Tìm kiếm

Thánh Kinh Nhập Môn

Chương 4 - AI VIẾT CỰU ƯỚC?

"Đức Chúa Trời đã phán... bởi các tiên tri" (Heb 1:1).

Đức Chúa Trời có thể truyền đạt ý định và công việc của Ngài cho con người bằng nhiều cách. Ngài chọn việc viết Kinh Thánh để bày tỏ sự khôn ngoan và chân lý của Ngài. Trước thời Môi-se, Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với A-dam, Ca-in, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, và những người khác nữa. Rồi những người này truyền đạt Lời Đức Chúa Trời đến những người khác bằng chính môi miệng họ. Hiển nhiên là lúc đó chưa có chữ viết. Trải qua nhiều thời đại chữ viết chưa được phát minh, tuy nhiên, cuối cùng Đức Chúa Trời cũng đã cho một số người viết xuống sứ điệp mà Ngài đã truyền cho họ.

Sự nghiên cứu về lẽ đạo hà hơi cho thấy Đức Chúa Trời viết sách Thánh Ngài bằng Đức Thánh Linh của Ngài. Kinh Thánh một thư viện thần thượng với nhiều tác giả là con người. Mục đích của chúng ta là nghiên cứu về các tác giả này, nhưng chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ rằng Kinh Thánh là một pho sách, một cuốn sách, viết bởi một tác giả là Đức Thánh Linh. Có một đại đề là sự cứu chuộc, và một sợi dây lịch sử vĩ đại là sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời có liên quan đến con người sa ngã.

Môi-se

Tác giả đầu của Kinh Thánh là Môi-se, là người mà Đức Chúa Trời đã nói với "miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố" (Dân Số Ký 12:8). Môi-se viết năm cuốn sách đầu tiên gọi là Ngũ Kinh hay Luật Pháp của Môi-se. Người Do Thái gọi là Torah (Luật Pháp). Ông cũng viết Thi Thiên 90 .

Đừng bao giờ đánh giá thấp hoặc xem thường công việc của Đức Thánh Linh khi đề cập đến thiên tài của Môi-se, vì Chúa đã ban cho ông thiên tài và sự huấn luyện. Khi Đức Chúa Trời có việc cần phải làm, Ngài chọn đúng người để làm việc đó. Môi-se là người đó. Ông đã đứng nơi ngưỡng cửa của một thời đại mới. Trước đó, Đức Chúa Trời đã giao tiếp với những cá nhân và những gia đình. Bây giờ theo lời hứa của Ngài với Áp-ra-ham, Ngài muốn nhào nặn Y-sơ-ra-ên thành một quốc gia. Qua ơn thần hựu của Ngài, Môi-se một kẻ sinh ra là nô lệ, "đã học tất cả sự khôn ngoan của người Ai Cập" (Công vụ 7:22). Ông đã học về Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nơi đầu gối của mẹ mình, vì bà đã chăm sóc cho con trai mình khi con gái Pha-ra-ôn thuê bà làm vú.

Nơi cung điện Pha-ra-ôn, Môi-se đã học đọc, học viết, và học văn hóa Ai Cập. Ông đã học tiếng của người Ai Cập và người Akkadian (Babilonian), ngoài tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Hê-bơ-rơ. Có lẽ ông đã học về cổ ngữ Babilonian, hành chánh dân sự, và khoa học quân sự. Tất cả sự huấn luyện và khả năng bẩm sinh đã được dùng trong những năm sau này khi Đức Chúa Trời khiến ông làm lãnh tụ của một quốc gia, quan xét của Y-sơ-ra-ên, chỉ huy của quân đội, kiến trúc sư của đền tạm, thi sĩ của quần chúng, tiên tri thánh và người ban hành luật pháp. Môi-se thật là một cái bình được lựa chọn! Thật là một người của Đức Chúa Trời!

Môi-se có lẽ đã được sanh vào khoảng 1520 T.C., trong một thời kỳ vàng son nhất của lịch sử Ai Cập. Tác phẩm của Môi-se được viết và ưa chuộng khắp toàn cầu. Ông đứng đầu hàng của những tiên tri Cựu Ước, là những người bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên trên 1000 năm.

