TIN LÀNH CHỮA BỊNH - Chương II. Các Nguyên Tắc Của Sự Chữa Bịnh Bởi Đức Chúa Trời
CHƯƠNG THỨ HAI
CÁC NGUYÊN TẮC CỦA SỰ CHỮA BỊNH BỞI ĐỨC CHÚA TRỜI
Các giáo lý của Kinh Thánh có đặt ra một số nguyên tắc liên quan đến sự chữa lành. Chúng ta rất cần phải hiểu biết các nguyên tắc ấy, vì nếu hiểu cho phải đường, thì nó sẽ giúp ích nhiều cho đức tin sáng suốt.
1) Tật bịnh và sự đau đớn rõ ràng là do sự sa ngã và địa vị tội lỗi của loài người.
Nếu tật bịnh là một phần cấu tạo thiên nhiên của loài người, thì chúng ta có thể đối phó với tật bịnh toàn theo lập trường và phương pháp thiên nhiên. Nhưng vì tật bịnh là một phần sự rủa sả do tội lỗi, nên thuốc linh nghiệm chữa tật bịnh phải ở trong ơn Cứu chuộc lớn lao bởi Đức Chúa Jesus Christ. Bịnh tật là kết quả do sự sa ngã của A-đam, và là một bông trái của tội lỗi; điều đó chắc không một ai chối cãi được. Kinh Thánh chép rằng: "Sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội" (Rô-ma 5:12b). Sự chết là phần lớn hơn, thì bao gồm bịnh tật, là phần nhỏ hơn.
Trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, chúng ta thấy chép tật bịnh là một trong những sự rủa sả mà Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống vì cớ tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên. Lại nữa, tật bịnh có liên quan rõ rệt với sự hành động của quỉ Sa-tan. Nó là đồ dùng trực tiếp gây nên những sự đau đớn của ông Gióp; và rõ ràng lắm, Đức Chúa Jesus qui mọi tật bịnh của thời đại Ngài cho quyền phép trực tiếp của quỉ Sa-tan. Người đàn bà đau liệt kia đã bị "quỉ Sa-tan... cầm buồc mười tám năm" (Lu-ca 13:16). Chính là thế lực của ma quỉ đã cầm giữ và chà nát thân thể và linh hồn những người mà Đấng Christ đã buông tha. Vì tật bịnh là hiệu quả do một sức mạnh thiêng liêng, thì rõ ràng lắm, phải đối phó với nó và chống trả nó bằng một sức mạnh thiêng liêng cao siêu hơn, chớ không phải bởi sự chữa chạy theo cách thiên nhiên.
Lại nữa, nếu ta giả định rằng bịnh tật là một cách Đức Chúa Trời sửa phạt để đem vào kỷ luật thì lại càng rõ ràng lắm, muốn chữa lành tật bịnh, phải dùng các phương pháp thiêng liêng, chớ không phải nhờ những thuốc men vật chất của y khoa.
Thật là vừa tức cười, vừa luống công vô ích, nếu cánh tay loài người dám toan dùng sức lực hoặc tài khéo thiên nhiên mà giằng bỏ cây gậy sửa phạt với tay của Đức Chúa Cha. Chỉ có một cách tránh khỏi roi đòn của Ngài, ấy là sự ăn năn mà đem tâm thần đầu phục ý chỉ Ngài, lấy sự khiêm nhường và đức tin mà tìm ơn tha thứ cứu giúp của Ngài.
Như vậy, dầu xem xét bịnh tật theo quan điểm nào, ta cũng thấy rõ ràng phải tìm phương chữa bịnh trong một mình Đức Chúa Trời và trong Tin Lành Cứu Chuộc.
2) Nếu bịnh tật là kết quả do sự sa ngã của A-đam và Ê-va, thì chúng ta có thể trông mong rằng sự Cứu chuộc sẽ gồm cả phương pháp chữa bịnh tật; và lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ cố tìm trong Cựu ước, là thời kỳ dự bị, những lời ngụ ý nói đến một phương cứu chữa. Chúng ta không phải thất vọng đâu. Suốt cả Cựu ước, ta thấy có nguyên tắc nầy: Sự săn sóc và sự sắm sẵn của Đức Chúa Trời bao gồm những sự cần dùng về thân thể của dân Ngài luôn với những sự cần dùng thiêng liêng của họ.
