Tìm kiếm

Thánh Kinh Nhập Môn

Chương 8 - NAN ĐỀ CỦA KINH THÁNH

NAN ĐỀ CỦA KINH THÁNH:
PHÉP LẠ, LỜI TIÊN TRI NHỮNG CHỖ BỊ CHO LÀ MÂU THUẪN,
KINH THÁNH VÀ KHOA HỌC

"Đức Chúa Trời có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc
chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng"
(Ê-phê-sô 3:20).

Kinh Thánh là quyển sách quan trọng nhất. Nó khá lớn đối với một độc giả bình thường. Với khổ chữ bình thường và không có phần chú thích, Kinh Thánh dày khoảng 1,300 trang. Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi những người có đầu óc hoài nghi và vô tín sẽ tìm thấy một số nan đề trong đó.

Kinh Thánh là một quyển sách lạ lùng - khác xa những sách khác. Nó luận về những vấn đề thuộc linh mà người ta không thể hiểu nhờ khả năng của con người thiên nhiên được. Việc thuộc linh phải được nhận biết theo cách thuộc linh (1Cô-rinh-tô 2:14-16). Cho nên những người chỉ trích đã tìm ra những nan đề trong khi thật ra chẳng phải là nan đề gì cả. Ni-cô-đem đã thưa với Chúa, "Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra được?" (Giang 3:9). Nếu con người không chịu chấp nhận sứ điệp thuộc linh của Kinh Thánh thì cũng không thể hiểu Kinh Thánh được.

Kinh Thánh là cuốn sách cổ. Nó được viết bằng tiếng Hy-bá-lai, A-ra-mic và Hy Lạp bởi các tiên tri, các vị vua, người thâu thuế, học giả... Bối cảnh của nó thay đổi từ thời đại Đồ Đồng cho đến thời đại Đồ Sắt, rồi đến thời kỳ đế quốc La Mã. Các biến cố trong đó xảy ra tại Ca-na-an, Ai-Cập, Hy Lạp và Tiểu Á. Cho nên chẳng lấy làm lạ là nó khiến nhiều người đặt câu hỏi.

Những nan đề này thật ra là do việc thiếu kiến thức về địa dư, phong tục và ngôn ngữ của Kinh Thánh. Hầu hết các nan đề đều tan biến sau khi được học hỏi sâu nhiệm với sự chuyên cần và với tinh thần cầu nguyện. Một học viên tin Chúa chân thành phải sử dụng đức tin và sự nhận biết thuộc linh khi học Kinh Thánh.

Thật ra Kinh Thánh có rất ít nan đề nếu so với cỡ và bối cảnh bất thường của nó. Sự hòa hợp lạ lùng của bộ Kinh Thánh là sự kiện đã được kiên lập. Nó được viết trong một thời gian khoảng 16 thế kỷ bởi khoảng 35 tác giả. Nó chỉ nói về một chuyện và liên tục trình bày một sứ điệp nhất quán. Chính sự hòa hợp cũng là một trong những bằng chứng cho thấy Kinh Thánh được linh cảm (hà hơi).

Tuy nhiên, cũng có vài loại nan đề chính. Một số nan đề liên hệ đến các phép lạ, các lời tiên tri và những chỗ bị cho là mâu thuẫn trong Kinh Thánh. Khi nghiên cứu về các nan đề này, học viên cũng sẽ tìm ra câu trả lời cho những nan đề liên hệ khác.

Các Phép Lạ

Có nhiều phép lạ ghi chép trong Kinh Thánh. Một số phép lạ ảnh hưởng nhiều vùng rộng lớn và nhiều người - chẳng hạn sự vượt qua Biển Đỏ (Xuat 14:1-31), có những phép lạ nhỏ, ít ái lưu ý hơn - chẳng hạn Ê-li-sê làm cho lưỡi rìu nổi lên mặt nước (2Các vua 6:1-7). Một số khác liên hệ đến việc chữa lành bệnh tật - như Đức Chúa Giê-xu chữa lành người mù (Giăng 9). Một số khác trong lãnh vực thiên nhiên - chẳng hạn Đức Chúa Giê-xu cho 5,000 người ăn với mấy cái bánh và vài con cá (Mác 6:34-44).