Các Tiên Tri

Đức Chúa Trời cho những cuộc thử nghiệm để thẩm định các tiên tri (Phục truyền 13-8). Tiên tri giả là những người không đồng ý với sự măc khải đã được ban cho, và những lời tiên đoán của họ không thành sự thật. Nhờ những tiêu chuẩn này, dân Y-sơ-ra-ên sẽ biết ai là những tiên tri thật của Đức Chúa Trời và ai là không phải. Tất cả những tiên tri thật đầu tiêu biểu cho vị Đại Tiên Tri sẽ đến, là Đức Chúa Giê-xu Christ.

Chúng ta không biết tên tất cả các vị tiên tri, nhưng chúng ta cũng biết một số khá đông. Sa-mu-ên viết ít nhất là một sách về vương quốc thời kỳ Sau-lơ được sức dầu làm vua (1Sa-mu-ên 10:25). Ông viết về lịch sử của triều đại Đa-vít (1Sử Ký 29:29) và phán bảo nhiều lời tiên tri. Đa-vít một ca sĩ truyền cảm và vị vua lớn, cũng là một tiên tri (Công vụ 2:30).1Sử Ký 29:29 đề cập đến Sa-mu-ên, Na-than, và Gát. Thời Sa-lô-môn, 2Sử Ký 9:29, có A-hi-gi-a và Giê-đô. Trong 12:15, Sê-ma-gi-a cũng được nhắc đến trong việc chép về điều đạo của Rô-bô-am. Những vị khác như Giê-hu, con trai của Ha-na-ni, là người viết về Giê-hô-sa-phát (20:34). Ê-sai viết về Ô-xia và Ê-xê-chia (26:22 và 32:32). Nhiều tiên tri khác cũng đã được nói tới. Ông đã viết nữa sách Thi Thiên. Từ Đa-vít đến Ma-la-chi có hàng chục tiên tri. Trong nhóm này có Ê-li, Ê-li-sê, khoảng 850 T.C.; Ê-sai; Ô-sê; Giô-ên, khoảng 725 T.C.; Giê-rê-mi, Na-hum, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni, khoảng 600 T.C.; Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên và các vị khác trong thời phu tù và hậu phu tù cho đến khoảng 400 T.C., Cũng có những tiên tri ít biết tới cũng đã ghi chép lịch sử trong thời kỳ này. Các vị này được đề cập đến trong các bảng liệt kê ở các sách Sử Ký. Trong thời Đa-vít,

Hầu hết các Cựu Ước được viết bằng những vị tiên tri mà chúng ta đã biết tên. Các vị khác được bao gồm trong "lời tiên tri chắc chắn" (2Phi-e-rơ 1:19) và trong các sách của "những vị tiên tri được đọc mỗi ngày Sa-bát" (Công vụ 13:27). Sự khảo sát về Cựu Ước sẽ bày tỏ thêm chi tiết về các tác phẩm của họ.

Giữa Ngũ Kinh và thời Đa-vít, lịch sử của Y-sơ-ra-ên nằm trong sách Giô-suê, Các Quan Xét, Ru-tơ và có lẽ Gióp. Không biết rõ ai đã viết sách Giô-suê, nhưng có lẽ Giô-suê đã viết sách đó, hay ít nữa một phần của nó. Ông đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Phục truyền 34:9), dân chúng kính sợ ông như họ sợ Môi-se (Giô-suê 4:14), và ông viết lời của giao ước trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời (24:26). Ông dùng công thức của các tiên tri "Đức Giê-hô-va phán dạy" (24:2). Một sách viết vào khoảng giữa hai giao ước gọi Giô-suê là "người kế vị Môi-se để ban lời tiên tri" (Ecclesiasticus 46:1).

Các sách Quan Xét và Ru-tơ trình bày thời kỳ từ Giô-suê đến Sam-sôn. Các Quan Xét mô tả tình trạng tội lỗi trong thời đó (Các Quan Xét 17:1-21:25). Ru-tơ là bức tranh đẹp của người tin kính đã giữ vững đức tin trong thời kỳ đen tối. Ru-tơ là bà nội tổ của vua Đa-vít. Các Quan Xét và Ru-tơ có lẽ đã được viết vào cuối thời kỳ này.