Trong hết các luật lệ của Môi-se có tiên liệu rõ rệt sự chữa bịnh bởi Đức Chúa Trời. Bức tranh tiên tri mô tả Đấng Giải Cứu hầu đến đã cho ta thấy Ngài vừa là Thầy Thuốc Đại Tại, vừa là Vua vinh hiển và Cứu Chúa từ ái.
Sự chữa lành A-bi-mê-léc, Mi-ri-am, Gióp, Na-a-man và Ê-xê-chia; trường hợp của người phung; truyện tích con rắn bằng đồng; luật lệ ở Ma-ra; các ơn phước cùng các sự rủa sả trên núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim; lời nặng nề quở trách A-sa; Thi Thiên 103; sách Ê-sai đoạn 53, - đều là những lời làm chứng rõ ràng và tỏ tường, trong Cựu ước, rằng sự Cứu chuộc thân thể là ý định của Đức Chúa Trời và là đặc ân do Ngài ban cho.
3) Rồi tới chức vụ của chính mình Đức Chúa Jesus Christ, là một điềm hệ trọng làm tỏ rõ các nguyên tắc nầy. Trong cuộc đời của Ngài trên mặt đất, chúng ta có sự hiện thấy đầy đủ về đạo Tin Lành phải là thế nào. Bởi lời nói và việc làm của Ngài, chúng ta chắc có thể nhận định tất cả phương lược cứu chuộc. Đời sống Ngài làm chứng thế nào về sự chữa lành thân thể? Kinh Thánh chép rằng: "Đức Chúa Jesus... của lễ mọi thứ tật bịnh trong dân" (Ma-thi-ơ 4:23); lại rằng: "Ngài... cũng chữa được hết thảy những người bịnh, vậy cho được ứng nghiệm lời của Đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta" (Ma-thi-ơ 8:16-17).
Vả nếu chúng ta nhớ rằng đó không phải là một việc xảy ra từng hồi từng lúc, nhưng là một phần hệ trọng trong chức vụ của Đức Chúa Jesus; rằng Ngài cứ chữa lành tật bịnh cho đến hết đời Ngài trên mặt đất; rằng Ngài chữa bịnh trong mọi cơ hội và trong rất nhiều trường hợp khác nhau; rằng Ngài chữa bịnh mà không để ai nghi ngờ ý chí kiên quyết của Ngài; rằng Ngài phán tỏ tường với người phung rằng: "Ta khứng" (Ma-thi-ơ 8:3), và Ngài chỉ buồn rầu khi người ta e ngại không dám hoàn toàn tin cậy Ngài; nếu chúng ta nhận biết rằng trong mọi sự đó, Ngài chỉ giãi bày mục đích thật của ơn cứu chuộc lớn lao của Ngài, chỉ chứng tỏ tâm tánh và sự yêu thương không hề thay đổi của Ngài, chỉ quả quyết rằng Ngài "hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi" (Hê-bơ-rơ 13:8), -- thì chắc hẳn ta có thể đặt đức tin của mình trên một nền tảng vững bền như "Vầng Đá của các thời đại" (Ê-sai 26:4).
4) Nhưng trung tâm của sự cứu chuộc là thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta phải đến thập tự giá mà tìm kiếm nguyên tắc cốt yếu của sự chữa bịnh bởi Đức Chúa Trời, vì nó lập trên Tế lễ đền tội của Đức Chúa Jesus Christ. Chắc hẳn nguyên tắc nầy do nguyên tắc thứ nhứt mà chúng ta đã nêu lên. Nếu tật bịnh là kết quả do sự sa ngã của A-đam và Ê-va, thì nó phải bị gồm trong công ơn đền tội do Đấng Christ, vì công ơn nầy bao trùm tất cả sự rủa sả.
Lại nữa, nguyên tắc cốt yếu nầy được nêu lên rất rõ rệt trong đoạn 53 của sách tiên tri Ê-sai, mà chúng ta đã xem xét. Trong đoạn ấy có nói rằng Đấng Christ "đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta" (Ê-sai 53:4). Chữ "mang" là cùng một chữ dùng để chỉ về sự đền tội; và cũng là chữ dùng ở đoạn khác (Lê-vi Ký 16:1-34) để mô tả con dê được thả ra đồng vắng và cất đem tội ác của dâng chúng đi; cũng là chữ dùng trong chính đoạn ấy để luận về Ngài "đã mang lấy tội lỗi nhiều người" (Ê-sai 53:12). Ngài đã mang tội lỗi của chúng ta thể nào, thì cũng mang tật bịnh chúng ta thể ấy.
