Thánh Kinh Nhập Môn
Chương 2 - TẠI SAO CƠ ĐỐC NHÂN TIN KINH THÁNH CỰU ƯỚC?
"Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời ...vì phải xem sét cách thiêng liêng" (1Cô-rinh-tô 2:14;).
Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao Cơ Đốc Nhân tin Kinh Thánh?" Có những câu trả lời quan trọng hơn những câu trả lời khác. Một số câu trả lời dựa trên "lý luận" (reasoning), một số khác dựa trên "đức tin". Cả hai đều là căn bản và sẽ được xét tới từng cái một. Chương này sẽ bàn đến những câu trả lời liên quan đến Cựu Ước. Chương kế tiếp sẽ khai triển những lý do cho niềm tin trong Tân Ước.
Chúa Cứu Thế Giê-xu Tin Cựu Ước
Câu trả lời dễ nhất và rõ ràng nhất rằng tại sao Cơ Đốc Nhân tin Cựu Ước, đó là vì Chúa Cứu Thế Giê-xu tin Cựu Ước. Chúng ta tin cậy sự dạy dỗ của Ngài. Đức Chúa Giê-xu Christ là thẩm quyền tối hậu trong mọi vấn đề. Bởi những phép lạ, dấu kỳ, Ngài chứng tỏ cách trọn vẹn rằng chính Ngài đến từ Đức Chúa Trời. Ngài chứng tỏ rằng chính Ngài là con Đức Chúa Trời với tất cả quyền năng bởi sự sống lại từ cõi chết. Thánh Phao-lô đã tóm được lại điều đó trong Rô-ma 1:4 "theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ cõi chết, được tỏ ra là con Đức Chúa Trời với quyền phép ". Nghi ngờ sự dạy dỗ của Đức Chúa Giê-xu Christ là nghi ngờ tất cả những gì quý báu và căn bản cho đức tin chúng ta. Đức Chúa Giê-xu tin Cựu Ước và dạy chân lý Cựu Ước. Như vậy là đủ cho Cơ Đốc Nhân rồi.
Có phải rõ ràng Đức Chúa Giê-xu tin và dạy Cựu Ước là lời Đức Chúa Trời không? Vâng nhiều câu rõ rệt cho thấy Ngài dạy như vậy. Có những đoạn khác trong bốn sách Phúc Am cho thấy thái độ cách tổng quát của Ngài về Cựu Ước.
Quan trọng hơn cả là việc Chúa Giê-xu Christ dạy hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út sau khi Ngài phục sinh. Xin đọc Lu-ca 24:13-31. Trong đoạn này, rõ ràng các môn đồ không hoàn toàn chấp nhận lời làm chứng của mấy người đàn bà về việc Chúa đã phục sinh. Khi Ngài nói chuyện với hai môn đồ, Ngài gọi họ là" những kẻ dại dột, cò lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói" (c. 25). Rồi Ngài lướt qua Cựu Ước cho họ thấy thế nào Cựu Ước đã nói trước những điều này. Trong Hy Văn thì nói rằng "Ngài, bắt đầu cắt nghĩa cho họ từ Môi-se và từ tất cả các tiên tri trong Kinh Thánh những điều chỉ về Ngài" (c.27). Để ý, thể nào Đấng Tôn cắt nghĩa từ một quyển sách được biết là "Kinh Thánh "và sách này cũng được gọi là"Môi-se và tất cả các tiên tri". Tên sau là tên các cuộn Biển Chết và Tân Ước thường dùng để chỉ về Cựu Ước. Danh xưng đó hay xưng "luật pháp và các tiên tri" đã được dùng, với chút ít thay đổi, trong Tân Ước. Đức Chúa Giê-xu đã tuyên bố rằng họ phải tin quyển sách đó.