Sách Gióp chứa đựng một nan đề đặc biệt. Một số học giả bảo thủ cho rằng nó đã khá xưa, có lẽ trước Môi-se nữa. Họ dựa vào lập luận Gióp không hề nhắc đến việc thờ phượng trong đền tạm. Thật vậy, Gióp dâng của lễ tại nhà các con trai mình, như Ap-ra ham đã dâng tế lễ cho Chúa cách riêng tư vậy. Những học giả khác thì cho sách Gióp đến rất trễ. Họ dựa vào bút pháp và thần học trong sách để biện minh. Đây cũng là cách biện luận thường dùng để bảo rằng các sách khác cũng được viết rất trễ trong khi Kinh Thánh thì bảo là sớm. Chúng ta không chấp nhận cách biện luận bảo sách Gióp được viết rất trễ này.

Đa-vít khoảng 1000 T.C. là tác giả chính của Thi Thiên. Hê-man, A- sáp và các tác giả khác được coi như là các tiên tri của Đức Chúa Trời (1Sử Ký 25:5; 2Sử Ký 29:30). Mười tám (18) Thi Thiên không có đề tài, nhưng khi dịch bản Septuagint đã gán tên của A-ghê, Xa-cha-ri và một số người khác làm tác giả cho một số Thi Thiên.

Sa-lô-môn viết Truyền Đạo, Nhã Ca và hầu hết các Châm Ngôn. Ngày nay, có thể xác định được Sa-lô-môn trị vì 960-920 T.C. Những khám phá của khảo cổ học cho thấy thời kỳ trị vì của Sa-lô-môn là thời kỳ thành công nhất về phương diện vật chất của Y-sơ-ra-ên. Dưới sự lãnh đạo của ông, sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thờ được thiết lập và phát triển. Ông rất xứng đáng là tác giả của sách mà người Do Thái gọi là "Văn Chương Khôn Ngoan". Trọng tâm của sách Châm Ngôn là "Kính sợ Chúa là khởi đầu sự thông sáng" (Châm Ngôn 1:7; 9:10). Đây không phải chỉ là một sách chép các câu nói thế thường. Nhưng nó đối chiếu giữa thiện và ác, và chỉ cho sự cần thiết là phải tin cậy vào Chúa (12:19). Trong Châm Ngôn, "người khôn" là người tin kính Chúa ; còn "kẻ dại" là tội nhân. Những chương cuối được gọi là "tiên tri" viết bởi những người mà chúng ta không biết (30:1; 31:1), có lẽ đã thêm vào sau này.

Sách Truyền Đạo là sách triết lý, đặt ra những nan đề "Mục đích của đời người là gì?" Có những câu trả lời khác nhau được trình bày và khảo sát. Câu trả lời tối hậu của "người truyền đạo, con vua Đa-vít, vua của Giê-ru-sa-lem" là "kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài" (Truyen 12:13).

Sách Nhã Ca của Sa-lô-môn là tập thơ tình chân thật, tiêu biểu cho tình yêu Đức Chúa Trời cho dân Ngài. Kết luận của sách này có thể diễn đạt như sau "Ái tình mạnh như chết. Lòng ghen hung dữ như âm phủ...Nước nhiều không tưới tắt được ái tình" (Nhã Ca 8:6, 7).

Các tác phẩm của Sa-lô-môn, sáng tác lúc còn thanh xuân, được liệt kê vào Kinh Thánh và được xem là ban cho bởi Đức Chúa Trời qua "các tiên tri Ngài" (Rô-ma 1:2). Chúng được trích dẫn trong các Cuộn Biển Chết vào thế kỹ thứ hai T.C. với câu nói chỉ dành riêng cho Kinh Thánh "có lời chép rằng...".

Có ba đợt tiên tri hoàn tất Cựu Ước. Khoảng 700-800 T.C., Đức Chúa Trời dấy lên những tiên tri vĩ đại để cảnh cáo và yên ủi dân Y-sơ-ra-ên trong thời gian bị người A-sy-ri đe dọa. Những vị này gồm Ê-sai, "nhà tiên tri Phúc Âm", và một số Tiểu Tiên Tri. Giô-ên, A-mốt và Giô-na có lẽ là những tiên tri sớm nhất trong nhóm người này. Tiếp theo có Ê-sai, Ô-sê và Mi-chê. Không ai biết niên hiệu của Ap-đia, nhưng nhiều người kể ông vào thời này, vì truyền thống xếp sách ông giữa A-mốt và Giô-na. Trong các vị này, Ô-sê và A-mốt nói tiên tri cho vương quốc phía Bắc, là vương quốc đã bị bắt đi làm phu tù sau vài lần xâm lăng của quân A-sy-ri, khoảng 721 T.C.

