Chương 3 - TẠI SAO CƠ ĐỐC NHÂN TIN KINH THÁNH TÂN ƯỚC?
"Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn" (2Ti-mô-thê 3:16)
Những người tin Cựu Ước thường không gặp khó khăn mấy trong vấn đề tin Tân Ước. Đây là lẽ tự nhiên. Tân Ước nói về chuyện tích Phúc Am của Chúa Giê-xu Christ và lịch sử của việc thành lập và bành trướng Hội Thánh đầu tiên một cách chi tiết. Vì Tân Ước được viết sau Cựu Ước nên có rất nhiều bằng chứng từ những người đồng thời với các tác giả Tân Ước hoặc đồng thời với những đệ tử thân cận của tác giả ấy.
Bất cứ người nào được Đức Thánh Linh mở mắt để thấy chân lý trong Cựu Ước cũng sẵn sàng chấp nhận Tân Ước. Tuy nhiên, sự bày tỏ đức tin chúng ta cách minh bạch về những vấn đề này và nghiên cứu kỹ càng về những bằng chứng của Tân Ước là việc rất quan trọng. Hơn nữa, có kiến thức về Tân Ước và nguồn gốc của nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu nguồn gốc Cựu Ước.
Trong trường hợp của Cựu Ước, người ta có phải dùng những lời trích dẫn của Chúa Giê-xu Christ để minh chứng rằng toàn bộ Cựu Ước là trọn vẹn và hoàn toàn. Nhưng đối với Tân Ước thì không thể làm thế được, bởi toàn bộ Tân Ước được viết sau khi Chúa Giê-xu đã về trời. Như vậy chúng ta phải thiết lập những nguyên tắc cho đức tin chúng ta về Tân Ước dựa vào những điều Đức Chúa Giê-xu đã phán dạy trước đó, và từ những gì các vị Sứ Đồ đã ghi lại về sự dạy dỗ của Ngài.
Các Sứ Đồ Chứng Nhận
Lời tuyên bố của các vị Sứ Đồ về việc này rất tỏ tường. Một số người có đầu óc hoài nghi đã phỏng định rằng các vị Sứ Đồ chẳng hề hay biết gì về những điều họ viết sẽ được chấp nhận, sưu tập, và bảo vệ như là lời Đức Chúa Trời. Trong trí của những người hoài nghi thì Thánh Phao-lô viết thư như thể chúng ta viết thư ngày nay và chỉ sau này các thư đó mới được kính trọng rồi được sưu tập lại. Quan điểm này phủ nhận những ân tứ đặc biệt Đức Thánh Linh ban cho các Sứ Đồ, nó phủ nhận rằng các văn kiện này được linh cảm bởi Đức Chúa Trời. Sự hoài nghi như thế đối nghịch với sự xác nhận thường xuyên của các Sứ Đồ rằng họ viết với chủ ý là độc giả sẽ tin và vâng theo. Sau cùng, sự hoài nghi này mâu thuẫn với sự kiện lịch sử hiển nhiên rằng các sách này chấp nhận và sưu tập không phải hàng trăm năm sau, mà ngay trong thời các Sứ Đồ còn sống.
Thật cần thiết phải khảo sát tường tận những lời tuyên bố của các vị Sứ Đồ. Những lời tuyên bố này thường được nhắc đến một cách nỗi bật khi có liên quan đến việc một số Hội Thánh không chịu vâng lời, nổi lên chống lại các vị giáo sư. Việc này rất phổ thông thời đó, đặc biệt là tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Thánh Phao-lô đã xác nhận gì về thẩm quyền của mình, đặc biệt đối với người Cô-rinh-tô ?
Phao-lô
Ngắn gọn, nhưng hùng hồn, Thánh Phao-lô đã tuyên bố rằng Ông nói và viết lời Đức Chúa Trời. Thơ ICô-rinh-tô được viết cho một Hội Thánh chia rẽ, tội lỗi và phản loạn. Một số tín hữu đã tự cho mình có các ơn tứ thuộc linh nhưng không biểu một thái độ thuộc linh. Từ đoạn 12 đến 14, Thánh Phao-lô cho họ lời chỉ dẫn cách sử dụng những ơn tứ thộc linh. Phao-lô chấm dứt với một lời nhắc nhở khá sắc bén: "Có phải là đạo Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng? Nếu ai tưởng mình là tiên tri, hay là được Đức Thánh Linh soi sáng, thì người ấy hãy biết rằng đều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa" (1Cô-rinh-tô 14:36-37). Ở đây Thánh Phao-lô đã xác nhận rõ ràng rằng Đức Chúa Trời đã ban quyền năng trên các thư tín của ông.