Sự dạy dỗ tương tự cũng đã được trình bày mạnh mẽ trong Lu-ca 16:29-31. Trong câu chuyện về người giàu là La-xa-rơ, đã nhấn mạnh về đức tin nơi Lời Đức Chúa Trời. Người nhà giàu đã bị định tội vào nơi hình phạt đời đời là nơi không thể trốn thoát và giải cứu được. La-xa-rơ, "người nghèo" ở trong nơi phước hạnh vĩnh cữu. Người nhà giàu khẩn cầu với Áp-ra-ham xin gởi La-xa-rơ từ cỏi chết trở về để cảnh cáo năm anh em của ông ta đương còn sống. Đấng Christ trích câu trả lời của Áp-ra-ham với sự chấp thuận tỏ tường của Ngài, "Họ đã có Môi-se và các Đấng Tiên Tri," nghĩa là họ đã có Kinh Cựu Ước. Người ta bị hình phạt cứ nài nỉ cho một chứng nhân với phép lạ đặc biệt. Áp-ra-ham trả lời "họ không tin được Môi-se và các Đấng Tiên tri thì dầu có ai từ cõi chết sống lại, họ cũng chẳng tin" (c.31). Để ý sức mạnh và sự áp dụng của câu này. Lời chứng của Cựu Ước còn có giá trị hơn lời chứng của một người từ cõi chết sống lại. Những người lãnh đạo Do-thái qua truyền thống đã làm cho lời Đức Chúa Trời trở thành vô hiệu lực. Cũng hãy để ý thế nào chân lý này được minh chứng qua sự kiện sau đó. Những người Do thái không tin sự sống lại của La-xa-rơ ở Bê-tha-ni, hay ngay cả sự sống lại của Chúa Giê-xu Christ cũng vậy. Lời làm chứng của luật pháp và các tiên tri là tối hậu, như Đức Chúa Giê-xu đã nói.
Những đoạn khác cũng làm chứng như vậy. Trong Giang 10:33-39, Đức Chúa Giê-xu trích từ Thi Thiên 82:6, gọi đó là "luật pháp" và nói rằng "Lời Kinh Thánh không thể bỏ được", thì lời tuyên bố của Ngài là đúng. Ơ đây chúng ta không bàn về việc Chúa xác nhận thần tánh của Ngài. Chúng ta chỉ nhấn mạnh sự kiện là Chúa đã đặt nền tảng về sự xác nhận trên lời Kinh Thánh. Kinh Thánh không thể bỏ được. Ngài đã luận từ chữ "các thần". Nội một chữ đó cũng đủ để Ngài có thể đặt một nền tảng vững chắc cho sự xác nhận của Ngài.
"Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin Ta, bởi ấy là về Ta mà người đã chép . Những nếu các ngươi chẳng tin những lời người chép, các ngươi há lại tin lời Ta sao ?" (Giang 5:46, 47). Ơ đây Chúa Giê-xu Christ nói về Môi-se như là tác giả của năm sách Cựu Ước - Ngũ Kinh - và tuyên bố rằng chúng ta phải tin những sách này. Kỳ thật Đức Chúa Giê-xu đã gắn chặt đức tin nơi các sách của Môi-se với đức tin nơi lời của chính Ngài. Nghi ngờ Cựu Ước là nghi ngờ Đức Chúa Giê-xu. Nếu chúng ta tin Đức Chúa Giê-xu chúng ta sẽ tin Cựu Ước. Những đoạn này dạy về tầm quan trọng của việc tin Cựu Ước và sự nguy hiểm của việc phủ nhận nó.
Các bằng chứng khác được ký thuật trong Ma-thi-ơ 15:17-19 và Lu-ca 16:16-17. Hãy đọc những đoạn này trong mấy đoạn đó Đấng Christ đã đề cập rõ ràng đến Cựu Ước, "luật pháp và các tiên tri". Danh hiệu này được dùng để chỉ 39 sách trong Cựu Ước. Cuốn sách này, "luật pháp", được gọi là văn phẩm toàn vẹn. Một sự xác nhận đặc biệt đã dành cho Cựu Ước: "Trời đất qua đi còn dễ hơn một chấm một nét trong luật pháp qua đi được ". Thánh Ma-thi-ơ còn nói rõ hơn rằng nó trọn vẹn đến "từng chấm từng nét." (một chấm là chữ Yodh trong tiếng Do Thái, chữ nhỏ nhất trong mẫu tự Do Thái thời Giê-xu. Một nét có lẽ là cái nét rất nhỏ để phân biệt những chữ giống nhau - giống như dấu gạch ngang của chữ "t" và dấu chấm trên đầu chữ "i" của chúng ta). Thật lí thú khi so sánh những đoạn này với những gì Đức Chúa Giê-xu nói về những lời của Ngài "trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta nói sẽ chẳng bao giờ qua đi" (Ma-thi-ơ 24:35, và Lu-ca 21:33). Để ý rằng Đức Chúa Giê-xu không nói về sự bảo tồn lời Ngài, mà đương nhiên một số có thể đã mất; Ngài chỉ nói đến chân lý đời đời và quyền năng của lời Ngài.