Sứ đồ Phi-e-rơ cũng quà quyết rằng: "Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh" (1Phi-e-rơ 2:23). Trong chính thân thể Ngài, Đức Chúa Jesus đã gánh vác mọi sự mà thân thể ta đã chịu vì cớ tội lỗi; vậy, thân thể ta được buông tha. "Lằn đòn" đau đớn độc nhứt mà Ngài đã chịu – vì chữ "lằn đòn" thuộc về số ít – đã bao gồm tất cả cả sự đau đớn, khổ não của người đời cho nên chúng ta không còn cần phải gánh chịu sự đau đớn mà Ngài đã gánh chịu đầy đủ rồi. Như vậy, sự chữa bịnh cho chúng ta trở nên một quyền lợi lớn lao do ơn cứu chuộc; ta chỉ cần đòi quyền lợi ấy như một sản nghiệp do huyết Đấng Christ đổ ra trên thập tự giá đã mua được cho mình.
5) Nhưng còn có một cái gì cao quí hơn thập tự giá nữa. Ấy là sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ. Trong sự sống lại ấy, Tin Lành về sự Chữa Bịnh tìm được nguồn sự sống sâu xa nhứt. Sự chết của Đấng Christ tiêu diệt tội lỗi, là gốc rễ của tật bịnh. Nhưng sự sống của Đức Chúa Jesus là nguồn sức khỏe và sự sống cho thân thể chúng ta mà Ngài đã cứu chuộc. Thân thể Đấng Christ là nguồn hằng sống của tất cả sanh lực của chúng ta. Đấng từ mô tả của Giô-sép A-ri-ma-thê bước ra, có sự phục sanh tươi mới trong thân thể, chính là Đầu của dân Ngài để ban sự sống bất diệt cho họ.
Đấng Christ nhận lãnh quyền phép của sự sống vô cùng tận không phải là vì một mình Ngài mà thôi, nhưng cốt để Ngài làm Sự Sống của chúng ta. Đức Chúa Trời "đã bắt muôn vật phục dưới chơn Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ" (Ê-phê-sô 1:22, 23). Chúng ta là chi thể của thân Ngài, của xác thịt Ngài và của xương cốt Ngài" (Ê-phê-sô 5:30 – theo nguyên văn).
Đấng đã sống lại và đã ngự lên trời là Nguồn suối sức mạnh và sự sống của chúng ta. Chúng ta ăn thịt Ngài và uống huyết Ngài; Ngài ở trong chúng ta, và ta ở trong Ngài. Ngài sống bởi Đức Chúa Cha thể nào, thì kẻ ăn Ngài cũng sống bởi Ngài thể ấy (xem Giăng 6:57). Đó là nguyên tắc lớn lao sanh động và quí báu hơn hết của sự chữa lành thân thể nhơn danh Đức Chúa Jesus. Ấy là "sự sống của Đức Chúa Jesus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi" (2Cô-rinh-tô 4:11).
6) Do lẽ trên đây, ta thấy rằng phải có cả một sự sống mới. Sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus đã đào một cái vực sâu vô cùng giữa hiện tại và quá khứ của mỗi một cuộc đời đã được Ngài cứu chuộc. "Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới" (2Cô-rinh-tô 5:17). Sự chết của Đức Chúa Jesus đã giết bổn ngã cũ của chúng ta. Đối với sự sống thân thể chúng ta, thật quả có như vậy. Không phải là khôi phục sức lực thiên nhiên cũ đâu. Cũng không phải là làm nảy nở mọi sự cấu tạo nên thân thể chúng ta có từ trước. Nhưng chính là buông bỏ hết mọi điều thuộc về sự sống cũ của chúng ta. Cặp theo sự buông bỏ nầy, có thể có sự suy xét sức lực thiên nhiên của chúng ta. Ấy là một sức lực "thắng tật bịnh" (nguyên văn là "từ sự yếu đuối mà trở nên mạnh mẽ") (Hê-bơ-rơ 11:34); sức lực nầy không có một căn bản nào để bắt đầu nảy nở. Cũng như muôn vật thọ tạo, và cũng như sự sống lại, nó ra từ mồ mả và từ sự thất bại của tất cả hi vọng cùng "phương pháp" sẵn có từ trước.