Trong 1Tê-sa-lô-ni-ca 2:13, bức thư tín đầu tiên mà Thánh Phao-lô đã viết ông cũng nói như vậy. Ông khen ngợi các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca vì cớ họ trung tín, và tuyên bố rằng họ đã nhận lời giáo huấn của ông như là lời của Đức Chúa Trời, chứ không phải của loài người. Chẳng bao lâu sau, ông viết thơ II Tê-sa-lô-ni-ca, vì họ hiểu lầm về sự tái lâm. Trong thơ này, ông nói rất mạnh mẽ: "Ví bằng có ai không tuân theo lời chúng tôi nói trong thư này, thì hãy ghi lấy, chớ giao thông với họ, hầu cho họ nhơn đó biết xấu hổ". (2Tê-sa-lô-ni-ca 3:14). Phao-lô đã gởi đến các Hội Thánh Lời Đức Chúa Trời, và kỳ vọng họ tin và vâng lời như thế. Có một chỗ khác trong ICô-rinh-tô đoạn 2 Phao-lô cũng có những lời mạnh mẽ tương tự. Trong phần binh vực về chức vụ mình, Phao-lô đã tuyên bố rằng ông nói bởi "sự bày tỏ của Đức Thánh Linh" (c.4), giảng "sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời" (c.7), như đã được tỏ ra cho ông "bởi Đức Thánh Linh "(c.10). Ông biết những điều thuộc về Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho mình (c.12), và ông dạy những điều đó không phải bằng lời của loài người, nhưng bằng lời Đức Thánh Linh đã dạy ông.
Rất dễ để bỏ sót điểm này: có những chỗ thánh Phao-lô dùng đại danh từ "chúng tôi". Chữ này có lẽ ám chỉ Phao-lô và các vị Sứ Đồ khác như nói trong 1Cô-rinh-tô 4:9. Cũng có thể đây là cách nói lịch sự mà Thánh Phao-lô đã dùng chữ "tôi" và "chúng tôi" lẫn lộn rất tự nhiên.
Phi-e-rơ
Phi-e-rơ cũng tin rằng ông ta viết dưới sự linh cảm của Đức Chúa Trời. Trong thơ II Phi-e-rơ, là bức thư cuối cùng, ông nhấn mạnh tính chất đáng tin cậy của Cựu Ước. Ông cũng xác nhận ơn linh cảm ban cho Sứ Đồ ngang hàng với ơn linh cảm đã ban cho các tác giả của Cựu Ước: "...hầu cho ghi lấy lời nói trước của các Thánh Tiên tri, cùng mạng lịnh của Chúa và Chúa Cứu Thế của chúng ta, đã cậy các Sứ Đồ của anh em mà truyền lại" (2Phi-e-rơ 3:2). Những lời tuyên xưng này xác quyết Kinh Thánh cần phải được tiếp nhận và tin cậy.
Phi-e-rơ Chấp Thuận Phao-lô
Trực tiếp hơn nữa là lời đề cập của Phi-e-rơ về Phao-lô, "Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình và viết thơ cho anh em vậy . Ay là điều người đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẽ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình" (3:15-16). Ở đây Phi-e-rơ xác định rằng Phao-lô viết Kinh Thánh, và cũng như Cựu Ước lời Phao-lô viết có thể bị bóp méo, chỉ làm nguy hại độc giả. Ông ta đề cập rõ ràng đến các "thơ tín" của Phao-lô.
Phân đoạn đáng chú ý này mà trong đó Phi-e-rơ đề cập đến các thơ tín của Phao-lô này, có thể là phân đoạn đầu tiên áp dụng danh từ "Kinh Thánh" cho các tác phẩm trong Tân Ước. Một chỗ khác có lẽ cũng đã nói một cách tương tự là trong 1Ti-mô-thê 5:18, "Vì Kinh Thánh chép rằng: ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa ; và người làm công thì đáng được tiền công mình ". Câu Kinh Thánh này gồm có hai phần. Phần thứ nhất trích từ Phục truyền 25:4, phần thứ nhì thì giống y như trong Lu-ca 10:7 (trong nguyên văn Hy Lạp). Dường như là điều rất tự nhiên để tin rằng ở đây Phao-lô trích dẫn cả Cựu Ước và sách Phúc Am thứ ba và gọi cả hai là "Kinh Thánh".