Những phép lạ này quan trọng như thế nào? Chúng dạy điều gì? Có thể nào tín đồ ở thế kỷ 20 tin được không? Thế nào? Tại sao? Để trả lời các nghi vấn này chúng ta phải biết phép lạ Kinh Thánh là gì?

Tất cả các phép lạ Kinh Thánh đều có một điểm giống nhau - chúng đều liên hệ đến thế giới thiên nhiên. Chẳng hạn như sắt nổi, nước biến thành máu, phung cùi được lành, điếc được nghe, què được đi, bão tố dừng lại...

Phép lạ Kinh Thánh là những biến cố phi thường khác với kinh nghiệm thường tình. Đối với người thường thì không thể tin được và không thể thực hiện nổi. Người ta không đi bộ trên mặt nước. Sắt không nổi. Lửa không xuống từ trời thiêu đốt lễ vật, nước, đá và các thứ xung quanh. Phép lạ là kết quả của sự can thiệp trực tiếp của quyền năng siêu nhiên. Phép lạ là một biến cố đặc biệt trong thế giới thiên nhiên, hoàn toàn ngoài khả năng thực hiện của con người.

Ngày nay, sự phủ nhận các phép lạ rất phổ thông. David Hume đã nói rằng cần phải có chứng cớ vô hạn để chứng tỏ phép lạ hiện hữu. Các khoa học gia cả quyết rằng các định luật cố định đang điều khiển vũ trụ và không có một ngoại lệ nào hết. Họ chủ trương rằng con người thời xa xưa, chưa được khai sáng, khờ khạo tin rằng Đức Chúa Trời đang trực tiếp điều khiển vũ trụ và có thể dể dàng thay đỗi điều gì Ngài muốn.

Một số khoa học gia nói rằng, "Chúng tôi biết Đức Chúa Trời - nếu có Đức Chúa Trời - vận hành qua các định luật thiên nhiên và không chấp nhận một ngoại lệ nào ca."

Tuy nhiên, Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng rằng những người thời xa xưa không có khờ khạo chút nào cả. Thật vậy, tuy họ không đủ các dữ kiện khoa học, nhưng họ biết cách quả quyết rằng con người không thể đi bộ trên mặt nước (Ma-thi-ơ 14:25; Mác 6:49; Giang 6:19). Khi họ thấy Chúa Cứu Thế làm vậy, họ hoảng sợ và nghĩ rằng Ngài là con ma! Khi Phao-lô chữa lành người què (Công vụ 14), dân chúng đã tưởng rằng các thần đã lấy hình người hiện xuống. Họ biết quá rõ khả năng của con người không thể làm thế được. Người mù được Chúa Giê-xu chữa cho sáng mắt đã nói rằng: "từ khi có thế gian đến bây giờ chưa ai nói có khả năng mở mắt một người mù thừ thuở sanh ra" (9:32). Anh ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu đã làm một việc mà người tầm thường không thể làm được. Khoa học thời đó tuy còn ấu trĩ, nhưng con người đã biết tin vào sự điều hòa tự nhiên của vũ trụ và vào luật nguyên nhân và hậu quả. Họ tin phép lạ chẳng phải là họ khờ khạo, nhưng vì chứng cớ quá hiển nhiên không thể tránh né được. Họ tin rằng Đức Chúa Trời của phép lạ đã bước vào thế giới tội lỗi này với quyền năng của Ngài được tỏ bày ra.

Một số nhà phê bình đã để nhiều thì giờ để giải thích rằng các phép lạ không có thật. Họ nghĩ rằng Đức Chúa Giê-xu đã dùng tâm lý chữa bệnh, các môn đồ đã không thấy Chúa Giê-xu đã dùng tâm lý chữa bệnh, các môn đồ đã không thấy Chúa trên mặt nước, nhưng ở mé biển. Việc nuôi 5,000 người ăn được giải thích là mỗi người đều có mang phần ăn theo, rồi sự dâng hiến không chút vị kỹ của một em bé đã khiến đám đông xấu hổ, rồi chia sớt phần ăn cho nhau! Những giả thuyết thiếu tính khoa học và rồ dại như vậy thấy nhan nhản trong các sách tân tiến ngày nay nhằm giải thích bằng chứng hiển nhiên của từng trường hợp.

