Tìm kiếm

Chương 5 - AI VIẾT TÂN ƯỚC?

“nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta nói bởi Đức Chúa Trời” (2Phi-e-rơ 1:21)

Phi-e-rơ đề cập đến toàn bộ Kinh Thánh khi ông khuyên tín hữu “ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên tri, cùng mạng lịnh của Chúa và cứu Chúa chúng ta, đã cậy các Sứ Đồ của anh em mà truyền lại” (3:2).

Bất cứ sự nghiên cứu nào về ký thuật Tân Ước đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chức vụ Sứ Đồ. Chúng ta cần khảo sát tỉ mỉ các sách khác nhau, luôn cả niên hiệu và tác giả của chúng. Việc khảo sát này sẽ không đầy đủ nếu không khảo sát về các văn phẩm Cơ Đốc viết trong thời kỳ kế tiếp các Sứ Đồ. Những văn phẩm này cung cấp những bằng chứng ngoại tại về quyền tác giả của các sách Tân Ước, sự chấp nhận và công nhận vào bộ Kinh Thánh.

Các Giáo Phụ Của Hội Thánh (Church Fathers)

Các chương trước chúng ta thảo luận về các giáo phụ của Hội Thánh đầu tiên, là những người thường được gọi là “các giáo phụ kế tiếp các Sứ Đồ”. Những vị này gồm có ông Clement ở Rô-ma, ông Ignatius ở An-ti-ốt và ông Polycarp. Sự bàn luận trong chương này liên quan đến quyền tác giả của Tân Ước. Các vị kể trên rất quan trọng trong quyền tác giả của Tân Ước. Chúng ta sẽ thấy sau đây thể nào các tác phẩm của họ đã ủng hộ tính cách nguyên thủy tự nhiên của tác phẩm do Phao-lô viết, hoặc do các Sứ Đồ khác viết trong Tân Ước .

Clement ở Rô-ma

Clement ở Rô-ma là Giám Mục tại Rô-ma.Ông có viết một bức thư gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô khoảng 95 S.C., có lẽ trước khi Sứ Đồ Giăng qua đời.

Ignatius ở An-ti-ốt

Ignatius, giám mục tại An-ti-ốt, đã tuận đạo tại Rô-ma khoảng 117 S.C. chúng ta còn giữ được bảy bức thư do chính tay ông viết, có đề cập nhiều đến các sách Tân Ước khác.

Polycarp

Polycarp, người đã viết bức thư cho Hội Thánh Phi-líp khoảng 117 S.C. cho thấy ông đã dùng khá nhiều các sách Tân Ước.

Papias

Một gạch nối quan trọng nữa là Papias,sống khoảng 140 S.C. Ông cho biết thế nào ông đã chuyên tâm tìm tòi các truyền thống nói về các Sứ Đồ từ những người tự cho là đã nghe các vị Sứ Đồ giảng dạy.Ông có đề cập đến 7 trong số 12 vị Sứ Đồ. Ông nổi tiếng nhờ viết một bộ sách năm cuốn về các sách Phúc Âm. Tuy nhiên bộ sách này đã bị mất nhưng một số lời trích dẫn đã cho thấy thể nào các sách Phúc Âm đã được viết ra. Những lời trích dẫn này được tìm thấy trong sách Lịch Sử Hội Thánh của Eusebius, viết vào khoảng 300 S.C.

Justin

Justin sống sau Papias một ít, khoảng 145 S.C. Trước khi tử vì đạo, ông đã viết một số sách, hiện chỉ có bảy quyển.

Các Tác Phẩm Tổng Quát Của Các Giáo Phụ

Một số tác phẩm khác viết trong thời này cũng đã được biết đến, nhưng quyền tác giả thì không chắc chắn. Những sách này gồm: Thư tín của Banaba, Sự Dạy Dỗ của Mười Hai Sứ Đồ (gọi là Didache) và Người Chăn Chiên của Hermas. Nhiều sách khác đã bị mất.Một sách gọi là Phúc Âm của Chân Lý, viết vào khoảng 140 S.C., đã mất từ lâu, mới tìm ra được gần đây. Nội dung của sách cũng chẳng có giá trị mấy,nhưng đây là một bằng chứng rất tốt về việc sử dụng rất sớm các sách trong Tân Ước .