Đoạn thứ ba cũng trong chiều hướng này là Giu-đe 1:17,18. Ơ đây Giu-đe nhắc phải nhớ những lời mà "các Sứ Đồ Đức Chúa Giê-xu đã nói." Giu-đe đã trích dẫn gần như y hệt 2Phi-e-rơ 3:3. Câu trích dẫn này ủng hộ thẩm quyền Sứ Đồ của tác giả và ngày trước tác sớm của thơ II Phi-e-rơ, và cũng bày tỏ sự kính trọng dành cho các vị Sứ Đồ trong những ngày đầu tiên.
Giăng
Nhân chứng sau cùng là Sứ Đồ Giăng. Khi ký thuật truyện tích Phúc Am, Giăng đã xác nhận rõ ràng ông là môn đồ được Chúa yêu, là người đã dựa vào ngực Chúa trong bữa tiệc cuối cùng. Giăng đã xác quyết những gì ông viết và làm chứng là xác thật (Giang 21:20-24).
Cũng trong thư thứ nhất của ông, Giăng đã trình bày cách chi tiết rằng ông là người đã thấy tận mắt và là người viết sứ điệp nghe từ Đức Chúa Trời (1Giang 1:1-5). Ông cảnh cáo rằng các tiên tri giả đầy dẫy khắp nơi và khuyên giục các tín hữu hãy sử dụng khả năng phân biệt (4:1). Ông không ngần ngại viết "Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời ; ai nhìn biết Đức Chúa Trời thì nghe chúng ta, còn ai chẳng hề thuộc về Đức Chúa Trời, thì chẳng nghe chúng ta" (4:6). Sách bình giải của học giả Meyer về phân đoạn này cho rằng Kinh Thánh đó dạy rằng Giăng và các vị Sứ Đồ khác đều nói bởi Đức Chúa Trời .
Lời Chứng Trong Sách Khải Huyền
Có lẽ lời xác nhận mạnh mẽ nhất về Kinh Thánh Tân Ước là lời chứng của Giăng trong sách Khải Huyền. Sách Khải Huyền gọi là "sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Giăng", cũng có lời chào thăm (Khai 1:4, 5) như các tác phẩm của Phao-lô. Sách này bảo đảm chắc chắn phước hạnh cho những ai đọc, nghe, và vâng theo (1:3). Sách cũng công bố lời rủa sả ghê sợ cho bất cứ ai dám "thêm vào" hay "bớt đi những điều đã chép trong sách tiên tri này" (22:18, 19). Lý do đã được thiên sứ công bố "những lời này là trung tín và chân thật, Chúa là Đức Chúa Trời của các vị tiên tri thánh đã sai thiên sứ mình đặng tỏ cùng các tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy ra ...Phước thay cho kẻ nào giữ những lời tiên tri trong sách này" (22:6, 7). Sau đó (c.10), sách này được ban lệnh đừng niêm phong lại. Để ý sự tương phản chỗ này với Đa-ni-ên 12:9, ở đó khải tượng phải "đóng lại và niêm phong cho tới kỳ cuối cùng ". Sách Khải Huyền được liệt kê ngang hàng với Cựu Ước. Đây là quan điểm của vị Sứ Đồ. Đây cũng phải là thái độ của chúng ta đối với toàn bộ Tân Ước vậy.
Chức Vụ Sứ Đồ
Tại sao các Sứ Đồ nói như thế về tác phẩm của họ? Câu trả lời có thể tìm nơi sự đích thân bổ nhiệm 12 sứ đồ của Chúa, và việc chính Chúa hứa họ sẽ nhận lãnh Đức Thánh Linh để thực hiện công tác đặc biệt làm người dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời.
Hãy xem vẻ cao quí của chức vụ Sứ Đồ. Chính Đức Chúa Giê-xu đã chọn 12 vị sau một đêm cầu nguyện (Lu-ca 6:12, 13). Sau đó Ngài còn hứa rằng họ sẽ "ngồi trên 12 ngôi đoán sét 12 chi phái của Y-sơ-ra-ên" (Ma-thi-ơ 19:28). Tên của họ sẽ được khắc vào 12 tảng đá móng của thành Giê-ru-sa-lem Mới (Khai 21:14). Hội Thánh được "xây trên nền các xứ đồ và các tiên tri, chính Đức Chúa Giê-xu là đá góc nhà" (Ê-phê-sô 2:20). Các vị Sứ Đồ là các vị đầu tiên trong Hội Thánh (1Cô-rinh-tô 12:28). Các Sứ Đồ là những nhân chứng của việc Chúa phục sinh (Công vụ 1:22). Chúa Giê-xu hứa là Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ cho họ Lời Đức Chúa Trời.