Nguyên tắc nầy vô cùng quan hệ cho sự thực tế từng trải ơn Đức Chúa Trời chữa bịnh. Chúng ta phải thất vọng nếu cứ tìm sự chữa lành trong sự sống thiên nhiên cũ. Nhưng khi nào ta thôi tin cậy xác thịt, và chỉ ngửa trông Đấng Christ và sự sống siêu nhiên của Ngài ở trong mình để được sức mạnh cho thân thể cũng như cho thần lình, thì ta sẽ thấy rằng mình "làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho" mình (Phi-líp 4:13).
7) Do lẽ trên đây, chúng ta thấy rằng ơn cứu chuộc thân thể mà Đấng Christ ban cho mình chẳng những chỉ là sự chữa bịnh, nhưng còn là sự sống nữa. Không phải là "ráp lại" sự sống chúng ta trên nền tảng cũ, rồi từ nay trở đi, để mặc nó chạy như một cái máy theo chiều thiên nhiên; nhưng là truyền cho ta một sự sống vào sức mạnh mới mẻ. Như vậy, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, đều có thể hoàn toàn hưởng lấy sự sống và sức mạnh nầy. Ấy chỉ là một sự sống cao quí hơn, là đổi nước sự sống trần gian thành rượu thiên thượng của Ngài (xem Giăng 2:1-25).
Thế thì chúng ta cũng phải giữ vẹn sự sống nầy bằng cách ở trong Đức Chúa Jesus Christ luôn và nhận lãnh sự sống nơi Ngài luôn. Không phải là một vật tích trữ mãi mãi, nhưng là một sự nương cậy luôn luôn, là "người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn" (2Cô-rinh-tô 4:16), là sức mạnh chỉ truyền đến theo mực ta cần dùng và chỉ còn lại đang khi ta ở trong Ngài.
Sự sống dường ấy có một tánh chất rất thiêng liêng. Nó truyền sự thánh khiết đặc biệt vào mỗi một vẻ mặt, giọng nói, hành động và cử chỉ của thân thể. Chúng ta đang sống bởi sự sống của Đức Chúa Trời, và ta phải sống như Ngài, sống cho Ngài. Một thân thể được Đức Chúa Trời bổ sự sống như vậy, thì thêm quyền phép cho linh hồn và cho mọi công việc tín đồ làm cho Chúa. Những lời nói ra bởi sức mạnh của Đức Chúa Trời đó, những việc làm bởi sự sống của Đức Chúa Trời đó, sẽ có hiệu lực thực sự khiến người ta phải cảm biết rằng thân thể cũng như thần linh, đều chính là đền thờ của Đức Thánh Linh.
8) Đức Thánh Linh là Cán bộ hệt trong để truyền sự sống mới mẻ nầy vào trong sự sống chúng ta. Nếu không có chức vụ quí báu của Đức Thánh Linh, thì công ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus không thể nào hoàn thành được. Ngày nay Cứu Chúa của tội nhơn và của bịnh nhơn không lấy thân thể hữu hình mà gặp kẻ đau, kẻ què, kẻ đui; nhưng Ngài gặp họ bởi Đức Thánh Linh. Sự tiếp xúc vẫn có tất cả quyền phép thể chất như xưa, vẫn có hiệu quả trên thân thể đang đau đớn như xưa, nhưng là một sự tiếp xúc thiêng liêng, chớ không phải sự tiếp xúc vật chất.
Chúng ta phải cảm thấy được sự hiện diện của Đức Chúa Jesus; phải nhờ Đức Thánh Linh mà sự cần dùng của ta được tiếp xúc với sự sống của Ngài. Bà Ma-ri phải học biết điều đó ngày khi Đức Chúa Jesus Christ sống lại, vì Ngài phán với bà rằng: "Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha!" (Giăng 20:17). Vậy, từ nay trở đi, bà phải biết Ngài là Đấng ngự lên trời. Và cũng theo cách đó, Sứ đồ Phao-lô nói rằng: "Dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu" (2Cô-rinh-tô 5:16).
