Chương 9 - THƯỢNG PHÊ BÌNH VÀ KINH THÁNH
(Higher Criticism and the Bible)
"Hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ,
lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình
trong khi Đức Chúa Giê-xu Christ hiện ra"
(1Phi-e-rơ 1:13).
Mỗi học viên Kinh Thánh nên học biết về những mũi dùi tấn công vào Kinh Thánh. Có như thế mới có thể chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đối phó những kẻ không hiểu rõ Kinh Thánh, uốn nắn lời Chúa theo ý riêng, lôi kéo người khác, tự chuốc lấy sự hư mất trong mình (2Phi-e-rơ 3:16). Điều này cũng giống như một sinh viên y khoa học về các thứ tật bịnh để biết cách giúp người khác sống khỏe mạnh.
Lúc nào cũng có người không tin Kinh Thánh. Trong thời chúng ta cũng có một số người đặc biệt không tin và thể hiện sự vô tín của họ bằng phương pháp thượng phê bình (higher criticism). Chúng ta không cần phải khảo sát chi tiết về quan điểm của họ nhưng cần phải biết là có loại phê bình như thế.
Định Nghĩa
Thượng phê bình bao gồm việc nghiên cứu về niên hiệu và tác giả của các sách trong Kinh Thánh. Nhiều người thuộc nhóm thượng phê bình cho rằng một số hay tất cả trong Kinh Thánh không phải được viết bởi những người mang tên sách; các sách đó không phải được viết lúc mà chúng tự cho là đã viết ra; và các sách của Kinh Thánh thường không phài là một sách duy nhất nhưng gồm nhiều văn kiện, tài liệu góp nhặt lại .
Ngày nay, một số học giả phái chính thống dùng từ ngữ thượng phê bình với một ý nghĩa khác. Họ nhìn nhận có một vị trí đúng đắn cho thượng phê bình. Điều này hoàn toàn khác với loại thượng phê bình có ác ý và vô tín của những người theo phái tự do. Các nhà thượng phê bình thuộc phái chính thống nghiên cứu về tác giả về bối cảnh của các sách trong Kinh Thánh. Họ sử dụng các kỹ thuật của sự phê bình, nhưng áp dụng cách cẩn trọng. Thượng phê bình chính thống này là một danh từ khác của ngành Kinh Thánh Nhập Môn.
Từ ngữ thượng phê bình thường dùng để chỉ về loại phê bình vô tín nói trên. Loại này thật đã và đang phá hoại đức tin và làm chết đi biết bao nỗ lực của Cơ Đốc giáo. Nếu Kinh Thánh chỉ là một mớ chuyện giả tạo (như một số nhà phê bình tự do dạy) thì tại sao mà phải đọc ở nhà, phải giảng dạy ở hải ngoại? Tại sao phải dạy con cháu của chúng ta giữ mười điều răn, nếu các điều răn này chỉ làm chứng dối cho kinh nghiệm của Môi-se gặp Đức Chúa Trời ở tại núi Si-nai?
Để hiểu rõ lý thuyết sai lạc này cần phải ôn lại một số bối cảnh lịch sử. Năm 1753 một y sĩ Pháp là Jean Actruc để ý thấy rằng danh thánh của Chúa trong sách Sáng Thế Ký, khi thì gọi là Đức Chúa Trời (Elohim), khi gọi là Đức Giê-hô-va hay YHWH (trong bản King James gọi là CHÚA). Astruc cho rằng sự khác biệt như thế chứng tỏ Môi-se dùng hai nguồn tài liệu khác nhau để soạn ra Sáng Thế Ký, một gọi là "nguồn E" và nguồn kia gọi là "nguồn J". Astruc không phủ nhận rằng Môi-se là tác giả nhưng ông ta chỉ kết luận rằng hai nguồn tài liệu đó đan dệt với nhau tạo thành sách Sáng Thế Ký.
Phê Bình Cựu Ước
Các tác giả về sau này trong thời duy lý của Pháp và Đức khai triển lý thuyết của Astruc và cho rằng Ngũ Kinh thật ra là công trình của những người sau Môi-se khá lâu. "E" được cho là nguồn tài liệu sớm, còn "J" là nguồn tài liệu trễ.
Năm 1853, Hupfeld ở Đức thay đổi nữa. Ông ta cho rằng nguồn tài liệu "E" thật ra gồm hai phần, một phần thì rất trễ. Các nhà phê bình sau này của Đức, đặc biệt là Wellhausen (1878), bước xa hơn, họ cho rằng họ có thể tìm ra bốn loại tài liệu trong Ngũ Kinh. Tên và niên hiệu của chúng là:
Tài liệu J, năm 850 T.C. (bây giờ thì được cho là sớm hơn - đây là tên dùng cho "Đức Giê-hô-va" tức là CHÚA).