Dựa vào Ma-thi-ơ 5:17, một số người phản đối cách lập luận này, vì họ cho rằng Đức Chúa Giê-xu lại nói ngược với Kinh Thánh trong những câu sau đó. Ơ đây cũng đủ cho thấy rằng Chúa Giê-xu đã không đi ngược Cựu Ước, nhưng Ngài chỉ phủ nhận cách giải nghĩa Kinh Thánh theo kiểu truyền thống và thư lại. Chẳng hạn, trong câu 43 "các ngươi có nghe lời phán rằng (không phải "có lời chép rằng hãy yêu người lân cận và ghét kẻ thù nghịch mình". Chỉ có phần đầu của câu trích này (Lê-vi Ký 19:18), là từ trong Cựu Ước. Phần sau không phải. Đức Chúa Giê-xu đối ngược lại phần sau - là phần do người Pha-ra-si thêm vào. Trong những câu tương tự cho thấy rằng Đức Chúa Giê-xu không dạy ngược lại với Cựu Ước. Ngài chỉ muốn phơi bày ra những chỗ thêm thắt vào do các thầy thông giáo, những chỗ diễn dịch sai và những chỗ Kinh Thánh bị bóp méo. Ngài tôn trọng Cựu Ước như là lời chắc chắn của Đức Chúa Trời.
Thái độ của Đức Chúa Giê-xu đối với Cựu Ước cũng được tỏ rõ trong những chỗ tổng quát khác. Ngài trích Cựu Ước để quở trách Sa-tan (Ma-thi-ơ 4:4, 7, 10). Ngài bắt đầu chức vụ tại Ca-bê-na-um bằng việc đọc sách tiên tri Ê-sai trong nhà hội (Lu-ca 4:16-19). Đối với đám đông tụ họp Ngài phán rằng: "Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó" (Lu-ca 4:21). Ngài phán cùng những người Sa-đu-sê rằng họ sai lầm "Không biết Kinh Thánh" (Ma-thi-ơ 22:29). Ngài dùng Kinh Thánh để biện minh cho hành động của Ngài trong ngày Sa-bát (22:29), trong việc dẹp sạch đền thờ (21:13), trong việc chấp nhận những lời ca tụng của dân chúng lúc Ngài vào thủ đô cách khải hoàn (21:16). Ngài tuyên bố rằng Ngài phải chịu đau đớn theo lời dụ ngôn của Kinh Thánh (Lu-ca 18:31-34). Ngài xác định rằng hành đông phản bội của Giu-đa đã được tiên báo (Mác 14:21; Giang 13:18; 15:25). Đức Chúa Giê-xu dằn lòng không gọi thiên sứ đến phục vụ để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 26:54). Thái độ của Ngài là thái độ vâng phục Kinh Thánh. Có thể tóm lại trong một câu đáng nhớ là "để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm" (Mác 14:49).
Nếu Đức Chúa Giê-xu chấp nhận Kinh Thánh thì chúng ta là ai mà thắc mắc hay phủ nhận Kinh Thánh? Các Cơ Đốc Nhân phải tin và vâng theo Lời của Đức Chúa Trời.