Phép lạ lớn nhất sự phục sinh của Chúa Cứu Thế, thì không thể nào giải thích được bởi những lập luận thiên nhiên (Ma-thi-ơ 28:1-20; Mác 16:1-20; Lu-ca 24:1-53; Giang 20:31).Mác 14:50) trở thành những chứng nhân dạn dĩ sẵn sàng chết cho niềm tin của mình. Bằng chứng hùng hồn nhất về sự phục sinh với thân thể xương thịt của Chúa là sự biến đổi của các môn đồ. "những người đã bỏ trốn (Mác 14:50) trở thành những chứng nhân dạn dĩ sẵn sàng chết cho niềm tin của mình."

Những người nào giải thích nhằm hóa giải phép lạ, kể cả phép lạ về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế, thì chẳng còn gì ngoài một vỏ tôn giáo thiếu vắng quyền năng, thiếu vắng niềm vui và sự cứu rỗi; một triết lý vô bổ, thiếu sự khải thị phước hạnh của Đức Chúa Trời. Đó chỉ còn là bóng tối giữa đêm khuya, không có chút ánh sáng của sự sống. Người tín đồ thật không có nan đề với phép lạ. Phép lạ nằm ở trọng tâm của đức tin họ. Sự thực về các phép lạ đã chép trong Kinh Thánh là y như vậy, bằng chứng vững chãi về giá trị của niềm hy vọng và sự tin quyết của Cơ Đốc Nhân.

Phao-lô có câu trả lời cho những người có tánh hồ nghi. Khi ông xuất hiện trước Phê-tu và Ạc-ríp-ba, vị thống đôc này không chịu tin giáo lý Phao-lô trình bày. Ông ta nói rằng Phao-lô đã khùng rồi (Công vụ 26:24). Phao-lô đã trả lời cho Ạc-ríp-ba với lời biện hộ rất nghiêm nghị: "Ủa nào! Các ông há lại ngờ chẳng có thể tin được rằng Đức Chúa Trời khiến kẻ chết được sống lại sao?" (26:8). Ai tin nỗi Đức Chúa Trời thì không có khó khăn gì trong việc công nhận các phép lạ. Các phép lạ rõ ràng, đầy thương xót trong Tân Ước chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời nhân từ đã thật sự phán dạy. Các phép lạ là nhân chứng và bằng cớ quan trọng của đức tin chúng ta.

Các Lời Tiên Tri

Luận chứng rút ra từ các tiên tri trong Kinh Thánh cũng hùng hồn không kém. Lời tiên tri trong Kinh Thánh bao gồm các sự tiên đoán rõ rệt, tích cực và dài hạn đến độ không ai có thể ngờ được, dù khôn ngoan đến mức nào. Dĩ nhiên, một số quan sát viên tinh tế có thể tiên đoán một số biến cố. Nhà khí tượng học có thể tiên đoán thời tiết với một giới hạn nào đó. Những nhà thăm dò chính trị có thể phỏng đoán kết quả của cuộc bầu cử hàng tuần trước khi bỏ phiếu. Nhưng các lời tiên tri chân chính phải đến từ cõi siêu nhiên.

Sự Ứng Nghiệm Cựu Ước

Một số lời tiên tri Cựu Ước sẽ được dùng làm trường hợp điển hình cho giá trị và tầm quan trọng của lời tiên tri. Chẳng hạn, Rê-be-ca sẽ sanh đôi (Sang 25:23), Áp-ra-ham đã được bảo trước rằng con cháu ông sẽ bị làm nô lệ ở ngoại quốc (15:13); Giê-rô-bô-am đã được bảo trước rằng một hậu tự của Đa-vít, tên Giô-si-a, đã làm ô uế bàn thờ của ông ta (1Các vua 13:2), Ê-sai nói tiên tri 200 năm trước khi Sy-ru phóng thích người Do Thái (Esai 44:26). Đa-ni-ên nói tiên tri trước về sự xuất hiện của Alexander Đại Đế và sự phân chia Đế Quốc của ông ta ra cho bốn người kế nghiệp mà không phải là con cháu của ông ta (Đa-ni-ên 11:2-4). Đa-ni-ên nói trước về các cuộc chiến tranh của các vị vua sau này của Sy-ri, ở phía Bắc giao tranh với dòng họ Ptolemies là các vị Vua Ai Cập ở miền Nam, cho đến khi Antiochus Ephiphanes nổi dậy khoảng 165 T.C. (11:21-32). Tất cả những lời tiên tri này đều đã ứng nghiệm y như vậy.