Những văn phẩm trên trải dài đến năm 145 S.C. tức 50 năm sau khi vị Sứ Đồ cuối cùng qua đời. Những gì còn lại cho đến ngày nay thật là hay và giá trị nó tỏa ra luồng sinh khí của đời sống tín đồ chân thật và cung kính theo Chúa .

Sau năm 170 S.C., các văn phẩm còn lại thì phong phú hơn. Tác phẩm của Ireneaus 170 S.C. có khoảng 250 trang trong bản dịch Anh ngữ. Văn phẩm của ông ta được xem là quan trọng, vì ông là học trò của Polycarp, cho nên có liên hệ mật thiết với Sứ Đồ Giăng .

Cũng trong thời kỳ này, một bản liệt kê rất qúy giá của các sách Tân Ước đã được thực hiện gọi là Mãnh Vụn Muratorian(Muratorian Fragment), mà một phần đã bị mất.

Khoảng 200 S.C. có những tác phẩm viết rất sâu sắc do Tertullian, một người sống ở Bắc Phi, đối ngang Tây Ban Nha, thực hiện. Cũng có Clement ở Alexandria, Ai Cập, viết sách trong thời kỳ này.

Những nhân chứng này đã nói rất nhiều về việc hình thành Tân Ước. Chúng ta cần kết hợp các bằng chứng cổ xưa, ngoài đời cũng như trong Hội Thánh, cùng với những bằng chứng nội tại trong Tân Ước để xác minh tác quyền và sự thành hình của Tân Ước. Sau đây chúng ta tìm trong Tân Ước các bằng chứng nội tại để phối hợp với các bằng chứng của các vị giáo phụ đã được bàn đến ở trên.

Các Tác Phẩm Của Phao-lô

Các tác phẩm của Phao-lô thật là quan trọng, bởi vì các thư tín của ông cho chúng ta biêt chúng được viết khi nào. Mười ba thư tín từ Rô-ma đến Phi-lê-môn, thường bắt đầu với mấy câu giới thiệu về Phao-lô. Hầu hết các thư tín này, ngày nay đều được nhìn nhận là do Phao-lô viết,ngay cả đối với những người có khuynh hướng chỉ trích cũng đồng ý như vậy.

Trong thư Ga-la-ti, Phao-lô nói một ít về cuộc đời mình. Ông đã gặp Phi-e-rơ tại Giê-ru-sa-lem ba năm sau khi ông đầu phục Chúa (Ga-la-ti 1:18). Hơn một năm sau đó, ông trở lại Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba và Tít (2:1).

Những tin tức và các dữ kiện khác trong Cô-rinh-tô và Công Vụ Các Sứ Đồ cho thấy Phao-lô đã trở lại đạo trong mấy năm đầu của tuổi ba mươi và đã gặp Phi-e-rơ tại Giê-ru-sa-lem khỏang 37 hay 38 S.C. Sự làm chứng của Phao-lô về cuộc đời của Chúa Giê-xu Christ như thế đã đưa chúng ta về đến thời kỳ cộng đồng và vị Sứ Đồ đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem. Điều này quan trọng vô cùng, vì nó làm cho lời chứng của Phao-lô về việc Chúa sống lại (1Cô-rinh-tô 15:1-20) trở nên có giá trị. Đọc lời ký thuật này đọc giả cảm thấy như mình đứng bên ngôi mộ trống tại Giê-ru-sa-lem trong vòng khoảng 5 năm sau khi Chúa phục sinh.