Còn nhiều điều nữa có thể nói đến. Đức Chúa Giê-xu chấp nhận các hành động của Cựu Ước, cũng như sự dạy dỗ, lịch sử và giáo lý của nó. Ngài tin tất cả Cựu Ước. Ngài đề cập đến Giô-na trong bụng cá (Ma-thi-ơ 12:40), sự dựng nên A-đam và Ê-va bởi Đức Chúa Trời (Mác 10:6), tàu Nô-ê (Ma-thi-ơ 24:38) vợ Lót (Lu-ca 17:32). Trong tất cả các sách Phúc Am và trong nhiều phân đoạn Thánh Kinh khác nhau, Đức Chúa Giê-xu được trình bày như là Đấng tin tưởng hoàn toàn vào Cựu Ước. Ngày nay, ngay cả những học giả vô tín nhất cũng nhìn nhận rằng Đức Chúa Giê-xu tin Cựu Ước. Có điều là những học giả này không tin Đức Chúa Giê-xu. Nhưng đối với Cơ Đốc Nhân, lời của Đức Chúa Giê-xu là đủ rồi.
Các Sứ Đồ Tin Cựu Ước
Thái độ của các Sứ Đồ là những người đã học từ Chúa Giê-xu cũng có thể xác nhận thêm. Một thí dụ nỗi bậc là bức thư thứ nhì của Phao-lô cho Ti-mô-thê. Đây là thư cuối cùng của Phao-lô đầy những lời khuyên nghiêm trọng. Phao-lô muốn để lại cho Ti-môt-thê huấn lệnh nghiêm túc "hãy giảng đạo" (2Ti-mô-thê 4:2). Để nhấn mạnh điều này, Phao-lô đã nhắc nhở Ti-mô-thê rằng: "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình" (3:16).
Một số người thắc mắc về ý nghĩa của câu Kinh Thánh này, nhưng không cần phải như vậy. Chữ "soi dẫn" không có nghĩa là "thở vào", nhưng nghĩa đen là "Đức Chúa Trời thở," có nghĩa là phán bởi Đức Chúa Trời. Chẳng có gì phải nghi ngờ về ý nghĩa của câu Kinh Thánh này nữa. Có người dịch rằng "Hễ câu Kinh Thánh nào được Đức Chúa Trời hà hơi thì cũng đều có ích lợi" (bản Revised Version), như thế là chỉ có một số câu Kinh Thánh được hà hơi mà thôi. Nhưng Kinh Thánh đã đề cập đến vấn đề này cách hoàn toàn rõ ràng trong câu 15. Đó là Kinh Thánh Cựu Ước mà Ti-mô-thê đã học nơi chân người mẹ Do Thái của mình.
Bức thư tín cuối cùng của Phi-e-rơ cũng nói rõ ràng như vậy. Phi-e-rơ đã thấy trước cái chết sắp tới của mình (2Phi-e-rơ 1:14) và muốn để lại một di sản giá trị. Để giữ các bạn mình kiên lập trên đức tin mà ông đã dạy, Phi-e-rơ tiến dẫn những lời tiên tri của Thánh Kinh là lời "không bởi ý riêng một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời" (1:21).
Các vị Sứ Đồ cũng trích Thánh Kinh Cựu Ước như Đức Chúa Giê-xu. Đức Chúa Giê-xu nói rằng Đa-vít viết Thi Thiên 110:1-7 là bởi Đức Thánh Linh cảm thúc (Mác 12:36), Phi-e-rơ cho rằng Đa-vít là một vị tiên tri nên đã nói trước về Chúa Giê-xu trong Thi Thiên 16:1-11 (Công vụ 2:30-31). Phao-lô trích Ê-sai đoạn 6 và nói rằng Đức Thánh Linh phán điều này qua tiên tri (28:25) Tác giả của sách Hê-bơ-rơ cũng nói "Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri phán dạy ..." (Heb 1:1).
Bằng chứng đã trọn vẹn và thỏa đáng. Chúa Giê-xu và các vị Sứ Đồ mà Ngài đã dạy chấp nhận Cựu Ước như là lời thật và đáng tin cậy của Đức Chúa Trời .
Nên lưu ý là ở đây các học giả Kinh Thánh không chứng minh Kinh Thánh từ Kinh Thánh. Đây không phải là lý luận lòng vòng. Trước hết họ chấp nhận Kinh Thánh Tân Ước là văn kiện lịch sử vững chắc về cuộc đời và sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Tân Ước là một văn kiện, chỉ giản dị như thế. Rồi các học giả khảo sát sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu xem thử thế nào Chúa Giê-xu đã chứng tỏ Ngài là chân lý và nguồn của sự sống vĩnh phước. Nhưng không chỉ thế, Đức Chúa Giê-xu dạy rằng 39 sách Cựu Ước, lúc đó gọi là "luật pháp và các tiên tri", là lời Đức Chúa Trời mặc khải chân thật và không có lỗi lầm nào dù là chi tiết nhỏ nhặt. Lẽ đạo mà chính Đức Chúa Giê-xu đã dạy này thường được gọi là sự linh cảm trên từng lời từng chữ và dựa vào thẩm quyền của Ngài mà chúng ta chấp nhận.