Những lời tiên tri của Kinh Thánh không tiên đoán cách mù mờ như các nhà tiên đoán Hy Lạp. Một nhà tiên tri Hy Lạp đã tiên đoán rằng nếu một vị vua nào đó đánh giặc thì vua đó sẽ phá hủy được một đế quốc. Vua đó đã làm như thế. Vương quốc mà vua đó đã phá hủy chính là vương quốc của mình! Ngược lại các tiên tri Do Thái đã tiên đoán tương lai với sự xác định rõ rệt, thường thường tiên đoán luôn cả ngày và tên của những người liên hệ. Các tiên tri đã nói được như thế vì Đức Chúa Trời đã cho họ có khả năng siêu nhiên biết rõ những chi tiết của các biến cố tương lai. Đây chính là những bằng chứng sống về sự chân thật của toàn bộ Kinh Thánh. Mỗi tín hữu Tin Lành phải tin chân lý này.

Những người hoài nghi đã có thái độ nào đối với những lời tiên tri như thế? Họ rất khôn khéo. Khi một đoạn sách trong sách Ê-sai tiên đoán về triều đại của Đai Đế Sy-ru họ cho rằng chương đó đã viết sau khi Sy-ru lên ngôi. Nếu sách Các Vua tiên đoán đích danh Giô-si-a thì họ giải thích rằng tên của Giô-si-a đã bị nhắc vào trong câu đó bởi một người sao chép lại Kinh Thánh, sau khi Giô-si-a lên ngôi. Nếu Đa-ni-ên tiên đoán về thời kỳ cai trị của Antiochus Ephiphanes thì họ cho rằng đó là bằng chứng hiển nhiên sách Đa-ni-ên được viết sau 165 T.C. Các học giả tân phái có thái độ như vậy đối với các lời tiên tri, cho nên họ cứ chủ trương rằng Cựu Ước được viết sau này do những tác giả không phải là những người mang tên trong sách.

Chúng ta trả lời thế nào đối những sự phê bình như thế? Thứ nhất, phải chỉ ra sự thiên kiến trong vấn đề siêu nhiên. Kế đến, có thể nói rằng cả nội chứng lẫn ngoại chứng đều đồng ý là các niên hiệu sớm là đúng. Trong các Cuộn Biển Chết, có những bản sao của sách Đa-ni-ên được thực hiện khoảng 110 T.C., như vậy cũng đủ cho thấy rằng sách Đa-ni-ên không thể nào do một Đa-ni-ên khác viết khoảng 165 T.C. được. Không thể nào một sách như vậy lại được sao đi sao lại nhiều lần và phổ biến rộng rãi, trong khi nguồn gốc giả tạo của nó vẫn được che giấu, và giới có thẩm quyền trong việc kinh điển hóa đã chấp nhận như thế trong suốt 55 năm. Tài liệu của các Cuộn Biển Chết đã xác định niên hiệu sớm hơn cho sách Đa-ni-ên, và như thế khiến sách Đa-ni-ên là sách tiên tri nói trước việc tương lai cách đầy thẩm quyền.

Thứ nhì, nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh đề cập đến sự hiện đến lần thứ nhất của Chúa Cứu Thế Giê-xu và những biến cố trong thời này khá lâu trước khi các niên hiệu được xác định. Một số trường hợp có thể được trích dẫn. Lời tiên tri về việc Chúa sinh ra bởi một "trinh nữ" chẳng hạn (Esai 17:14). Những nhà phê bình cho rằng, chữ đó có nghĩa là "người thiếu phụ" có ý nói đến đứa con của Ê-sai sẽ được sanh ra chẳng bao lâu sau đó, hay đứa con sắp sanh của A-cha. Trong đoạn văn này đứa trẻ Em-ma-nu-ên cũng được gọi là "Đấng Lạ Lùng" đã được hứa là từ dòng dõi của Đa-vít. (9:6, 7). Ê-sai đã có một con trai tên Sê-a-gia-súp rồi, cho nên đoạn văn này không thể nào đề cập đến đứa trẻ này. Nó cũng không thể nào áp dụng vào con trai của A-cha. Vì lúc này, Ê-xê-chi-a con trai của A-cha đã được hơn 9 tuổi. Khi được 25 tuổi thì Ê-xê-chi-a kế vị cha mình là A-cha và A-cha cai trị được 16 năm, hơn nữa chữ "trinh nữ" được dùng 6 lần trong Cựu Ước và chữ này không bao giờ dùng cho một "thiếu phụ" đã lập gia đình. Ít nữa là 3 lần đã có nghĩa rất rõ ràng là "trinh nữ". Hơn thế nữa, bản Bảy Mươi dùng từ ngữ có ý nghĩa đặc biệt của "trinh nữ" để dịch chữ này. Trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, người Do Thái đã chấp nhận lời tiên tri này rất rõ ràng. Chỉ những người phê bình có thiên kiến mới không chịu chấp nhận lời tiên tri vĩ đại này.