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cho biết về ba hành trình truyền giáo của Phao-lô; việc ông ở tù tại Palestine hai năm, rồi ở Rô-ma hai năm nữa. Nhiều dấu hiệu cho thấy rõ ràng là Phao-lô không viết thư tín nào trong chuyến hành trình lần thứ nhất của mình tại Tiểu Á. Trong chuyến hành trình lần thứ nhì, đã đưa ông đến Hy Lạp. Ông ở lại Cô-rinh-tô hai năm và đã viết hai bức thư I và II Tê-sa-lô-ni-ca. Các thư này nên nghiên cứu dưới ánh sáng của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 18. Đây là những thư tín ngắn, gởi đi ngay sau khi Phao-lô nghe tin vui về Hội Thánh mới mở tại Tê-sa-lô-ni-ca. Các thư đó nhấn mạnh về sự cứu rỗi qua Chúa Giê-xu Christ (1Tê-sa-lô-ni-ca 1:9-10) và bày tỏ về thẩm quyền của Sứ Đồ(22:13 2Tê-sa-lô-ni-ca 3:14-17).

Kế đến các thư tín gọi là thư tín chính yếu đã được viết. Ga-la-ti có lẽ đã được viết lúc bắt đầu hành trình truyền giáo thứ ba. Trong chuyến thứ ba này Phao-lô ở Ê-phê-sô khoảng 3 năm và đã viết các thơ Rô-ma, I và II Cô-rinh-tô (xem Sứ Đồ 19). Thơ Rô-ma và Ga-la-ti nên được nghiên cứu chung với nhau vì chúng có bố cục, chủ đề, và lối hành văn tương tự như nhau.

Lúc cuối chuyến hành trình truyền giáo lần III, Phao-lô bị bắt cầm tù ở Giê-ru-sa-lem. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ có một điểm thường gây thắc mắc. Có một vài chỗ, như Công vụ 16:10, tác giả xưng là “chúng tôi” ra đi trong các chuyến hành trình truyền giáo. Có những chỗ khác như 20:13,14, “chúng tôi” lại chỉ về một nhóm giáo sĩ đang tiếp tục hành trình, trong khi Phao-lô lại một mình đi hướng khác. Kết luận là Công Vụ Các Sứ Đồ được chép bởi một người thường đi chung với Phao-lô. Những phần có chữ “chúng tôi” này cho thấy rằng tác giả đi với Phao-lô trong chuyến đi về Giê-ru-sa-lem. Rõ ràng tác giả được tự do tại Palestine trong hai năm Phao-lô ở trong tù. Sau đó, ông ta tháp tùng Phao-lô trong chuyến hải hành bị đắm tàu trên đường đến Rô-ma. Ông được tự do thong thả trong thời gian hai năm mà Phao-lô ngồi tù ở đó. Mãnh vụn Muratorian, Irenaeus và các chứng nhân sớm khác đều cho rằng vị tác giả này là Lu-ca.

Trong khi Phao-lô ngồi tù tại Rô-ma,ông đã viết bốn bức thư rất quan trọng thường được gọi là Các Thư Tín Trong Tù, đó là Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và Phi-lê-môn. Cô-lô-se và Phi-lê-môn có nhiều điểm tương đồng nên nghiên cứu chung với nhau.

Phi-líp 1:12-25 cho thấy Phao-lô trông mong được đem ra xét xử và sẽ được trả tự do. Hiển nhiên là việc này đã xảy ra, vì lúc ra đi ông có để quên áo choàng và sách vở tại Trô-ách (2Ti-mô-thê 4:13). Trong thời gian này viết các Thư Tín Mục Vụ: Tít, I và II Ti-mô-thê. Ti-mô-thê và Tít khá giống nhau và giúp giải thích lẫn nhau. Mỗi thư đều cho chi tiết về việc tổ chức các Hội Thánh và phẩm cách các vị lãnh đạo Hội Thánh.