Trong sự ký thuật của Giăng về bữa tiệc cuối cùng và các biến cố kế tiếp, nhiều lời hứa quí báu đã được truyền ban (Giang 13:1-16:33). Trong vài trường hợp, các vị Sứ Đồ được phân biệt hẳn khỏi những con cái Chúa sau này. Trong 17:12-20, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện, "Ay, chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa" (17:20). 14:26 và 16:13 cũng nói rõ ràng như vậy. Trước đó (14:26), Đức Thánh Linh đã được hứa ban cho các Sứ Đồ. Dù Ngài sẽ đến với mọi tín đồ, câu này đặc biệt hứa rằng Ngài sẽ đến với các Sứ Đồ để họ có thể nhớ lại những lời mà Đức Chúa Giê-xu đã nói cùng họ.
Có thể các Sứ Đồ đã ghi chú một ít về sứ điệp của Đức Chúa Giê-xu. Một phương pháp viết tắt cũng đã được dùng thời đó rồi và có thể lắm các sứ dồ đã dùng phương pháp đó. Mặc dù không biết có đúng như thế hay không, Đức Thánh Linh cũng đã được hứa đặc biệt để giúp họ nhớ lại câu chuyện Phúc Am. Ngài sẽ hướng dẫn họ vào mọi lẽ thật (16:13). Một số tín đồ đã không ngần ngại cho rằng đây là lời hứa cho Hội Thánh chung. Nhưng văn mạch (context) rõ ràng đã giới hạn lời hứa này vào việc linh cảm và mặc khải của Đức Thánh Linh cho các Sứ Đồ mà thôi. Ngài đã được hứa để "tỏ bày cho các người những việc sẽ đến ". Đây không phải là sự soi sáng phổ thông của Đức Thánh Linh cho tất cả tín đồ, mà là lời hứa đặc biệt cho 12 vị Sứ Đồ mà thôi.
Bằng chứng về tính cách chân thật của Tân Ước thật là nhiều! Chúng ta không hết kinh ngạc về cách Tân Ước đã được viết. Đức Chúa Trời là Đấng đã phán bởi các vị tiên tri đã sai Con Ngài ban sự cứu rỗi cho chúng ta. sau khi Đức Chúa Giê-xu thăng thiên, Hội Thánh thời Tân Ước đã được thành lập cách lạ lùng trong ngày lễ Ngũ Tuần. Những vị sáng lập viên và những nhà lãnh đạo lại là những người mà chính Chúa Giê-xu đã chọn. Họ là những vị Sứ Đồ. Họ tuyên xưng là đã nói và viết Lời Đức Chúa Trời như các vị tiên tri Cựu Ước. Họ gọi các tác phẩm của nhau là "Kinh Thánh". Họ đòi hỏi rằng những tác phẩm này được đọc và làm theo. Họ phát ngôn trong thần danh của Chua Giê-xu và dạy dỗ với thẩm quyền của Ngài.
Theo lịch sử, tất cả các cơ cấu của Hội Thánh đã tin nhận rằng những lời của các vị Sứ Đồ và các vị phụ tá của họ (Mác và Lu-ca) đều phải được tiếp nhận như là lời của Đức Chúa Trời đã phán bảo. Vì thế chúng ta thấy không có gì sai sau khi tuyên bố rằng Tân Ước, cũng như Cựu Ước đã được viết bởi những Thánh Nhân của Đức Chúa Trời khi họ được linh cảm bởi Đức Thánh Linh.
Các Giáo Phụ Hội Thánh Đầu Tiên Làm Chứng
Các giáo phụ của Hội Thánh đầu tiên là những vị đã viết liền sau thời kỳ Sứ Đồ đã tỏ ra tôn kính chức vụ Sứ Đồ.