Trong thế kỷ sau, bắt đầu bằng năm 625 T.C., Giê-rê-mi nói tiên tri cho vương quốc đang chết dần, Giu-đa. Thời kỳ này cũng có ba Tiên Tri cùng phục vụ Chúa - Na-hum, Ha-ba-cúc và Sô-phô-ni. Tất cả đều tiên đoán sự sụp đổ của Ni-ni-ve, thủ đô dân A-sy-ri. Những lời tiên tri này đã được ứng nghiệm năm 612 T.C. Chẳng bao lâu sau, Nê-bu-cát-nết-sa đã đưa Ba-by-lôn đến tuyệt đỉnh quyền lực. Khi bành trướng đế quốc mình về phía Tây, ông đã bẻ gãy quyền lực của Đế Quốc Ai Cập, và cuối cùng đã tiêu hủy vương quốc Giu-đa sau nhiều loạt tấn Công vụ 604, 597 và 586 T.C. một nhóm người bị bắt đi lưu đày ở Ba-bi-lôn đánh dấu sự chấm dứt nền độc lập của dân Do Thái cho đến khi được vãn hồi độc lập vào năm 1947 T.C.

Trong thời gian lưu đày, Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên làm tiên tri cho đám dân tản lạc ở Ba-bi-lôn. Những vị này đã làm việc tận lực để giữ vững đức tin chân chính trong những ngày đen tối đó. Lời tiên của họ nói về Vị Cứu Tinh là hy vọng của dân Y-sơ-ra-ên đem sự chú ý đến những lời mặc khải về Đấng Cứu Tinh đã nói trược bởi Đa-vít, Ê-sai, Mi-chê và những tiên tri khác.

Sau thời gian lưu đày, có ba giai đoạn người Do Thái trở về xứ Palestine. Năm 538 T.C. Si-ru cho phép người Do Thái hồi hương dưới sự hướng dẫn của Giê-ru-ba-bên. Trong thời này, A-ghê và Xa-cha-ri làm tiên tri cho dân chúng tại Giê-ru-sa-lem và khuyến khích họ xây lại đền thờ lần thứ hai, năm 516 T.C. Cũng cùng thời gian này, sách Ê-xơ-tê được viết ở Mê-sô-bô-ta-mi để bày tỏ sự quan phòng của Đức Chúa Trời trong việc chăm sóc những người còn sót lại, cũng như nhấn mạnh đến những hiểm nguy mà dân Do Thái đã phải đương đầu trong khi sống dưới những triều đại của các vị vua vô tín xứ Ba Tư. Sự tàn sát người Do Thái do Ha-man chủ xướng có lẽ đã làm cho nhiều người Do Thái sẵn sàng cho giai đoạn sau này của cuộc hồi hương.

Những cuộc hồi hương sau này được thực hiện vào 456 và 444 T.C. Ê-xơ-ra rồi Nê-hê-mi đã trở về xây lại thành và bức tường của nó. Các chương đầu của sách Ê-xơ-ra nói về việc hồi hương lúc trước của Giê-ru-ba-bên, năm 538 T.C. Phần còn lại của sách Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi theo dõi lịch sử cho đến năm 400 T.C. Ma-la-chi, người cuối cùng của các tiểu tiên tri đã hoàn tất Cựu Ước khoảng 400 T.C. Sau đó, tiếng nói tiên tri đã yên lặng. Theo truyền thống và lịch sử Do Thái, đã không có một tiên tri nào, mãi cho đến thời Giăng Báp-tít tuyên bố sự mở màn một thời đại mới.

Như thế Cựu Ước đã được viết từ 1400T.C. đến 400 T.C. do hơn 20 tác giả biết rõ tên và một số tác giả không biết rõ danh tánh. Bản Kinh Thánh Cựu Ước chia ra làm 5 phần. Việc chia phần này đến việc sửa đổi chút đỉnh của bản Kinh Thánh La Tinh ra từ bản Bảy Mươi (Septuagint).