II Ti-mô-thê là thư cuối của Phao-lô.Ông bị bắt lại và bị hành quyết (4:7,8). Clement ở Rô-ma năm 95 S.C. đã nói rằng Phao-lô đã giảng đến “tận cùng của phương Tây”, thỏa mãn ước mơ được thăm Tây Ban Nha (Rô-ma 15:24), sau lần bị cầm tù thứ nhất tại Rô-ma.

Các thư tín của Phao-lô được dùng bởi tác giả trước năm 120 S.C., ba mươi năm sau khi ông chết. Một số tác giả đề cập thẳng đến tên của Phao-lô. như Clement viết cho người Cô-rinh-tô năm 95 S.C.có nói rõ là Phao-lô đã viết thư cho họ. Ignatius năm 117 S.C. viết cho người Ê-phê-sô cũng đề cập đến các thư tín của Phao-lô gởi cho họ, cũng như các thư tín khác của Phao-lô nữa. Polycarp viết cho người Phi-líp năm 118 S.C. có nhắc đến thư Phao-lô viết cho họ và trích dẫn từ sáu thư tín của Phao-lô.

BẢNG LIỆT KÊ CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAO-LÔ

Hành trình Tác phẩm

Hành trình truyền giáo lần I (cõi Tiểu Á)Không viết thư nào

Hành trình truyền giáo lần III Tê-sa-lô-ni-ca

(Qua Tiểu Á, Hy Lạp và hai năm tại Cô-rinh-tô)II Tê-sa-lô-ni-ca

Hành trình truyền giáo lần III Rô-ma,I, II Cô-rinh-tô

(Giống như lần hai, và 3 năm tại Ê-phê-sô) Ga-la-ti (hay sớm hơn)

Ở tù tại Palestine 2 năm. Không thư nào

Ở tù lần I tại Rô-ma, 2 năm Các thư tín trong tù: Ê-phê-sô,

Phi-líp, Cô-lô-se, Phi-lê-môn

Thời kỳ tự do. Đi Trô-ách và có lẽ Tây Ban Nha (?) I Ti-mô-thê, Tít,

Hê-bê-rơ (?)

Ở tù lần II tại Rô-ma và tuận đạo II Ti-mô-thê

Sách Tin Lành Lu-ca

Lu-ca rất thân cận với Phao-lô. Công vụ 1:1 cho thấy sách Công Vụ Các Sứ Đồ là tác phẩm thứ nhì của tác giả gởi cho Thê-ô-phi-lơ. Lu-ca 1:1-13, cho thấy đó là tác phẩm thứ nhất của tác giả. Tân Ước không nói rõ ràng Lu-ca là tác giả của sách Lu-ca và Công Vụ Sứ Đồ nhưng cho thấy rất rõ là một bạn đồng hành của Phao-lô đã viết các sách này.

Sách Phúc Âm Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ được dùng bởi Ignatius và Polycarp. Justin Martyr trích từ ba sách đầu của Phúc Âm và có cũng có trích dẫn từ sách Giăng và gọi chúng là “Những Hồi Ký Của Các Sứ Đồ” ông mô tả một buổi thờ phượng ngày Chúa Nhật mà trong đó “Những Hồi Ký Của Các Sứ Đồ” hay các tác phẩm của Các Tiên Tri được đọc trước khi giảng. Ông ta có nói đến các sách Phúc Âm như là “những kỷ niệm mà tôi cho là đã được các Sứ Đồ và những người theo họ kể lại”. Trong lời trích dẫn này ông cho rằng sách Lu-ca và Mác không được viết trực tiếp từ các Sứ Đồ, mặc dù những chỗ khác ông gọi chúng là công việc của các Sứ Đồ.