Hãy xem lời tiên tri về bảy mươi tuần lễ (Đa-ni-ên 9:24). Lời tiên tri đó nói hết sức rõ ràng rằng từ lúc ban lệnh xây lại thành Giê-ru-sa-lem cho đến khi Chúa Cứu Thế xuất hiện là 7 tuần và 62 tuần, và sau tuần thứ 62, Chúa Cứu Thế sẽ bị dứt bỏ và thành bị phá hủy. Các học giả phê bình chỉ trích đã cố gắng nhưng đã thất bại trong viện dịch đoạn này cách khác đi. Bản dịch Kinh James rất là chính xác, ngoại trừ câu "sau 62 tuần Chúa Cứu Thế sẽ bị dứt bỏ nhưng không phải vì cớ chính mình Ngài", có thể dịch đúng hơn là "Sau tuần thứ 62 (62 tuần và tuần 62 giống nhau trong tiếng Hy-bá-lai), Chúa Cứu Thế sẽ bị dứt bỏ và chẳng còn lại gì".

Có hai cách giải thích cần lưu ý. Thứ nhất, chữ "tuần" đề cập đến một đơn vị gồm 7 năm như người Do Thái thường giữ. Những người Do Thái đếm theo đơn vị 7 và 50 - tuần và năm hân hỉ. Nợ nần được tha miễn sau 7 năm và mỗi người được trở về cơ nghiệp của tổ tiên mình trong năm thứ 50, là năm hân hỉ. Tập tục như thế này đã được giữ kể từ thời Lê-vi Ký 7 tuần và 62 tuần, như thế là 69 tuần hay 483 năm. Thêm một tuần nữa đề cập trong câu 27, cộng chung là 70 tuần.

Thứ nhì, có nhiều lệnh khác nhau về việc tái lập và xây dựng lại thành Giê-ru-sa-lem. Lệnh đầu tiên do Sy-ru ban hành khoảng 539 T.C. Lệnh này sau bị thâu hồi và chỉ có đền thờ được xây lại. Các lệnh kế tiếp được ban hành trong thời Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi, khoảng 465 T.C. và 444 T.C. Exora 9:9 ám chỉ rằng các lệnh này bao gồm việc xây lại thành Giê-ru-sa-lem cho nên Ê-xơ-ra đã xây lại thành phố và bạn của ông ta Nê-hê-mi hoàn tất việc xây vách thành. Vì thế, có người đếm từ thời Nê-hê-mi thì dùng năm ngắn hơn năm thường dùng (bởi vì theo Khai 1:2 so với 12:6, có những năm 360 ngày).

Thật là tự nhiên nếu dùng các năm như người Do Thái thường dùng và kể từ thời Ê-xơ-ra. Như thế 456 T.C. trừ 483 năm bằng 26 S.C. (không có năm thứ 0, cho nên không phải là năm 27 S.C. ). Đây chính là năm khi Giăng Báp-tít tuyên bố Chúa Cứu Thế là Đấng Mết-si-a của dân Y-sơ-ra-ên. Sau đó chẳng bao lâu, Chúa Cứu Thế bị dứt bỏ. Bốn mươi năm sau, thành phố bị tàn phế sau cuộc bao vây của quân đội La Mã. Lời tiên tri nếu cắt nghĩa một cách chặt chẽ sẽ liên hệ đến những biến cố xảy ra rất lâu sau thời Đa-ni-ên dù dùng bất cứ giả thuyết nào về niên hiệu của Đa-ni-ên. Như thế, luận cứ dựa trên lời tiên tri ở đây rất vững.