Tài liệu E, năm 750 T.C. (dùng danh hiệu "Elohim" cho Đức Chúa Trời).
Tài liệu D, năm 625 T.C. (Deuteronamist, chiếm hầu hết Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký).
Tài liệu P, 450 T.C. (Priest, phần lớn nhấn mạnh về chức vụ thầy tế lễ).
Ông ta cho rằng không có sách Ngũ Kinh nào được viết ra bởi Môi-se, toàn hệ thống tế lễ và sinh tế được sưu tập bởi những người sống1,000 năm sau thời Môi-se.
Chủ Quyền Tác Giả Của Môi-se Đối Với Ngũ Kinh
Thượng phê bình không dừng lại với việc phủ nhận quyền tác gỉa của Môi-se. Họ phủ nhận chân lý và giá trị của Ngũ Kinh. Họ cho rằng không hề có đền tạm trong đồng vắng. Họ chỉ tin rằng các chuyện tích trong Ngũ Kinh chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những thầy tế lễ thời hậu phu tù (Post - Exilic Priests).
Một số phê bình gia sớm hơn còn dám nói rằng Môi-se không biết viết nếu có một nhân vật tên Môi-se. Họ gọi các chuyện lịch sử về các tổ phụ chỉ là một "mớ chuyện hoang đường sau này". Chuyện ra khỏi Ai Cập hoàn toàn bị nghi ngờ (Xuat 12:1-50 và kế tiếp). Sự ban bố luật pháp ở Si-na-i bị coi là giả tạo (20:1-26 và tiếp theo). Các phép lạ về 10 tai vạ (7:9 và kế tiếp), sự vượt qua Biển Đỏ (14:21 và kế tiếp), sự ban bánh Ma-na (16:14 và kế tiếp), và các phép lạ khác nữa đều bị giải thích như đã không xảy ra. Sâu xa hơn nữa là các nhà thượng phê bình đã phủ nhận rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ Ngài cho con người ban đầu rằng Ngài là Đấng chân thật, thánh khiết và Đức Chúa Trời duy nhất. Các học giả thượng phê bình nằng nặc cho rằng các vị tổ phụ thời Ap-ra-ham là những người theo bái vật giáo sơ khai (tin thờ đá, đất, cây cối); đến thời Môi-se thì họ đã là những người theo đa thần giáo (thờ nhiều thần); Đa-vít được gọi là người theo quốc thần giáo (tin rằng mỗi quốc gia có một vị thần riêng); rồi độc thần giáo (tin thờ chỉ có một Đức Chúa Trời) là khám phá của các tiên tri vào thế kỷ thứ 8. Sự tái cấu tạo tôn giáo và lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên này chắc chắn là hậu quả của nền phê bình thuần lý của các học giả người Đức vào đầu thế kỷ 20. Phủ nhận nó thì bị gán cho nhãn hiệu là thoái hóa và dốt nát trước các dữ kiện. Tạ ơn Đức Chúa Trời, hàng ngàn Cơ Đốc nhân tin Kinh Thánh đã không chịu đầu hàng trước sự tấn công khéo léo của những nhà thượng phê bình tự do đó.
Đa-vít, Ê-sai và Đa-ni-ên
Thượng phê bình còn đi xa hơn Ngũ Kinh khi cho rằng toàn bộ Kinh Thánh cần phải xét lại. Nếu Đa-vít không phải theo độc thần giáo thì ông ta không thể là người viết các Thi Thiên, vì các Thi Thiên đều nói về một Đức Chúa Trời thánh khiết hằng sống và chân thật. Với những lý do này là những lý do khác nữa, các nhà phê bình cho rằng hầu hết các sách Cựu Ước đều được viết sau này. Sách Ê-sai có lẽ được viết bởi một, hai, ba hay nhiều người. Họ cho rằng Ê-sai không thể nào tiên đoán trước đích danh Sy-Ru-tơ 175 năm trước. Đấy chỉ là sản phẩm của Ê-sai thứ hai (Deutero-Isaiah), là người sống trong thời Sy-ru trị vì. Họ cũng cho rằng Đa-ni-ên đã không tiên đoán sự xuất hiện các đế quốc liên tục kế tiếp nhau Ba-by-lôn, Mê-sô Ba Tư, Hy Lạp xuống tận đến Antiochus Ephipanes và 165 T.C. Sách này đã được viết sau này khi Antiochus Ephipanes đánh nhau với giòng họ Maccabess, đúng ra đây là sách lịch sử thay vì sách tiên tri như người ta đã tin. Như thế các nhà phê bình đã không chỉ hủy phá các chi tiết cấu thành các văn kiện Kinh Thánh nhưng còn đánh vào những chân lý căn bản và giá trị của hầu hết các sách trong Cựu Ước.