Đến năm 170 S.C. Mãnh vụn Muratorian và Irenaeus đã giải thích rằng Lu-ca viết sách Phúc Âm, nhưng viết với sự cộng tác của Phao-lô. Tertullian, khoảng 200 S.C., cho rằng Lu-ca viết dưới sự hướng dẫn của Phao-lô, thậm chí ông còn cho rằng sách đó có thể được xếp vào hàng các tác phẩm của Phao-lô. Các dữ kiện dường như cũng phù hợp với ý này.Trong 1Ti-mô-thê 5:18, Phao-lô trích Phục Truyền và Lu-ca 10:7 về việc phụ cấp cho người hầu việc Chúa. Trong 1Cô-rinh-tô 9:7-18, ông cũng đề cập đến vấn đề đó trích dẫn khá kỹ trong Cựu Ước nhưng chẳng nói gì đến sách Lu-ca. Bản liệt kê các tác phẩm của Phao-lô dưới đây sẽ chỉ rõ rằng trong thời gian giữa I Cô-rinh-tô và I Ti-mô-thê thì Phao-lô bị cầm tù tại Palestine, trong khi đó Lu-ca được tự do.Các lí do này, và những bằng chứng dẫn tới dự đoán là Lu-ca đã thu thập tài liệu và viết sách Phúc Âm thứ ba lúc đó. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng đã được viết chẳng bao lâu sau đó, có lẽ trong lúc Phao-lô bị cầm tù tại Rô-ma. Cả hai sách có thể đều được viết bởi Lu-ca, như một đệ tử của Phao-lô.

Thơ Hê-bê-rơ

Phải chăng Phao-lô viết thư Hê-bê-rơ?Khi nào? Như thế nào? Các học giả không đồng ý với nhau về vấn đề này. Có người tin rằng thư này được viết bởi một cộng sự viên của Phao-lô, dưới sự hướng dẫn của ông, giống như Lu-ca viết Phúc Âm của Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ vậy.

Thơ Hê-bơ-rơ được biết đến và được dùng sớm nhất, từ thời Clement ở Rô-ma, năm 95 S.C. Đầu tiên, thư này được chấp nhận cách rộng rãi, rồi bị ở Phương Tây đặt nghi vấn, nhưng cuối cùng đươc toàn thể Hội Thánh chấp nhận. Ít có ai thắc mắc về vấn đề kinh điển của thư này. Nan đề chính là vấn đề mù mờ về tác giả. Nơi nào người ta nghĩ đó là do Phao-lô viết,thì nơi đó thư này được chấp nhận không chút nghi nan. Ở Ai Cập, truyền thống về Phao-lô là tác giả có từ thời Clement ở Alexandra (200 S.C.), và trước ông ta nữa,thời Pantaenus. Tương tự Polycarp, Pantaenus rất cao tuổi và có liên hệ với Hội Thánh tại Alexandra từ thời còn trẻ. Các dữ kiện dường như khá phù hợp với nhau khi thư này được chấp nhận như là một trong những thơ tín của Phao-lô, nhưng có lẽ do Lu-ca, Ba-na-ba hay do một người nào đó viết hay dịch. Rõ ràng là Phao-lô cũng có dùng thư ký như Rô-ma 16:22 cho thấy. Dù sao, thư Hê-bơ-rơ có lẽ đã được viết trong khoảng cuối cuộc đời của Phao-lô.

Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ

Sách Phúc Âm Ma-thi-ơ là sách mà chúng ta có bằng chứng được đề cập đến sớm nhất. Sách được dùng bởi các vị Clement,Ignatius, Polycarp và một số khác nữa. Ba-na-ba trích nó với câu mở đầu, “Có lời chép rằng...” Thời xưa sách này chưa từng bị tra vấn. Papias nghĩ rằng sách Ma-thi-ơ đã được viết bằng tiếng Aramaic đã thất lạc rồi. Có thể thánh Ma-thi-ơ đã cho xuất bản nó trong cả tiếng Aramaic và Hy Lạp. Điều này thường thấy xảy ra vì hai ngôn ngữ đang được sử dụng tại Palestine lúc đó. Nhưng một điều hiển nhiên là sách Phúc Âm Ma-thi-ơ được viết với chủ ý là viết cho người Giu-đa, là thành phần đông đảo của Hội Thánh đầu tiên.