Có nhiều ý kiến khác nhau về sự ứng nghiệm tuần lễ thứ 70. Những người theo tiền thiên hy niên (Premillenialists) tin rằng nó sẽ còn được ứng nghiệm để phù hợp với những điều Chúa Giê-xu bày tỏ trong Ma-thi-ơ 24:15.

Sự Ứng Nghiệm Tân Ước

Nhiều lời tiên tri trong Tân Ước ngày nay đang được ứng nghiệm. Đức Chúa Giê-xu đã tiên đoán một cách mạnh dạn rằng "Tin Lành này trước hết phải được rao giảng ra cho khắp muôn dân..." (Mác 13:10). Dầu từ một sự khởi đầu nhỏ bé, Hội Thánh Chúa Cứu Thế đã bành trướng và bao trùm khắp khu vực rộng lớn của thế giới. Đức Chúa Giê-xu cũng đã tuyên đoán "dòng dõi(quốc gia) này sẽ không qua cho đến khi mọi sự được trọn" (Ma-thi-ơ 24:34 ). Người Do Thái vẫn tồn tại mặc dù họ đã bị tan lạc, bắt bớ, đặt ngoài vòng bảo vệ của pháp luật và bị tàn sát. Sự hồi hương về miền Palestine mới đây lại còn làm ứng nghiệm sự dự ngôn từ thời xa xưa một cách sống động hơn nữa (Xa-cha-ri 12:1-14).

Những lời tiên đoán này không là những nan đề, hay trở nên vấn đề gây sự lúng túng cho đức tin người theo Chúa. Sự ứng nghiệm lời tiên tri rất nhiều như thế này là một bằng chứng siêu nhiên rằng Đức Chúa Trời đã phán dạy.

Những Vấn Đề Cho Là Mâu Thuẫn

Các học giả tân phái cho rằng có một số mâu thuẫn trong Kinh Thánh. Những điều này không nghiêm trọng như thể các nhà phê bình đã xác định. Trong chương này không thể nào giải thích tất cả những vần đề bị cho là mâu thuẫn. John Haley đã khảo sát tất cả các tác phẩm của nền phê bình tân phái và duyệt qua tất cả những sự khó khăn mà họ đã đề cập. Các câu trả lời rất cẩn thận của ông đã được chấp nhận vì ông ta trung thành với các sự kiện lịch sử . Chúng rất đáng để chúng ta suy xét. Một số ý kiến thêm cũng được các học giả Tin Lành thuần túy đóng góp.

Một số mâu thuẫn thường bị chỉ trích là sự tự tử của Giu-đa. Ma-thi-ơ 27:5 nói rằng "Hắn đi ra và thắt co." Công vụ 1:18 lại nói, "Hắn nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết." Trong nguyên ngữ chữ "thắt cổ" trong Ma-thi-ơ 27:5 không nhất thiết phải dịch là treo cổ, nhưng là tự tử, bất cứ bằng cách nào. Trong những trường hợp như thế, bản dịch đúng hơn đã giải quyết được nan đề.

Mác 14:30, 72 ghi lại Phi-e-rơ chối Chúa ba lần trước khi gà gáy hai lần. Các sách Phúc Âm khác chỉ nói đến việc gà gáy. Một số bản rất cũ của sách Mác không có chữ "hai lần", như thế thì phù hợp với Ma-thi-ơ và Lu-ca. Trong 2Sử Ký 36:9, Giê-hô-gia-kim được 8 tuổi khi bắt đi làm phu tù, nhưng trong 2Các vua 24:8 thì nói ông đã được 18 tuổi. Một số bản văn Hy-bá-lai và bản Bảy Mươi dịch là 18 trong cả hai chỗ. Đây chính là cách đọc đúng trong cả hai sách. Khoa phê bình bản văn giải quyết vấn đề này.

Một thí dụ khác là việc người mù được Đức Chúa Giê-xu chữa lành khi Ngài rời thành Giê-ri-cô (Mác 10:46-52). Các chỗ khác chép về việc này dường như không đồng ý như thế. Ma-thi-ơ 20:30 nói rằng: "Nầy, có hai người mù ngồi bên đường". Lu-ca 18:35 lại nói "có một người đui ngồi xin ở bên đường" được Chúa chữa lành khi Đức Chúa Giê-xu đến gần thành Giê-ri-cô, có nghĩa là người ấy được chữa lành ở ngoại ô thành Giê-ri-cô. Thời đó có hai thành Giê-ri-cô - cổ thành và thành mà Hê-rốt đã xây cung điện mùa đông cho mình. Đoàn sứ đồ có thể đã rời thành phố này và bước vào ngoại ô của thành phố khác. Chẳng có gì làm mâu thuẫn trong các sự ký thuật này. Chỉ có điều là người này kể nhiều hơn những người kia mà thôi.