Chúa Giê-xu Christ Chấp Nhận Cựu Ước
Thượng phê bình gây ảnh hưởng trên quan niệm của chúng ta về cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Như đã thấy trongchưong Thật, rõ ràng Chúa Giê-xu và các sứ đồ Ngài đã tin Kinh Thánh Cựu Ước cách hoàn toàn. Đức Chúa Giê-xu dạy rằng: "Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi (Lu-ca 16:17). Ngài cho rằng Cựu Ước thật đáng tin cậy hơn một người từ kẻ chết sống lại mà nói (16:29-31). Ngài tin giá trị lịch sử câu chuyện về A-đam, Giô-na và con cá lớn, bánh Ma-na từ trời và tất cả những biến cố Cựu Ước khác. Chúa Giê-xu không phải là một nhà thượng phê bình nên các nhà phê bình hiện đại cho rằng Ngài chỉ là sản phẩm của thời Ngài, cũng bị lệ thuộc vào sự dạy dỗ đơn sơ thiếu óc phê bình và lầm lẫn của thời Ngài sống vậy. Các nhà phê bình tự do cho rằng Ngài dần dần ý thức vai trò Cứu Thế của mình và Ngài lầm lẫn trong việc nói về sự trở lại lần thứ hai, cũng như không phải chết thay cho ai (1Phi-e-rơ 2:24, 25) mà chỉ chết như một người tuận đạo mà thôi. Thượng phê bình đã tước đoạt khỏi Cựu Ước giá trị của nó và khỏi Tân Ước Chúa Cứu Thế của nó.
Điều đáng buồn là thượng phê bình đã lan truyền cách sâu rộng. Nó chính là nền tảng cho cái gọi là tân phái (modernism). Trong những ngày đầu của thế kỷ 20 các nhà thần học trẻ đầy hứa hẹn qua Âu Châu để học thêm và thường trở về làm ô nhiễm với sự dạy dỗ tân tiến của nền giáo dục Đức. Nhiều trường thần học lâu đời và lớn đã chấp nhận khuynh hướng tự do này như là nền tảng trong việc giáo dục thần học và những sinh viên tốt nghiệp của họ đã dạy tư tưởng này không biết bao nhiêu năm rồi. Hầu hết những người lãnh đạo hội thánh địa phương khó có thể thấy ảnh hưởng của việc này. Thượng phê bình đã gây nhiều ảnh hưởng trên thế hệ chúng ta mặc dầu đã bị một số lớn trường Kinh Thánh và chủng viện thần học chính thống và Tin Lành thuần túy chống đối.
Cựu Phê Bình (The Old Criticism)
Những điểm nổi bật của phong trào thượng phê bình cũ là các vấn đề liên quan đến các tài liệu J, E, D, P, sự phủ nhận tính chất thống nhất của sách Ê-sai, chủ trương rằng hầu hết các Thi Thiên viết sau thời kỳ lưu đày, sách Đa-ni-ên viết trong thời Maccabean (165 T.C.), quan niệm về sự tiến hóa tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên (thay vì được khải thị), sự khám phá ra độc thần giáo vào thế kỷ thứ 8 T.C. do các tiên tri, cũng như nhiều điều phủ nhận tương tự. Dựa trên lý luận và sự kiện, một người đã tin một phần của thượng phê bình thì cũng tin các phần khác nữa. Nếu một người đã tin rằng sách Ê-sai do hai hay ba người viết thì cũng khó tin rằng sách Đa-ni-ên được viết vào 550 T.C. Một người mà đã tin rằng Môi-se không có viết chữ nào hết thì cũng khó tin rằng Đa-vít đã viết các Thi Thiên mang tên mình. Thượng phê bình là một hệ thống và mỗi điểm căn bản đều đối chọi với Cơ Đốc Giáo chính thống.