Cũng theo cách ấy, tại thành Ca-bê-na-um, khi Chúa phán về Bánh Hằng Sống – tức là nguồn chữa bịnh, – thì Ngài thêm rằng: "Nếu các ngươi thấy Con người lên nơi Ngài vốn ở khi trước thì thể nào? Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi" (Giăng 6:62, 63). Đó là duyên cớ làm cho nhiều người nhận thấy khó gặp Đấng chữa lành bịnh. Họ không biết Đức Thánh Linh, không biết Đức Chúa Trời theo phương diện thiêng liêng.
Nếu không có bầu không khí hút lấy sức nóng và ánh sáng mặt trời đến nơi chúng ta và truyền nó khắp cả trái đất, thì mặt trời ở trên các từng trời kia chẳng khác chi một tinh cầu bằng nước đá lạnh lẽo và lấp lánh. Cũng một thể ấy, sự sống và sự yêu thương của Đấng Christ chỉ thấu đến chúng ta bới Đức Thánh Linh, là Sự Sáng, là Bầu Không Khí, là Đấng Trung gian Thiên thượng đem và rải sự sống, sự sáng, sự yêu thương và sự hiện diện của Đấng Christ khắp tâm thân chúng ta.
Đức Thánh Linh là Đấng Cao cả làm cho chúng ta sống, động và có. Chính là nhờ Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Jesus đuổi quỉ mặt đất nầy; và ngày nay, "nếu Thánh Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jesus sống lại từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống" (Rô-ma 8:11).
9) Cũng như mọi ơn phước do ơn cứu chuộc của Đấng Christ, sự sống mới nầy phải truyền đến chúng ta y như ân điển nhưng không của Đức Chúa Trời, -- không cần công việc riêng, không cần phân biệt giá trị từng người, và cũng không vị nể ai hết.
Mọi sự do Đấng Christ truyền đến thì phải truyền đến như là ân điển. Không thể có công đức riêng nào trộn lẫn với đức tin làm cho ta được xưng công bình. Cũng một thể ấy, sự chữa bịnh cho chúng ta phải hoàn toàn do Đức Chúa Trời, hoặc không do ân điển chút nào cả. Nếu Đấng Christ chữa lành, thì Ngài phải chữa lành một mình mà thôi. Nguyên tắc nầy phải giải quyết vấn đề dùng "phương pháp thiên nhiên" chung với đức tin để được chữa.
Sự thiên nhiên và sự thiêng liêng, vật trần gian và vật thiên thượng, công việc loài người và ân điển Đức Chúa Trời, không thể nào trộn lẫn; ấy cũng như anh em không thể nào cột con rùa chung với đầu máy xe lửa. Hai loại ấy không thể làm việc chung nhau. Các ân tứ của Tin Lành là ân tứ của Vua Cao cả. Chính Đức Chúa Trời có thể làm cho chúng ta những cộng việc khó khăn hơn hết. Nhưng nếu chúng ta tự mãn thì Ngài không chịu giúp ta làm công việc dễ dàng hơn hết. Vậy, một bịnh trạng tuyệt vọng mà ta giao phó cho Đức Chúa Trời thì có nhiều hy vọng hơn là một bịnh trạng mà ta tưởng mình còn có thể làm gì. Chúng ta phải liều tin cậy Đức Chúa Trời đến cực điểm.
Nếu chúng ta muốn được chữa lành bởi những "phương pháp thiên nhiên", thì hãy cố hưởng thụ tất cả kết quả tốt nhứt do tài khéo, và sự kinh nghiệm của y khoa. Nhưng nếu muốn được chữa lành bởi Danh Đức Chúa Jesus, thì phải nhờ ân điển mà thôi.
Cũng về phương diện nầy, chúng ta phải suy luận rằng: nếu sự chữa bịnh là một phần của Tin Lành, một ân tứ của Đấng Christ, thì nó phải có tánh cách không tây vị, và sẽ ban cho bất cứ người nào chịu nhận lấy. Ấy không phải là một ân tứ đặc biệt do sự tây vị và phân biệt người nầy với kẻ khác, nhưn glà một gia tài lớn và chung cho mọi người có đức tin và vâng lời đ. Ấy đúng như câu: "Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không" (Khải Huyền 22:17). Quả thật, mọi người đến nhận lãnh ân tứ chữa bịnh phải theo đúng những điều kiện đơn giản của đức tin hay vâng lời Đức Chúa Trời; song những điều kiện nầy không có tánh cách tây vị, không vị nể ai, và hễ ai tin cậy, vâng lời Đức Chúa Trời thì có thể giữ trọn được.