Có những người khác cho rằng các sự mâu thuẫn không phải ở trong các ký thuật chính, nhưng là trong các tài liệu phụ. Các chữ đề tên bảng treo ở thập tự giá tiêu biểu cho trường hợp này, vì thấy có sự khác biệt trong bốn sách Phúc Âm. Bảng ghi chữ bằng tiếng Hy Lạp, La Tinh và Hy-bá-lai. Những bản ghi khác bằng ba thứ tiếng thời đó thì không thì giống hệt nhau trong các ngôn ngữ. Sự khác biệt cho thấy rằng một sách đã ghi một phần của danh hiệu, còn những sách khác lại ghi những phần khác.

Hầu hết, những vấn đề bị cho là mâu thuẫn thật ra chẳng có gì là quan trọng. Tham khảo Kinh Thánh kỹ càng có thể giúp tìm ra câu trả lời. Vấn đề thường nằm ở chỗ khả năng hiểu biết về Kinh Thánh của chúng ta quá bị giới hạn, và sự giải thích sai lạc của chúng ta trong mỗi trường hợp.

Những đầu óc hoài nghi thường nhấn mạnh thái quá về các nan đề Kinh Thánh. Mặc dù dưới sự tấn công của họ, Kinh Thánh vẫn đứng vững, và vô số tín hữu bình thường cũng như các học giả trung thành đã tìm thấy trong Kinh Thánh Anh Sáng Của Sự Sống và Chân Lý của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhớ lời xưng nhận đức tin của Phi-e-rơ, "Lạy Chúa, chúng tôi sẽ đi đâu? Ngài có lời của sự sống đời đời" (Giang 6:68). Nhiều người đã quay lưng lại bởi vì những lời khó lãnh hội của Đức Chúa Giê-xu, nhưng "chúng ta tin và biết chắc chắn Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời hằng sống" (6:69).

Kinh Thánh Và Khoa Học

Vấn đề đã trở nên rộng lớn đến nỗi những tiến bộ khoa học hiện tại đã làm cho vấn đề tin Kinh Thánh trở nên khó khăn. Điều này không đúng cho những người tin Kinh Thánh là những ai học Lời Chúa cách kỹ lưỡng. Lời Kinh Thánh được linh cảm và đúng sự thật không phải chỉ trên lãnh vực tâm linh nhưng đúng luôn cả các lãnh vực khoa học hay lịch sử mỗi khi nó đề cập đến. Kinh Thánh không là sách giáo khoa về khoa học. Kinh Thánh ít khi nói đến các vấn đề vật lý, hóa học, toán học, hay điện lực. Sự xung đột chính giữa khoa học và Kinh Thánh là trong các đoạn đầu của sách Sáng Thế Ky. Nó thường liên quan đến vấn đề tiến hóa. Nó thường loanh quanh ba vấn đề chính: Sự già nua của tuổi trái đất, sự xác định các loại, và nguồn gốc của con người.

Sự Già Nua Của Trái Đất

Khoa địa chất học cho rằng trái đất có khoảng 4 - 5 thế kỷ tuổi. Các phương pháp đo lường mới, căn cứ và các dữ kiện khoa học mới đây, dường như đưa đến kết luận này. Làm thế nào kết luận này có thể phù hợp với Kinh Thánh được? Đã trải qua nhiều năm các học giả Kinh Thánh đã nhìn nhận rằng sáu ngày sáng tạo là những chuỗi thời gian dài, không phải là ngày 24 giờ. Ba "ngày" đầu có trước khi mặt trời để đánh dấu thời gian.

Những ngày này không nhất thiết phải dài bằng nhau. Ngày đầu tiên có rất dài. Sự sáng tạo cây cỏ, giai đoạn cuối trong việc sáng tạo mặt trời, mặt trăng, và sự bắt đầu của các súc vật có lẽ đã diễn ra khá gần nhau theo sau đó là một giai đoạn tăng trưởng và sự sáng tạo lâu dài nữa. Sự giải thích này cung ứng một sự hòa hợp giữa những "ngày" và các giai đoạn dàicủa khoa địa chất học.