Ngày trước các Cơ Đốc Nhân cũng nghĩ như vậy khi họ đề cập đến Kinh Thánh là vô ngộ hay nói về sự linh cảm toàn phần của Kinh Thánh. Quan điểm này về Kinh Thánh đã được các Cơ Đốc Nhân tin kính chấp nhận ở mọi thời đại. Nó được đặt nền tảng trên những lý lẽ tốt nhất, đó là lời xác chứng của Đức Chúa Giê-xu Christ.
Các Sự Kiện Xác Thực Kinh Thánh Cựu Ước
Có rất nhiều lý do khác xác nhận nguồn gốc thiên thượng của Kinh Thánh Cựu Ước. Bất cứ sinh viên nào học Kinh Thánh cách nghiêm túc đều phải cẩn thận lưu ý và phải có thể đánh giá được những sự xác nhận này.
Sự Bày Tỏ Các Phép Lạ
Các phép lạ được thực hiện bởi các vị tiên tri của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh chứng tỏ rằng các vị này nói bởi Đức Chúa Trời.
Sự Xác Thật Của Lời Tiên Tri
Lời của Đức Chúa Trời chứa đựng hàng trăm lời tiên tri. Nhiều lời tiên tri trong số này đã được ứng nghiệm - chẳng hạn như sự tản lạc của người Do Thái và sự truyền bá Phúc Âm khắp nơi trên thế giới. Những lời tiên tri khác chẳng hạn như sự trở lại lần thứ hai của Chúa Giê-xu Christ sẽ được ứng nghiệm vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Chúng ta sẽ tiếp tục bàn về vấn đề tiên tri trong chương tám. Nhưng bây giờ hãy để ý rằng các lời tiên tri là những bằng chứng về tính cách siêu nhiên của Kinh Thánh. Những lời tiên tri này nhằm để minh chứng rằng Đức Chúa Trời thật đã phán bảo. Một lời tiên tri được ứng nghiệm là một trong những thử nghiệm về chức vụ của vị tiên tri như đã đề cập trong Phục truyền 18:20-22. Mi-chê đã nói tiên tri về cái chết của A -háp ở Ra-mốt trong Ga-la-át và quả quyết về sự ứng nghiệm của lời tiên tri mình (1Các vua 22:28). Có những lời tiên tri đã được tiên đoán từ lâu như lời tiên tri đoán về Đại Đế Si-ru cho tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem trong Esai 44:26-28 là một thí dụ. Những lời tiên tri thường rất rõ ràng chính xác một cách kỳ lạ. Những sách khác không dựa vào Kinh Thánh thì không có những lời tiên đoán như thế - Kinh Koran, những Kinh thư của Đông Phương, sách của Hội Christan Science, "Khoa Học và Sức Khỏe với chìa khóa dẫn vào Kinh Thánh ", hay các sách triết lý Hy Lạp - không một sách nào trong những sách này dám làm như Kinh Thánh, chứa đựng hàng trăm lời tiên tri rải rác khắp cả phần chính. Những đầu óc hoài nghi luôn luôn muốn tìm cách giải thích hiện tượng này. Không còn một giải đáp thỏa đáng nào ngoài niềm tin rằng lời tiên tri trong Kinh Thánh chính là sự điệp tư Đức Chúa Trời ban, không những chỉ gây ấn tượng và cảm xúc, mà còn cung cấp các dữ kiện xác định và sự măc khải từ thiên thượng.
Sự Thật Về Chân Lý Thiêng Liêng
Kinh Thánh đề cập đến những sự thật thiêng thượng và thiêng liêng (Heavenly and Spiritual Realities), chẳng hạn như sự qui đạo, sự đắc thắng trong Chúa Giê-xu Christ, sự hữu hiệu của lời cầu nguyện và tình thông công giưã tín đồ. Những điều này và biết bao nhiêu những hiện thực thiêng liêng khác nữa đã làm chứng rằng Kinh Thánh chính là lời của Đức Chúa Trời.