05 Sách Luật Pháp

12 Sách Lịch Sử

05 Sách Thi Ca

05 Sách Đại Tiên Tri

12 Sách Tiểu Tiên Tri

Tổng cộng 39 sách

Cựu Ước trong tiếng Hê-bê-rơ chia làm ba phần: Luật Pháp, Tiên Tri và Thi Văn. Có 5 sách Luật Pháp, 4 sách Tiền Tiên Tri, 4 sách Hậu Tiên Tri (12 sách Tiểu Tiên Tri kể là một sách) và 11 sách Thi Văn. Tất cả 24 sách này dù sắp sếp thế nào cũng gồm đủ 39 sách mà chúng có hiện nay, chẳng có thêm sách nào nữa.

Vào thế kỷ thứ nhất, ba phần này được chia lại để chỉ thấy có 22 sách. Có hai sách nhỏ nhập chung vô các sách khác. Các Cuộn Biển Chết đề cập đến toàn bộ goi là "Công việc của Môi-se và các Tiên Tri". Đây là sách mà Đức Chúa Giê-xu đã nói đến, sau khi Ngài phục sinh, lúc Ngài thách thức các môn đồ hãy tin "tất cả những gì các vị tiên tri đã nói". (Lu-ca 24:25).

NIÊN HIỆU CỦA SÁCH CỰU ƯỚC
1400T.C Sáng-thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân-số Ký, Phục-truyền Luật-lệ Ký.
1400 T.C. Gióp (?).
1350 T.C. Giô-suê
1050 T.C. Các Quan Xét, Ru-tơ.
1000 T.C. Thi Thiên (đa số).
1000 - 575 T.C. I,II Sa-mu-ên, I,II Các Vua.
950 T.C. Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã-ca.
750 - 700 T.C. Ê-sai, Ô-sê, Giô-ên, A-mốt, Ap-đi-a, Giô-na, Mi-chê.
625 - 575 T.C. Giê-rê-mi, Na-hum, Ha-ba-cúc, Sô-phô-ni.
600 - 539 T.C. Ê-xê-chi-ên, Đa-ni-ên.
539 - 515 T.C. A-ghê, Xa-cha-ri.
475 T.C. Ê-xơ-tê
456 - 400 T.C. I,II Sử Ký(?)
456 - 400 T.C. E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ma-la-chi.

 

Thứ Kinh

Có bảy sách và vài phần thêm vào được liệt vào bộ Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Tất cả sách và các phần nhỏ này được gọi là "Thứ Kinh". Nghiên cứu về nguồn gốc các sách này, chúng ta sẽ thấy tại sao người Tin Lành không liệt kê chúng vào bộ Kinh Thánh.

Tên Của Các Thứ Kinh

Hiển nhiên là các Thứ kinh được viết vào thời kỳ giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chỉ một sách có niên hiệu. Hai sách Judith và Tobít, nói về việc xâm lăng của người A-sy-ri và người Ba-by-lôn. Hai sách nữa, I và II Mac-ca-bê ghi chép cuộc chiến tranh dành độc lập của người Do Thái khoảng 165 T.C. Hai sách nữa là sách dạy đời: Ecclesiaticus và Khôn Ngoan của Sa-lô-môn. Một sách là phần thêm vào của Giê-rê-mi. Ngoài ra, có hai phần ngắn thêm vào sách Ê-xơ-tê và Đa-ni-ên.

Có những sách khác nữa viết vào trong thời gian này, không được người Công Giáo lẫn người Tin Lành chấp nhận. Những sách này ghi lịch sử và tư tưởng trong giai đoạn giữa Cựu Ước và Tân Ước. Các sách này là: Ê-nóc, Jubillees, Giao Ước của 12 tổ phụ. Những phần rời rạc của các sách này cũng được tìm thấy ở các Cuộn Biển Chết, chúng không được chấp nhận hay trích dẫn như Kinh Thánh. Các sách này cũng có giá trị phần nào, nhưng chưa bao giờ được liệt kê và hàng kinh điển (Canon).

