thận lo cho mình được thỏa nguyện với Đức Chúa Trời.

Nếu bịnh tật của anh em do tội lỗi mà có, thì anh em phải lo ăn năn, xưng hết tội lỗi, và cũng phải hết sức đền bồi. Nếu bịnh tật là một cách sửa phạt để phân rẽ anh em với một tội lỗi nào, thì hãy lậptức đến chầu trước mặt Đức Chúa Trời, tự xét mình, dâng mình cho Ngài, và nài xin Ngài ban ân điển khiến mình nên thánh và giữ mình thánh sạch luôn. Tấm lòng ô uế là một nguồn tật bịnh không dứt. Trái lại, chính thần linh được nên thánh vừa lành mạnh, vừa thánh khiết luôn.

Đồng thời, chớ để quỉ Sa-tan làm tê liệt đức tin anh em bằng cách khiến mình nhớ lại mình chẳng xứng đáng chi, chẳng có đủ nhơn đức mà xin đòi ơn chữa bịnh. Chúng ta chẳng bao giờ xứng đáng được hưởng ơn thương xót nào của Đức Chúa Trời. Chỉ có một cớ viện ra là danh hiệu, công đức và sự công bình của Đấng Christ. Nhưng chúng ta có thể từ bỏ tội lỗi mà mình nhận biết, có thể ăn ở một cách đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể tự xét mình và trừ bỏ mọi sự Đức Chúa Trời đã tỏ cho mình biết là trái lẽ. Chính lúc làm như vậy, thì ta được tha thứ. "Nếu chúng ta biết xử đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán" (1Cô-rinh-tô 11:31). "Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi đều gian ác" (1Giăng 1:9). Chớ chờ cho cảm biết mình được tha thứ, nhưng nguyện ý chí của anh em hướng hẳn về phía Đức Chúa Trời và lập tức tin rằng mình đã được Ngài tiếp nhận; rồi "hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa" (Hê-bơ-rơ 10:22).

Nếu chúng ta cố ý phạm tội, không để ý đến sự sửa phạt mà Đức Chúa Trời định cho chúng ta phải tôn trọng và đầu phục, mà lại còn thử vận dụng đức tin cho mình hay cho kẻ khác được phước, thì thật luống công. Nhưng khi nào chúng ta chịu nhận sự sửa phạt của Ngài và lấy lòng khiêm nhường, vâng phục mà quay về với Ngài, thì Ngài có thể lấy lượng từ ái mà cất bỏ sự đau đớn, và chữa lành bịnh ta để chứng tỏ rằng Ngài yêu thương ta và tha thứ cho ta. "Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh" (Gia-cơ 5:15, 16).

Có khi tật bịnh của chúng ta chỉ là chứng "sốt rét ngã nước" về tinh thần vì đã mon men đến địa phận của quỉ Sa-tan. Chúng ta không thể được chữa lành trước khi ra khỏi khu đất cấm và lại đứng trong đất thánh.

4) Anh em đã hoàn toàn tin quyết Lời và ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Anh em đã hoàn toàn tin quyết Lời và ý chỉ của Đức Chúa Trời, đã lo cho mình được Ngài vui lòng tiếp nhận rồi, thì bây giờ hãy giao phó thân thể mình cho Ngài và đòi xin Ngài làm trọn lời hứa chữa bịnh cho mình nhơn danh Đức Chúa Jesus và bởi đức tin đơn sơ. Chớ xin cho được chữa bịnh mà thôi, nhưng phải lấy lòng khiêm nhường và cương quyết mà đòi sự chữa bịnh như một "của cầm" theo giao ước của Ngài, như một cơ nghiệp, như một đặc quyền trong sự cứu chuộc do Đấng Christ, và như một ơn mà đạo Tin Lành hiến trọn cho anh em; rồi hãy chỉ nhờ Đức Chúa Trời tiếp nhận mình để hưởng ơn Ngài đã ban cho.

Có một điểm khác nhau rõ rệt giữa sự cầu xin và sự nhận lãnh, giữa sự trông mong và sự tiếp nhận. Anh em phải nhận Đấng Christ làm Đấng chữa bịnh cho mình – không phải là một sự thí nghiệm, và có lẽ cũng không phải là một sự vị lai, nhưng là một thực sự trong hiện tại. Anh em phải tin rằng hiện nay, theo lời Ngài hứa, Ngài giơ bàn tay toàn năng rờ đến sự sống của anh em, và dùng sức mạnh của Ngài mà bổ lại nguồn sanh lực của anh em. Chớ tin rằng Ngài sẽ làm như vậy mà thôi, nhưng hãy đòi và tin rằng Ngài thật rờ đến anh em chính lúc nầy, thật bắt đầu chữa lành cho thân thể mình. Rồi hãy ra đi mà kể rằng việc ấy đã xong; hãy cảm tạ và ngợi khen Ngài vì việc ấy.