Mặt khác, các học giả có lập trường ngày 24 giờ thì bảo rằng Thượng Đế có thể tạo nên vũ trụ trong thời gian ngắn nhưng với hình thể cổ xưa.

Sự Xác Định Chủng Loại

Vấn đề này tùy thuộc vào ý nghĩa của chữ "chủng loại." Không có một định nghĩa nào diễn tả trọn ý của chữ này. Trong khoa học sinh vật học, chủng loại được quy định là "cây cối hay thú vật có cùng đặc điểm". Định nghĩa thư thế thì chủng loại không phải là cố định. Chẳng hạn, mầm của bắp cải, cải bông, và cải bẹ trong rất khác nhau, nhưng giống của chúng có thể giao hợp với nhau dễ dàng. Nếu bạn định nghĩa "chủng loại" là các cơ phận (organism) có thể lai giống với nhau, nhưng không thể lai giống với "chủng loại" khác, thì chủng loại là cố định ngoại trừ trường hợp hiếm hoi vượt qua lằn ranh "chủng loại". Khoa địa chất học cho thấy có nhiều hình thể, có cả triệu tuổi, giống y hết những hình thế đang sống hiện nay.

Tuổi Của Con Người

Không có một số chính xác nào về thời gian con người xuất hiện trên mặt đất. Các giả thuyết cũ về thuyết tiến hóa cho rằng con người cổ xưa xuất hiện từ thời Băng Tuyết, gọi là Pleistocene, khoảng 500,000 năm trước. Sau đó là giống người Neanderthal khoảng 60,000 năm trước, rồi kế đến giống người Cro-Magnon khoảng 25,000 năm trước. Các giả thuyết này đã thay đỗi những khám phá mới đây. Giống người Carmel đã được khám phá cho thấy họ cũng có những đặc điểm giống như người thời nay, mặc dù họ được kể là có mặt trên mặt đất khoảng 100,000 năm trước. Con số này vừa mới được đổi lại là 35,000 năm. Giống người Swanscombe và Kanijera cũng được khám phá thấy có đẩy đủ các đặc điểm của con người hiện đại, nhưng lại sống vào khoảng 300,000 năm trước. Niên hiệu này dựa vào các hiện tượng của băng tuyết nên cũng đáng nghi ngờ lắm. Các khoa học gia ngày nay đồng ý rằng giống người Neanderthal không phải cổ xưa như trước đây nhiều người lầm đã tưởng. Cả hệ thống định niên hiệu đang đang được cứu xét lại.

Các khám phá mới trong ngành này phát triển khá nhanh nhờ những khám phá mới đây của ông Louis Leakey tại vùng Olduvai Gorge, Phi Châu và các khám phá của con trai ông ta là Richard Leakey, cách đó không xa về phía bắc. Dầu tuổi tác của các sinh vật này dường như hơi thái quá (từ 2 đến 3 triệu tuổi), Richard Leakey cho rằng chứng cớ ông tìm ra có dáng điệu thẳng đứng, có bộ răng người, có khả năng chế tạo đồ dùng, và có lẽ đúng là một người. Bằng chứng chỉ cho thấy có sự thay đổi trong giống người chứ không chứng minh được gì về sự tiến hóa.

Riêng Kinh Thánh, mặc dù xác quyết sự kiện sáng tạo con người nhưng không xác định con người được sáng tạo trong thời điểm nào. Càng kinh nghiệm Lời Chúa và với đức tin chân thành về nguồn gốc thiên thượng của Kinh Thánh, học viên sẽ tin chắc rằng, khi tất cả các sự kiện được nắm vững, khoa học chân chính sẽ hòa hợp với sự giải nghĩa Kinh Thánh cẩn thận, đúng đắn và chặt chẽ.

Ngữ Vựng

  • Phép lạ (miracle),
  • thiên kiến (bias),
  • những điều cho là mâu thuẫn (alleged contradictions,
  • thuyết tiến hóa (evolutionary theory).

SáchTham Khảo

  • England, Donald. A Christian View of Origins . Grand Rapids: Baker Book House, 1972.
  • Gish, Duane T. Evolution -- The Fossils Say No ! San Diego: Creation-Life Publishers, 1973.