Josephus, Sử Gia Do Thái

Làm thế nào để chúng ta biết chắc rằng những sách này được kể vào phần kinh điển của Cựu Ước? Chắc chắn là chúng không có trong Kinh Thánh được công nhận và được dùng bởi Đức Chúa Giê-xu Christ và các vị Sứ Đồ. Sử gia Do Thái Josephus, viết khoảng 90 S.C. Ông sống trong thời kỳ sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem vào 70 S.C. Bản tự thuật của ông cho biết thế nào Đại đế Titus đã cho ông các cuốn sách thánh lấy từ đền thờ Giê-ru-sa-lem khi đền thờ bị tàn phá. Ông đã có tư cách để biết rõ về bản Kinh Thánh được kinh điển trong thời Đức Chúa Giê-xu. Trong một phần trích dẫn ông nói:

"Chúng ta không có nhiều sách bất đồng và đối chọi nhau, nhưng chỉ có 22 sách chứa đựng các dữ kiện của quá khứ, và được tin một cách công tâm là thần thư. Trong số đó 5 sách là của Môi-se, gồm luật pháp và các truyền thống về nguồn gốc của nhân loại từ khởi khởi thủy cho đến khi Môi-se qua đời. Khoảng thời gian này gần 3000 năm. Nhưng từ cái chết của Môi-se cho đến triều đại của Ạt-ta-xét-xe vua Ba Tư, người cai trị sau Xét-xe, các vị tiên tri sau Môi-se đã viết xuống những gì đã xảy ra trong thời họ sống trong 13 sách. Bốn sách còn lại chức đựng các thánh ca chúc tụng Đức Chúa Trời và các châm ngôn hướng dẫn cuộc sống con người. Việc viết sử kể từ Ạt-ta-xét-xe là có thật, nhưng không được tôn kính và có thẩm quyền như các sách trước mà tổ tiên chúng ta đã viết, bởi vì chưa hề có sự nghiệp rõ rệt của các tiên tri kể từ lúc đó, và việc chúng ta xem các sách này có những giá trị cho quốc gia chúng ta thể nào được biểu lộ qua cách chúng ta đối với những sách đó; vì trải qua nhiều thời đại, chưa hề có ai bạo gan dám thêm hoặc bớt, hay thay đổi điều gì trong đó, nhưng đã trở thành tự nhiên đối với người Do Thái ngay từ lúc chào đời là phải tôn kính những sách này như thể chứa đựng giáo lý thần thánh, giữ kỹ và nếu cần cũng sẵn sàng chết để bảo vệ chúng".

Câu trích dẫn này dạy mấy điểm như sau. Thứ nhất, người Do Thái tin vào sự linh cảm từng lời từng chữ. Thứ nhì, họ tiếp nhận các sách được xem là kinh điển vì viết bởi các đấng tiên tri. Thứ ba, các Thứ kinh và các sách khác không được viết bởi các đấng tiên tri. Thứ Tư, bộ kinh điển gồm 39 sách, không có sách nào khác nữa. Thứ năm, rất quan trọng, Josephus cung cấp bảng liệt kê đầu tiên và cũng là duy nhất về các sách Cựu Ước cho đến năm 170 S.C. Chúng được chia làm ba phần không giống như ba phần những người Do Thái sau này chưa tìm thấy trong Bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ hiện đại. Josephus đặt Ngũ Kinh trước rồi đến tất cả các sách tiên tri và lịch sử, rồi đến vài sách Thi Ca, có lẽ Thi Thiên, Châm Ngôn, Nhã Ca và Truyền Đạo. Thứ sáu, ông đề cao quyền tác giả của những vị tiên tri.

Tân Ước trích hầu hết từ 39 sách Cựu Ước, nhưng không trích câu nào từ các Thứ kinh. Đức Chúa Giê-xu đề cập đến Cựu Ước là "Luật pháp, Tiên tri và Thi Thiên" (Lu-ca 24:44) Tân Ước nói đến Cựu Ước bằng hai cách: "Luật Pháp và Các Tiên Tri" hay "Môi-se và tất cả các Tiên Tri" (Ma-thi-ơ 5:17; Lu-ca 16:29; 24:27). Tân Ước chẳng bao giờ nói đến Thứ kinh.