Sách Phúc Âm Mác

Mác viết sách Phúc Âm thứ nhì, theo Papias, là người phụ tá của Phi-e-rơ, hay là thông dịch viên của Phi-e-rơ tại Rô-ma. Justin Martyr đã dùng sách Mác. Irenaenus và Clement ở Alexandria đều đồng ý Mác là chính tác giả. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc không biết Mác viết lúc Phi-e-rơ còn sống hay không. Papias và Clement đều tin là Mác viết dưới sự hướng dẫn của Phi-e-rơ. Đây là quan điểm đơn giản nhất, bởi vì Justin có kể Mác trong Những Hồi Ký của Các Sứ Đồ. Việc sử dụng sách Mác bởi các giáo phụ đầu tiên hơi khó truy tầm bởi vì hơn 9/10 sách Mác đều tìm thấy trong Ma-thi-ơ hay Lu-ca. Tuy nhiên, lời chứng của Papias rất tích cực và rất sớm. Rõ ràng là sách Mác được viết được viết cho người ngoại bang, có lẽ cho người Rô-ma là những người Phi-e-rơ đang phục vụ.

Các Tác Phẩm Của Giăng

Các Tác Phẩm Của Giăng bao gồm gần hết các sách còn lại trong Tân Ước. Giăng, đã dọn về Ê-phê-sô và sống rất lâu.Polycarp biết ông ta ở đó. Đảo Bát-mô, nơi Giăng bị lưu đày cũng gần Ê-phê-sô.Irenaeus, môn đệ của Polycarp, cho rằng Giăng sống đến thời Trajan (98 - 117 S.C.). Các tín hữu thường quí mến các tác phẩm của Giăng bởi vì nó biểu lộ một sự hiểu biết gần gũi dịu dàng của Chúa Cứu Thế. Các tác phẩm này đều tự cho thấy là đã được viết bởi Giăng, vị Sứ Đồ được Chúa yêu.

Sự tương đồng trong cách hành văn cũng làm vững mạnh lời xác chứng của từng sách. Cả Clement ở Rô-ma và Ignatius đều đề cập đến sách Phúc Âm Giăng. Polycarp có lẽ đã biết Phúc Âm Giăng, I Giăng và Khải Huyền. Justin làm chứng về Phúc Âm Giăng và Khải Huyền. Mãnh vụn Muratorian có trích dẫn rõ tên sách Phúc Âm Giăng, Khải Huyền và hai thư tín nữa,có lẽ II Giăng và III Giăng. Nó cũng trích dẫn 1Giăng 1:1. Các lời chứng như vậy cũng khá đủ.

Mới đây còn thêm một bằng chứng nữa. Một mãnh nhỏ giấy chỉ thảo (papyrus) được khám phá tại Ai Cập năm 1917. Các chuyên gia về kiểu chữ viết tay đã cho niên hiệu của mảnh “giấy chỉ thảo Ryland” này vào khoảng 125 S.C., tức chỉ 30 năm sau Giăng qua đời. Mãnh giấy nhỏ này chứa đựng 5 câu trong Giăng 18. Có lẽ Justin hay Polycarp đã thấy sách Phúc Âm này khi họ còn sống.

Năm 1057 một tập giấy chỉ thảo về sách Phúc Âm đã được xuất bản. Tập “Giấy chỉ thảo Bodmer II” này được định niên hiệu khoảng 200S.C. và nó chứa gần hết sách Phúc Âm Giăng. Đây là một tập sách, chứ không phải là một cuộn giấy, chỉ có vài trang bị mất mà thôi. Đây là bản văn Tân Ước sớm nhất chứa đựng một phần lớn Tân Ước được biết hiện nay.

Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giu-đe

Các thư tín nhỏ hơn của Phi-e-rơ,Gia-cơ và Giu-đe chỉ có một ít nhân chứng về tính cách cổ xưa của chúng mà thôi, nhưng các lời chứng rất đáng tin cậy. Clement có ám chỉ đến sách Gia-cơ.Polycarp cũng ám chỉ đến I và II Phi-e-rơ. Papias thì nói đến I Phi-e-rơ. Mảnh vụn Muratorian đề cập đến Giu-đe. II Phi-e-rơ có nội chứng rất mạnh làm hậu thuẫn;nó xác định rằng đây là thư thứ nhì của Phi-e-rơ, sứ đồ (2Phi-e-rơ 1:1 3:1-2). Thật thích thú khi thấy Giu-đe(c.18) trích từ thư của Phi-e-rơ và gọi đó là công việc của một Sứ Đồ (3:3). Một bản giấy chỉ thảo Bodmer (VII-IX) vừa mới đây có chứa I và II Phi-e-rơ và Giu-đe, được định là có trước 300 S.C.

Có khá nhiều sự thảo luận sôi nổi về việc xác định Gia-cơ và Giu-đe là hai anh em ruột với nhau (Giu-đe 1:1). Trong vòng mười hai Sứ Đồ có anh em Gia-cơ và Giu-đe (Lu-ca 6:16), và cũng có anh em Gia-cơ và Giu-đe là em cùng mẹ với Chúa (Ma-thi-ơ 13:55). Một vài học giả lại cho rằng hai anh em này là hai anh em bà con với Chúa và cũng là Gia-cơ và Giu-đe của mười hai Sứ Đồ. Khó có thể biết được là cặp nào đã viết thư tín này.

Thời điểm viết các thơ tín nhỏ này cũng chẳng biết được. Những thư tín này là tất cả những sách khác của Tân Ước đều được viết bởi các Sứ Đồ hay những người cộng sự của họ “dưới sự linh cảm của Đức Thánh Linh”, giống như Clement ở Rô-ma đã nói về thư của Phao-lô gởi cho người Cô-rinh-tô. Chúng ta nên nghiên cứu thêm về thời kì, tác giả, và các hoàn cảnh liên hệ đến các thư này để thấy đây là Lời Đức Chúa Trời được linh cảm, do các Sứ Đồ viết và chân xác.

Chẳng có sách nào khác được khảo sát rộng rãi như vậy. Cũng chẳng có bằng chứng tích cực về các sách nào khác được viết bởi các Sứ Đồ. Các giáo phụ đều đồng ý rằng có một số Thứ kinh cũng đã được lưu hành (2Tê-sa-lô-ni-ca 2:2 và 3:1-17). Nhưng chẳng bao lâu chúng đều bị nhận ra là ngụy tạo.Mặc dù Chúa Giê-xu Christ không viết các sách của Tân Ước, nhưng Ngài có bổ nhiệm 12 vị Sứ Đồ, rồi thêm vào Phao-lô, để làm nền tảng của Hội Thánh. Những người này được bổ nhiệm một cách thiêng thượng, được ban quyền năng thiên thượng của Đức Thánh Linh để viết về Giao Ước Mới của Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa Cứu Thế của chúng ta. vCơ Đốc Nhân tin Kinh Thánh và vui mừng trong lời của Đức Chúa Trời.

Ngữ Vựng

  • Mảnh vụn Muratorian, Didache

Sách Tham Khảo

  • Harris, R. Laird. Inspiration and Canonicity of the Bible”. Revised edition. Grand Rapids: Zondervan Pub.House, 1969. Chapters 9-12.
  • Roberts, Alexander, and Donaldson,Jame, eds. The Ante-Nicene Fathers. 10 vol. Reprint. Grand Rapids: Wm.B. Eerdmans Pub. Co.., 1953. Vol 1 and 2.
  • Scroggie, W. Graham. A Guide to the Gospels. Old Tappan, NJ: Fleming H. Revell Co., 1948.
  • Tennery, Merrill C. New Testament Survey. Revised edtion. Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Pub. Cô-lô-se 1961.
  • Thiessen, Henry C. Introduction to the New Testament. Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Pub. Co.,1971."