10) Điều kiện đơn giản để được ơn phước lớn lao nầy – cũng như để được mọi ơn phước khác của Tin Lành, -- chính là tin mà không thấy. Ân điển không có việc làm và đức tin không có mắt thấy phải đi đôi với nhau luôn luôn, vì là hai nguyên tắc "sanh đôi" của Tin Lành. Mọi người muốn nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời, thì Ngài chỉ đòi họ một điều, là phải tin cậy Lời đơn giản của Ngài. Nhưng phải là lòng tin cậy chơn thật. Phải tin cậy mà không nghi ngờ chút nào. Nếu Lời Đức Chúa Trời là chơn thật, thì nó phải chơn thật hoàn toàn và tuyệt đối.
Một hột giống rất nhỏ có thể đâm rễ đầy nhựa sống làm nứt nở những núi non và nghình đá cao ngất, nhưng mầm sống của nó phải còn nguyên vẹn. Chỉ rách nát một chút xíu, cũng đủ làm cho mần sống phải chết. Cũng một thể ấy, một chút nghi ngờ đủ tiêu diệt hết hiệu lực của đức tin; vậy nên đức tin phải bắt đầu ở chỗ đức tin tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời một cách đơn sơ. Đức tin mà cứ chờ đợi dấu lạ và chừng cớ hiển nhiên, thì bao giờ mạnh mẽ được. Cây nào thoạt đầu đã nghiêng ngả, thì bao giờ cũng cần có trụ đỡ. Quả thật, "đức tin" dựa vào mắt thấy thì không phải là đức tin. "Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!" (Giăng 20:29).
Áp-ra-ham phải tin Đức Chúa Trời, phải nhận lấy tên mới của đức tin, là "tổ phụ của nhiều dân tộc" (Sáng Thế Ký 17:5), trước khi có một dấu hiệu nào chứng tỏ Đức Chúa Trời làm thành lời hứa. Vả, ông phải nhận tên ấy nhằm một lúc mà mọi tình trạng thiên nhiên trái ngược và "chế giễu" nó. Nếu ta nhận thấy cách nói trong sách Sáng-thế Ký, đoạn 17, thì thật là kỳ diệu. Trước hết Đức Chúa Trời phán với ông rằng "Ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc" (Sáng Thế Ký 17:4). Rồi không chịu đổi lấy tên Áp-ra-ham để chứng tỏ đức tin của mình; và trước mặt người đời chế giễu và khinh bỉ mình, ông tuyên bố rằng mình tin Đức Chúa Trời.
Rồi đối với lời phán thứ hai của Đức Chúa Trời: "Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc" (Sáng Thế Ký 17:5 – nguyên văn có chữ "đã"). Đức tin đã đổi kỳ tương lai ra kỳ quá khứ, nên bây giờ Đức Chúa Trời 'gọi những sự không có như có rồi" (Rô-ma 4:17b). Vậy, chúng ta phải tin và nhận lấy sự sống hay chữa lành của Đức Chúa Jesus cùng mọi ơn phước của Tin Lành.
11) Chúng ta có buộc phải vâng theo luật lệ chữa bịnh thân thể chăng? Đối với ta, đó là một vấn đề tùy ý lựa chọn: Ta muốn được chữa bịnh cách nào: ta tin cậy Đức Chúa Trời, hay là ngửa trông loài người? Nhờ Đức Chúa Trời chữa bịnh, đó há chẳng phải là "luật lệ" và "pháp độ" (Xuất Ê-díp-tô 15:25) cho chúng ta sao? Há chẳng phải một sự vâng lời đơn giản sao? Chữa lành những thân thể mà Ngài đã cứu chuộc, há chẳng phải là đặc quyền lớn lao của Đức Chúa Trời sao? Nếu chúng ta chọn một phương pháp nào ngoài phương pháp của Ngài, thì há chẳng phải là láo xược sao? Tin Lành cứu rỗi há chẳng phải là một mạng lịnh cũng như một lời hứa sao? Con Tin Lành chữa bịnh thì há có quyền lực ngang với Tin Lành cứu rỗi sao?