Clement, Giám Mục Ở Rô-ma
Clement, một vị giám mục của Hội Thánh tại Rô-ma, viết một thư cho các tin hữu tại Cô-rinh-tô năm 95 S.C. trong đó ông đề cập đến "các vị Sứ Đồ danh tiếng" là Phi-e-rơ và Phao-lô. Ông nói rằng các Sứ Đồ đã giảng Phúc Âm của Chúa Giê-xu được xác định trong Lời Đức Chúa Trời sự bảo đảm của Đức Thánh Linh. Ông biện luận rằng các vị đó đã hòan toàn biết trước về các công việc của Hội Thánh. Cuối cùng, ông nói "Vị Sứ Đồ phước hạnh Phao-lô" đã viết cho tín hữu Cô-rinh-tô "dưới sự linh cảm của Đức Thánh Linh về vấn đề chia phe phái của họ liên quan đến các vị Sứ Đồ (Phi-e-rơ và Phao-lô) và "một người mà họ đã chấp nhận" (A-bô-lô). Rõ ràng Clement tôn kính các vị Sứ Đồ và tin những tác phẩm của họ.
Ignatius Ở An-ti- ốt
Ignatius cũng sống đồng thời vơi Clement. Ông là giám mục của Hội Thánh tại An-ti-ốt và đã tuận đạo năm 107 hay 117 S.C. Trên đường đến Rô-ma để thọ hình, ông đã viết bảy bức thư ngắn gởi cho các Hội Thánh và một vài cá nhân. Nhiều lần ông đối chiếu mình với các vị Sứ Đồ và ca tụng các vị Sứ Đồ rất cao. Chẳng hạn, trong bức thư cho người Ê-phê-sô, ông đề cập đến Phao-lô là người Thánh, người tuận đạo, người đáng được hạnh phúc nhất," là người đã viết cho họ một thư tín. Đối với người Rô-ma ông viết, "Tôi không phải như người Phi-e-rơ và Phao-lô dám ban lệnh cho anh em. Họ là những vị Sứ Đồ, còn tôi chỉ là người bị định tội."
Polycarp
Polycarp cũng là một người tuận đạo nổi danh, là người đã dâng cuộc đời mình cho Chúa cho đến tuổi già. Ông đã qua đời vào khoảng 155 S.C., làm môn đệ Chúa 86 năm (theo thư ông nói). Lúc còn niên thiếu, ông đã biết Sứ Đồ Giăng. Ignatius đã viết một thư cho Polycarp. Polycarp cũng viết một thư cho người Phi-líp, vào khoảng 118 S.C. có trích dẫn khoảng một nửa trong Tân Ước. Ông đề cập đến các vị Sứ Đồ song song với các vị tiên tri Cựu Ước. Ông tuyên bố rằng ông không thể "đạt đến sự khôn ngoan của người có phước và vinh hiễn như Phao-lô được", là người đã viết cho họ một bức thư. Ông có đề cập đến sự tuận đạo của Ignatius, nhưng khi nói đến Sứ Đồ thì ông chỉ dành riêng cho Phao-lô và những người như Phao-lô mà thôi.
Các Vị Giáo Phụ Khác Của Hội Thánh
Những tác giả khác như Papias, Irenaeus, và Tertullian, đã cho nhiều lời dẫn chứng tương tự để cho chúng ta có nhiều lời chứng từ thế hệ kế tiếp các Sứ Đồ.
BIÊN NIÊN SỬ CỦA MÔT VÀI GIÁO PHỤ VÀ CÁC TÁC PHẨM CỦA HỌ | |
95 S.C. | Clement ở Rô-ma |
117 | Ignatius |
117 | Thư của Polycarp |
130 | Thư tín của Barnabas |
145 | Papias |
145 | Justin Martyr, Barnabas, Hermas |
160 | Thư tín của Hermas |
160 | Sách Giáo Huấn (The Didache) |
170 | Irenaeus, Muratorian Fragment |
200 | Tertullian, Clement ở Alexandria |
Ngữ Vựng
- Sứ Đồ (Apostles); Các giáo phụ Hội Thánh đầu tiên (Church Fathers); Ignatius; Clement; Polycarp.
Sách Tham Khảo
- Geisler, Norman L., and Nix, William E. From God to Us: How We Got Our Bible . Chicago: Moody Press, 1974.
- Guthrie, Donald. "Canon of the New Testament." In Vol. 1 of the Zondervan Pictoral Encyclopedia of the Bible . 5 vols. Edited by Merrill C. Tenney. Grand Rapids: Zondervan Pub. House 1975.
- Harris, R. Laird. Inspiration and Canonicity of the Bible . Revised editon. Grand Rapids: Zondervan Pub. House,1969.