Chúng ta nên dự bị sẵn sàng để có cái hành động trọng thể ấy, tức là giao phó mình cho Đức Chúa Trời và nhận lãnh ơn phước bởi đức tin. Phải là một bước quyết định và chúng kết không thể nào tái diễn được.

Trước khi đi bước nầy, chúng ta phải cân nhắc mỗi một vấn đề một cách đầy đủ, rồi hãy coi các vấn đề ấy, như là giải quyết vĩnh viễn rồi, rồi hãy bước ra một cách long trọng quả quyết không dời đổi, trên lập trường mới , trên lời hứa của Đức Chúa Trời, và với lòng tin quyết rằng đây là một bước đời đời. Hành động nầy sẽ truyền nhiều sức lực và sự yên nghỉ  cho tấm lòng, cũng đóng cửa ngăn cản cả ngàn sự nghi ngờ, cám dỗ.

Từ lúc đó trở đi, ta phải coi sự nghi ngờ như không thành vấn đề, và cả đến ý tưởng thối lui hoặc dùng "phương pháp cũ" cũng không thể nào chịu nhận được. Lẽ tự nhiên, một người như vậy sẽ lập tức bỏ hết thuốc thang và mọi cách chữa bịnh theo y khoa. Đức Chúa Trời đã nên Vị Lương Y, và Ngài sẽ không nhường vinh hiển cho một người khác. Đức Chúa Trời đã chữa lành, và nếu dùng phương giúp đỡ nào của loài người, thì tức là nghi ngờ ơn chữa lành thực sự của Ngài.

Nếu hành động đức tin càng có thể là một sự phó thác hoàn toàn, thì sẽ càng có quyền phép. Nếu anh em còn có điều chi chữa rõ về đức tin để được chữa lành, thì hãy coi đó như một vấn đề đặc biệt cần phải dự bị và cầu nguyện. Hãy xin Đức Chúa Trời ban cho anh em đức tin đặc biệt để hành động như vậy. Hết thảy ân tứ của chúng ta có phải từ nơi Đức Chúa Trời mà đến, kể cả đức tin. Chúng ta chẳng tự mình có gì, và chính đức tin là của ta cũng chỉ là ân điển của Đấng Christ ở trong ta. Chúng ta có thể vận dụng đức tin tùy theo trách nhiệm của mình; nhưng Ngài phải truyền đức tin cho ta, và ta chỉ mặc lấy đức tin như một cái áo của Ngài ban cho. Như vậy, sự vận dụng đức tin mạnh mẽ hóa ra một khả năng đơn sơ, đầy hạnh phước.

Đức Chúa Jesus chẳng phán cùng chúng ta rằng: "Các ngươi hãy tự có đức tin lớn." Nhưng Ngài thật phán cùng ta rằng: "Hãy có đức tin của Đức Chúa Trời" (Mác 11:22 – theo nguyên văn). Đức tin của Đức Chúa Trời là hoàn toàn đầy đủ, chúng ta có thể có và dùng đức tin ấy. Chúng ta có thể nhờ Đấng Christ  ban đức tin cho mình, cũng như nhờ Ngài để được xưng công bình, được thắng sự cám dỗ và được nên thánh . Như vậy, chúng ta có thể nhẹ nhàng yên nghỉ với lòng tin chắc rằng đức tin của mình sẽ làm thỏa mãn mọi điều kiện của lời hứa, vì nó là chính đức tin của Đấng Christ.

Chúng ta chỉ nhơn danh Ngài mà đến, dâng Ngài lên làm tế lễ hoàn toàn của mình, làm cớ binh vực, đức tin, luật sư và sự công bình của mình; vậy, chính đức tin của ta bất quá là ân tứ do ân điển của Ngài ban cho, không đòi giá cả gì. Vậy, hãy đến xin cho kỳ được điều Chúa đã hứa; đoạn, hãy tin rằng mình đã nhận được điều ấy theo như Lời của Ngài.

5) Hãy hành động theo đức tin.