Đức Chúa Trời há chẳng đã vui lòng ban bố luật lệ chỉ định phương pháp đối phó với tật bịnh tràn vào cõi đời mà Ngài dựng nên sao? Chúng ta há có quyền can thiệp vào lời hứa cao cả của Ngài về sự bổ lại sức khỏe cho minh sao? Đức Chúa Trời há chẳng đã trả giá rất lớn để cung cấp một phương chữa lành thân thể của con cái Ngài, và coi phương ấy như một phần công ơn cứu chuộc của Ngài, sao? Trong vấn đề nầy, Đức Chúa Trời há chẳng "ghen tị" để binh vực danh dự và quyền lợi của danh hiệu Con yêu dấu Ngài sao?
Ngài há chẳng đòi làm Chủ của thân thể con cái Ngài sao? Ngài há chẳng đòi cái quyền chăm nom thân thể của họ sao? Ngài há chẳng để lại cho chúng ta một "đơn" quan trọng duy nhứt để chữa bịnh sao? Há chẳng phải là Ngài không cho phép dùng phương nào khác, và nếu ta dùng phương nào khác thì chỉ có cơ làm tổn hại cho mình?
Chắc hẳn những câu hỏi nầy tự trả lời được. Chỉ còn một con đường mở cho con cái Đức Chúa Trời, là kẻ đã được Ngài ban cho sự sáng để thấy lẽ thật vinh hiển nầy: Lời Ngài là: "Phải" và: "A-men!"
12) Thứ tự của các sách Đức Chúa Trời đối xử với linh hồn và thân thể chúng ta thì đã nhứt định theo những nguyên tắc không dời đổi; và Kinh Thánh đã được biên chép để bày tỏ rõ ràng những nguyên tắc ấy cho người đi đường từ đất lên trời hiểu biết. Đức Chúa Trời làm việc từ bên trong ra bên ngoài, bắt đầu từ bổn tánh thiêng liêng của ta, rồi để cho sự sống và quyền phép Ngài tràn qua thân thể ta. Có nhiều người đến xin Đức Chúa Trời chữa bịnh cho mình, nhưng đời thiêng liêng của họ mười phần thiếu sót và trái nghịch. Trong trường hợp nầy, không phải Đức Chúa Trời luôn luôn không chịu chữa lành. Ngài bắt đầu hành động ở nơi đáy linh hồn, và khi linh hồn đã sẵn sàng nhận lấy sự sống của Ngài, thì Ngài có thể bắt đầu chữa lành thân thể.
Có sự liên lạc chắt chẽ giữa tình trạng của linh hồn và thân thể. Sứ đồ Giăng nói với Gai-út rằng: "Tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thịnh vượng về phần linh hồn anh vậy" (3Giăng 1:2). Một đám mây tội lỗi rất nhỏ phủ trên linh hồn, ắt sẽ dủ một bóng tối trên trí óc và thần kinh cùng một áp lực trên cả thân thể. Một "hơi thở" xảo quyệt của tội ác trong linh hồn sẽ làm cho máu bị chất độc và hết thảy cơ thể bị suy yếu. Trái lại, tinh thần trong sạch, bình tĩnh, tin cậy sẽ làm cho sự sống thân thể được mạnh mẽ, và sẽ mở đường cho sự sống của Chúa hoạt động đầy đủ trong chúng ta.
Vì cớ đó, sự chữa bịnh thường được thực hiện lần lần tùy theo đời sống thiêng liêng lớn lên và đức tin nắm lấy Đấng Christ chặt chẽ hơn. Nguyên tắc của sự sống Đức Chúa Trời cũng như nguyên tắc của sự sống thiên nhiên, ấy là "trước hết có ngọn non, rồi có bông lúa, sau rốt có những hột lúa mì đầy đủ trong bông lúa." Nhiều người muốn có bông lúa đầy đủ trong khi ngọn còn non. Nếu có như vậy, thì bông lúa nặng trĩu sẽ làm cho ngọn non phải gãy gục. Chúng ta phải có sức mạnh sâu xa và bình tĩnh, thì mới nhận được ơn phước cao quí hơn. Có khi sự dự bị nầy đã hoàn thành từ trước. Khi ấy, Đức Chúa Trời có thể hành động rất mau chóng. Nhưng trong mỗi một trường hợp, Ngài biết cách ứng dụng thứ tự và phương pháp tốt nhứt để làm nảy nở toàn thân con người. Đó là mục đích cao cả cho mọi hành động của Ngài trong chúng ta.