Lời Chứng Của Lịch Sử
Một lập luận nữa là: qua bao nhiêu thế kỷ người ta đã liên tục nói về một Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, ngay cả trong thời kỳ những nền văn hóa cổ còn chìm đắm trong chủ thuyết đa thần và sa đọa. Nếu chúng ta có thể dựa vào kết quả mà phán đoán thì Kinh Thánh đích thực là đến từ Đức Chúa Trời.
Đức Tin Xác Chứng Kinh Thánh
Đầu chương này đã đề cập đến việc một số người tin Kinh Thánh là nhờ lý trí lý luận. Thật ra điều này cũng chưa đủ. Sự thật là dù có những lý luận hay nhất cũng không thể bắt phục được người không muốn tin. Chỉ có đức tin do Đức Chúa Trời ban mới là bằng chứng đáng tin rằng Kinh Thánh chính là Lời của Đức Chúa Trời.
Đây không có nghĩa là những lập luận hay lý luận ở trên là tệ và không đủ. Nhưng chỉ có ý là những người chưa được cứu thì mù tối về Phúc Am. "Những việc thuộc linh ... cần phải nhận định một cách thuộc linh" (1Cô-rinh-tô 2:13-14). Những người loạn thị thì không thể phân biệt được sự khác biệt giữa màu xanh và màu đỏ. Người mù cũng không thể thấy được mặt trời.
Chỉ khi nào Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động trong lòng người chưa được tái sanh thì bấy giờ người ấy mới có thể tin tưởng cách trọn vẹn vào Kinh Thánh. Người chưa được cứu có thể tin Kinh Thánh là sách lịch sử có giá trị và chứa đựng những lời khuyên rất có lý. Người ấy có lẽ cũng cảm kích về giá trị của đạo đức của Kinh Thánh. Nhưng chỉ có hành động nhiệm mầu của Đức Thánh Linh mới khiến cho người ấy thấy được giá trị đích thực của Kinh Thánh - sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chân lý này thường được gọi sự làm chứng nội tại của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận khi tìm hiểu giáo lý này. Người tín đồ không có nghe một tiếng nói rằng: "cuốn sách nhỏ màu đen này là sách có thần cảm". Đức Thánh Linh không ban một lời chứng, một ánh sáng hay mặc khải nào ngoài Kinh Thánh. Nhưng Ngài làm chứng bằng Lời Kinh Thánh trong lòng chúng ta. Như Abraham Kuyber đã nói, Đức Thánh Linh làm chứng cho trọng tâm, những sự kiện căn bản của sự cứu rỗi chúng ta. Kinh Thánh ban cho chúng ta con đường cứu rỗi. Đức Thánh Linh ban cho ta mắt để thấy, để chấp nhận và để cảm tạ sự cứu rỗi này.
Đức Thánh Linh ban cho một đức tin chân thật phát xuất từ tấm lòng qua việc nghe giảng dạy về Phúc Am . Người ta nghe các sự kiện về câu chuyện Phúc Am: Cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu, sự chết và sự sống lại của Ngài. Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi người ta và bắt phục họ chấp nhận rằng Chúa Giê-xu Christ là Chúa Cứu Thế duy nhất. "Ai tin đến Con Đức Chúa Trời thì có chứng ấy trong mình... chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống" (1Giang 5:10-12).
Ngữ Vựng
- Linh cảm toàn phần (plenary inspiration);
- linh cảm từng lời từng chữ (verbal inspiration).
Sách Tham Khảo
- Geisler, Norman L., and Nix, William E. From God to Us: How We Got our Bible . Chicago: Moody Press, 1974.
- Harris, R Laird. "Canon of the Old Testament." In vol.1 of the Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible .
- Harris, R Laird. Inspiration and Canonicity of the Bible . Revised edition. Grand Rapids: Zondervan, 1969
- Ridderbos, Herman. Scripture and It’s Authority . Grand Rapids: Wm B. Eerdmans Pub. Co., 1977