"Hãy đứng dậy, vác lấy giường, mà trở về nhà ngươi" (Ma-thi-ơ 9:6). Hãy bắt đầu hành động như một người đã được chữa lành. Hãy nhơn danh Đức Chúa Jesus cậy sức của Ngài mà dám thử làm công việc tự mình không sao làm được. Nếu anh em thật tin cậy Ngài, thật có vận dụng đức tin một cách bền bỉ và can đảm, thì Ngài sẽ chẳng phụ lòng anh em. Nhưng điều quan hệ hơn hết là anh em phải cẩn thận, chớ hành động như vậy theo đức tin hoặc lời nói của người nào khác.

Chớ từ trên giường vùng dậy, hoặc giơ chơn què bước đi, vì có người nào bảo mình làm như vậy. Chắc hẳn Chúa sẽ bảo anh em làm như vậy, nhưng phải là chính lời phán của Ngài; nếu đồng đi với Ngài và tin cậy Ngài, thì anh em sẽ nhận biết tiếng Ngài. Anh em phải cầu nguyện như Phi-e-rơ rằng: "Lạy Chúa... xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa" (Ma-thi-ơ 14:28), thì nếu Ngài muốn chữa lành anh em, chắc Ngài sẽ bỏ anh em đến, nhưng trong công việc lớn lao và trọng thể nầy, mỗi người chúng ta phải biết và thấy Chúa một cách riêng.

Chúng ta hãy nhớ lời Chúa phán với Phi-e-rơ khi ông bắt đầu chìm dưới nước: "Hỡi người  ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?"  Khi nào anh em bước ra để hành động theo đức tin, thì hãy cẩn thận, chớ bắt đầu chờ xem kết quả hoặc triệu chứng, hoặc để thấy mình có đứng vững hay không.

Anh em không cần biết đến các triệu chứng, chỉ cần thấy trước mặt mình có Ngài, là Đấng Toàn năng nâng đỡ mình khỏi sa ngã. Người nào đào hột giống lên để xem nó có mọc lên không, thì chẳng bao lâu sẽ làm cho nó chết khô cả rễ. Người làm ruộng lành nghề thì tin cậy luật thiên nhiên và để hột giống lặng lẽ mọc lên. Cũng một thể ấy chúng ta hãy tin cậy Đức Chúa Trời, thậm chí vui lòng thấy sự đáp lại của Ngài chôn vùi như hột giống kia, vì biết rằng "nếu chết đi, thì kết quả được nhiều" (Giăng 12:24).

6) Hãy sẵn sàng chịu những sự thử thách đức tin.

Chớ luôn luôn cho các triệu chứng bịnh tật bị cất bỏ ngay lập tức. Chớ suy nghĩ đến nó. Chỉ hãy không cần biết đến nó, và tiếp lên, đòi cho được sự thực ở phía sau mọi triệu chứng. Hãy nhớ rằng sự mạnh khỏe mà anh em đòi xin không phải là sức lực tự nhiên của mình, nhưng là "sự sống của Đức Chúa Jesus, ...được tỏ ra trong xác thịt hay chết của anh em" (2Cô-rinh-tô 4:11). Như vậy, sự sống thiên nhiên cũ có thể bị nhiều tật nguyền vây kín; nhưng phía sau nó và chống lại nó, có sự sống đầy đủ của Đấng Christ nâng đỡ thân thể anh em. "Anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời" (Cô-lô-se 3:3). Nhưng "Đấng Christ là sự sống của anh em" (Côl 3:4), và ngày nay anh em còn sống trong xác thịt, thì "sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu" anh em, "và đã phó chính mình Ngài vì' anh em (Ga-la-ti 2:20). Vậy, nếu anh em thường thiếu sức thiên nhiên, thì chớ lấy làm lạ. Sự chữa lành của Chúa không phải là sức thiêng nhiên, nhưng là ân điển; sự chữa lành đó do quyền phép của Chúa phục sanh mà có.

Chính "Đấng Christ là sự sống của anh em"; thân thể Đấng Christ đối với thân thể anh em cũng như là Thánh Linh Ngài đối với thần linh của anh em vậy. Vậy, nếu có những sự thử thách thì chớ lấy làm lạ. Sự thử thách đến cốt để cho anh em thấy mình cần Đấng Christ và để bắt buộc anh em phải nương cậy Ngài. Biết điều đó, tiếp sức mạnh của Ngài vào sự yếu đuối của mình, và sống bởi sức mạnh ấy từng giờ, từng phút, đó chính là phương pháp để được chữa lành trọn vẹn.