Nếu có sự hạn chế sự chữa bịnh, thì cũng đã nhứt định theo một vào nguyên tắc; chúng ta phải nhớ rằng trong sự chữa lành thân thể hay chết, Đức Chúa Trời không hứa ban cho sự sống bất diệt đâu. Người ta thường hỏi rằng: "Nếu Đấng Christ chữa lành luôn luôn, thì sao người còn phải chết? Ấy vì đức tin chỉ có thể đi tới hết cái mực lời hứa của Đức Chúa Trời, và không có một nơi nào Ngài hứa rằng, trong thời kỳ Tân ước, chúng ta sẽ không hề chết. Ngài hứa ban cho sự sống đầy đủ, sự mạnh khỏe và sức lực đúng với mực cần dùng của thân thể ta, và cho tới khi ta làm xong chức vụ của đời mình. Nhưng có tín đồ không vào Đất Hứa nầy được vì cớ không tin và vì cớ thuộc về dòng dõi cứng cổ. Quả thật, chúng ta có sự sống phục sanh; nhưng không phải có tất cả, mà chỉ có trái đầu mùa thôi. Luận về sự sống bất diệt của chúng ta, Sứ đồ Phao-lô luận ở 2Cô-rinh-tô 5:5 rằng: "Đấng đã gây dựng chúng ta cho được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của tin của Đức Thánh Linh cho chúng ta."
Nghĩa như thế nầy: Của tin là một nắm đất lấy trong đồng ruộng mà ta đã mua thể nào thì cũngmột thể ấy, hiện nay Đức Chúa Trời, bởi Đức Thánh Linh, ban cho chúng ta sự sống mới trong thân thể, tức là "một nắm" sự sống phục sanh. Nhưng hãy nhớ rằng đó là một nắm (một chút), còn sự đầy đủ thì phải chờ đến lúc Đức Chúa Jesus Christ tái lâm. Nhưng chỉ một nắm đó cũng quí giá hơn cả "đất ruộng" của thế gian.
Sự hạn chế thứ hai có liên quan đến chừng mực và trình độ mà ta có thể trông mong nhận lãnh sự sống phục sanh nầy trong tình trạng hiện tại của mình. Chúng ta sẽ có đủ năng lực phi thường chăng? Chúng ta có lời hứa ban đủ năng lực để làm trọn ý chỉ Đức Chúa Trời và để hầu việc Đấng Christ. Nhưng chúng ta sẽ không có sức mạnh để tỏ ra mình mạnh mẽ đây, hoặc để xài phí một cách dại dột, hoặc để dùng vào việc ích kỷ và tội lỗi.
Ở trong giới hạn của chức vụ chúng ta do Đức Chúa Trời chỉ định – và giới hạn nầy có thể rất rộng rãi, vượt quá tất cả sức lực thiên nhiên, -- chúng ta "làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho" mình (Phi-líp 4:13). Chúng ta cũng có thể chẳng sợ hãi gì, cứ gánh chịu mọi công việc nặng nhọc, mọi cách từ bỏ mình và mọi sự khó khăn. Bất cứ Đấng Christ dắt dẫn và kêu gọi mình đi đâu, chúng ta cũng có thể chịu đựng mọi sự nguy hiểm, yếu đau, điều kiện khí hậu, cùng mọi công việc đòi hỏi nhiều sức lực và thì giờ. Chúng ta sẽ được quyền phép của Ngài che chở, và sẽ thấy rằng: "Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng có đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành" (2Cô-rinh-tô 9:8).
Nhưng nếu chúng ta rờ đến đất cấm, ra khỏi vòng thiêng liêng của ý chỉ Ngài, hoặc xài phí sức lực để thỏa mãn bổn ngã và phạm tội, thì sự sống của chúng ta sẽ mất sức mạnh chẳng khác chi cánh tay của Sam-sôn, và sẽ tàn héo như dây dưa của Giô-na. Phải, trong đời sống chúng ta luôn luôn thật có như vậy. "Vì mọi vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng. A-men" (Rô-ma 11:36).