Các Cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls)

Các Cuộn Biển Chết cung cấp sự xác chứng thêm. Chúng chứng tỏ Kinh Thánh là tác phẩm của Môi-se và các tiên tri. Chúng trích dẫn từ nhiều sách của Cựu Ước như là Kinh Thánh, nhưng không trích điều gì từ các Thứ kinh

Bản Bảy Mươi (Septuagint)

Bản Bảy Mươi xưa đã hoàn tất, không có gì phải nói, nhưng có một rắc rối là các Bản Bảy Mươi ngày nay chứa đựng Thứ kinh. Vì Tân Ước thường được trích từ Bản Bảy Mươi (Cựu Ước) nên nhiều học giả cho rằng Tân Ước đã thừa nhận Thứ kinh. Tuy nhiên phải biết rằng các Bản Bảy Mươi mà chúng ta có ngày nay căn cứ vào các bản sao có niên hiệu trễ, khoảng 325 S.C. Không có bằng cớ gì để chứng tỏ rằng các Bản Bảy Mươi với niên hiệu sớm hơn có Thứ kinh. Thật ra, bằng chứng ngược lại thì có.

Các Giáo Phụ Hội Thánh Đầu Tiên

Hầu hết các giáo phụ Hội Thánh đầu tiên có đụng chạm ít nhiều đến vấn đề này đều loại bỏ Thứ kinh. Melito, giám mục tại Sardis, năm 170 S.C. liệt kê các sách Cựu Ước giống như bản mục lục của chúng ta, ông không có liệt kê Thứ kinh. Nhà trí thức Origen của Ai Cập, năm 250 S.C. cũng loại trừ Thứ kinh. Jerome, người dịch Thứ kinh ra La Tinh, đã nói tỏ tường các sách đó không phải thuộc vào hàng kinh điển. Chỉ có hai hội nghị và những người đã hội nghị này không có quyền hành gì mấy là chấp nhận Thứ kinh. Mãi sau này hội nghị ở Trent năm 1545 S.C. của Hội Thánh Công Giáo La Mã khi họ chống đối những người Tin Lành, thì cố cho là Thứ kinh được linh cảm mà thôi. Đây cũng là điểm khá lỏng lẻo trong thần học Giáo Hội Công Giáo.

Chúng ta tin 39 sách của Cựu Ước là lời được linh cảm bởi Đức Chúa Trời. Thứ kinh không được hà hơi. 39 sách được Đức Chúa Giê-xu và các Sứ Đồ chấp thuận. Các Thứ kinh thì không. Hầu hết sách trong 39 quyển này đều do các tiên tri chép như có nói trong sách Sử Ký (1Sử Ký 29:29; 2Sử Ký 9:29; 12:15; 20:34; 26:22; 32:32), và nếu Sa-lô-môn đã tiếp nhận các khải tượng như là một tiên tri của Đức Chúa Trời, thì ít nhất có 30 sách Cựu Ước được viết bởi các tiên tri. Còn 9 sách kia có lẽ cũng được viết bởi các tiên tri. Tân Ước, tác giả các Cuốn Biển Chết, và Josephus gọi là tác phẩm của các tiên trị. Thứ kinh và các sách chia không được chứa đựng là lời xưng là được khải thị bơi Đức Chúa Trời. Chúng ta người Tin Lành đọc Thứ kinh để có thêm tin tức và hứng thú, nhưng chúng ta dành đức tin và sự tín nhiệm cho những sách được Chúa Giê-xu Christ chấp thuận. "Họ có Môi-se và các tiên tri, hãy để chúng nghe họ" (Lu-ca 16:29).

Ngữ Vựng

  • Thứ kinh (Apocrypha); Ngũ Kinh (Pentateuch); Luật Pháp (Torah).

Sách Tham Khảo

  • Archer Gleason L., Jr. A Survey of Old Testament Introduction ." Revised edition. Chicago: Moody press, 1974.
  • Harris, R. Laid. Inspiration and Canonicity of the Bible . Revised edition. Grand Rapids: Zondervan Pub, Horse, 1969 - chs - 6,7.
  • Unger, Merrill F. Introductory Guide to the Old Testament . Grand Rapids: Zondervan Pub. Horse, 1951.
  • Young, Edward J. An Introduction to the Old Testament . Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Pub. Co., 1958.