Lại nữa, các sự thử thách luôn luôn thử nghiệm và bồi bồi bổ đức tin tùy theo mực thiết thực của đức tin ấy. Đức tin phải được tỏ ra là chơn thật, ngõ hầu Đức Chúa Trời có thể đòi cho nó được ban thưởng trước mặt cả vũ trụ.

Chính là theo cách đó mà Đức Chúa Trời thêm đức tin cho chúng ta: Ngài đòi hỏi nơi đức tin những điều lớn lao hơn, và bắt buộc ta phải đòi xin cùng vận dụng nhiều ân điển hơn. "Như phụng hoàng phấp phới dỡn ổ mình" (Phục truyền 32:11), và tung bầy con nhỏ  của nó ra ngoài vùng không khí để buộc chúng phải giương cách nhỏ ra và để tập cho chúng bay, thì cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời thường cất bỏ hết mọi sự ta nương dựa và tin cậy để bắt buộc ta phải giơ tay và giương cách đức tin ra. Nếu không dâng Y-sác làm tế lễ, thì có lẽ không bao giờ Áp-ra-ham đạt tới bậc tin rằng: "Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại" (Hê-bơ-rơ 11:19).

Nhưng bất cứ các triệu chứng là gì, chúng ta vẫn phải vững lòng tin rằng đằng sau mọi triệu chứng, Đức Chúa Trời đang hành động để khôi phục sức mạnh cho ta. "Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứu đổi mới càng ngày càng hơn" (2Cô-rinh-tô 4:16).

7) Hãy  dùng sức khỏe và năng lực mới để hầu việc Đức Chúa Trời, và hãy cẩn thận vâng theo ý chỉ của Chúa.

Sức mạnh do Đấng Christ ban cho nầy có tánh chất rất thiêng liêng. Ấy là sự sống phục sanh của Đấng Christ ở trong chúng ta. Phải dùng sức mạnh ấy như chính mình Ngài thường dùng. Ta không thể xài phí nó để phạm tội và thỏa lòng vị kỷ; phải dâng nó cho Đức Chúa Trời như "một của lễ sống và thánh" (Rô-ma 12:1). Nếu đem dùng cho trần gian, thì sức mạnh sẽ hao mòn, và tội lỗi luôn luôn đem theo sự sửa phạt thân thể. Chúng ta có thể trông mong cho "được khỏe mạnh phần xác... cũng như... được thạnh vượng về phần linh hồn" (Giu-đe 1:2).

Nếu chỉ dùng sức mạnh ấy cho chính mình thì cũng chưa đủ nói cho người đời được biết. Chúng ta phải can đảm và trung tín làm chứng về Tin Lành của ơn cứu chuộc đầy trọn. Đây không phải là một đức tin mà ta có thể giữ riêng cho mình. Ấy là một ơn lớn lao và trọng thể mà Đức Chúa Trời giao phó cho ta; chúng ta là kẻ đã nhận lãnh ơn ấy, thì phải hiệp nhau lại để dùng nó làm vinh hiển Đức Chúa Trời, để làm chứng cho lẽ thật và để đồn rộng Tin Lành.

Những sự lạ lùng bày tỏ quyền phép của Đức Chúa Trời mà chúng ta mới bắt đầu xem xét đó, có lẽ là những dấu hiệu hệ trọng tỏ ra kỳ cuối cùng sắp đến: Nó báo trước sự tái lâm của Đức Chúa Jesus Christ. Những sự lạ lùng nầy đã đánh dấu thời kỳ Ngài hiện diện trên mặt đất thể nào, thì cũng cặp theo sự tái lâm của Ngài thể ấy. Nó truyền cho chúng ta phải long trọng và sốt sắng dự bị cho ngày Ngài ngự đến. Mắt chúng ta không còn nhìn vào mồ mả nữa, nhưng nhìn vào các từng trời mở ra, lòng ta đã cảm thấy sự sống phục sanh đó chuyển vận; vậy, chúng ta phải thức canh và làm việc hơn mọi người khác. Ta chớ lùi lại mà e ngại, lo lắng cho phần mình, nhưng hãy làm việc bởi quyền phép cao cả của Ngài, "bất luận gặp thời hay không gặp thời" (2Ti-mô-thê 4:2), để nhận thấy rằng quả thật, "ai cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ Đấng Christ và đạo Tin Lành mà mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được cho đến sự sống đời đời" (Mat 10:39).

"Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jesus chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó" (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).

Chương IV. Những Lời Làm Chứng Từ Kinh Thánh