Cũng may là ngày nay thượng phê bình đang bị tấn công. Trong ơn thần hựu của Đức Chúa Trời, có rất nhiều khám phá của khảo cổ học kể từ năm 1920. Những khám phá này đã giúp các học giả, kể cả những học giả không phải chính thống, tin rằng các câu chuyện lịch sử của Sáng Thế Ký là thật, Môi-se là người đã theo độc thần giáo, nhiều Thi Thiên đã được chép rất sớm, tận thời Đa-vít. Một học giả trứ danh, W. F. Albright, cho rằng giả thuyết của Wellhausen đã bị "hoàn toàn tan vỡ". Các quan điểm cũ đang được đang dần dần điều chỉnh. Các khám khám phá của khảo cổ học đã ủng hộ lập trường của quan điểm chính thống. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà khảo cổ học không phải đột ngột quay về với chính thống (old orthodox). Thay vào đó, những cách phê bình khác lại được sáng tạo ra nhưng cũng không được các học giả hoan nghênh mấy. Chúng cũng sai lầm như những quan niệm cũ mà thôi.
Tân Phê Bình (The New Criticism)
Kế theo cựu thượng phê bình là tân thượng phê bình, liên hệ đến các học giả người Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, và đôi khi được gọi là trường phái Thụy Điển (Sweden School). Tân thượng phê bình thì không thống nhất như cựu thượng phê bình nên không thể theo dõi chi tiết được. Nhóm này cho rằng các tài liệu trong các sách Ngũ Kinh là những truyền thống của người Do Thái chỉ lưu truyền bằng miệng, không có cái gì được viết xuống mãi cho tới thời kỳ lưu đày. Họ vẫn giữ thuyết J, E, P, D nhưng cố liên kết những tài liệu này với truyền thống truyền khẩu (Oral Tranditions). Có quan điểm thì chia nguồn tài liệu ra thêm thành J1, J2, Ps, Pb, v.v... Quan điểm chung của họ ngày nay là tài liệu J, E và P chỉ có trong Sáng Thế Ký, Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký và Dân Số Ký (gọi là tứ kinh), còn trường phái, hay tác giả D viết Phục Truyền, Giô-suê, Quan Xét, Sa-mu-ên và Các Vua thì vào thời kỳ gần lúc bị lưu đày. Theo các học giả của quan điểm này thì công trình của tác giả D không phải là một đơn vị duy nhất. Tác giả D dùng nhiều tài liệu cũ nhét vào về sau này.
Lập luận của những quan điểm này rất là chủ quan, do đó rất khác biệt nhau. Họ bắt đầu bằng cách dùng lập luận cũ của Wellhausen về những đoạn Kinh Thánh song song với nhau, những câu nói mâu thuẫn nhau, những quan niệm và những cách dùng chữ đặc biệt mà chia sách ra từng phần. Ví như cách đây gần một thế kỷ Driver nêu ra tài liệu P trong Sáng Thế Ký mà ngày nay Martin Noth cũng chủ trương tương tự, nhưng chỉ có khác là Noth cho là không có tài liệu P trong Sang 14:1-24 và 24:1-67. Còn phái cựu phê bình cho rằng Sáng Thế Ký viết rất trễ về sau gần thời Mác-ca-bê (khoảng 165 T.C.). Ngày nay khảo cổ học cho thấy 12:1-20 ăn khớp với thời các tổ phụ chứ không phải về sau này. Người ta vẫn cố giữ thuyết J. E. P. D. dù không có một khám phá khảo cổ học nào để làm bằng chứng. Trái lại khảo cổ học lại xác minh cho tính cách lịch sử của những bản văn Kinh Thánh từ chi tiết nhỏ đến vấn đề lớn.
Ngữ Vựng
- Người theo bái vật giáo (animist), Tin Lành thuần túy (Evangelical); thượng phê bình (higher cristicism); người theo quốc thần giáo (henotheist); phái tự do (liberalism); người theo độc thần giáo (monotheist); chính thống (orthodox); người theo đa thần giáo (polytheist).
Sách Tham Khảo
- Allis, Oswald T. The Five Books of Moses . Grand Rapids: Baker Book House, 1949.
- Allis, Oswald T. The Unity of Isaiah . Grand Rapids: Baker Book House, n. d.
- Archer, Gleason L., Jr. A Survey of Old Testament Introduction . Rev. ed. Chicago: Moody Press, 1976.
- Unger, Merrill F. Introductory Guide to the Old Testament . Grand Rapids: Zondervan Pub. House, 1951. Chapter 8 and 9.
- Vos, Howard F., ed. Can I Trust the Bible . Chicago: Moody Press, 1968.
- Young, Edward J. An Introduction to the Old Testament . Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Pub . Co., 1960. Chapter 7.