Tìm kiếm

Thánh Kinh Nhập Môn

Chương 1 - MẶC KHẢI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Lời Giới Thiệu

Tài liệu học nầy do Tiến sĩ R. Laird Harris biên soạn cho hội Evangelical Teacher Training Association. Viện Thần Học Việt nam được phép sử dụng làm tài liệu cho môn học Thánh Kinh Nhập Môn (Introduction to the Bible) nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi Lời Chúa của các tín hữu.
Tài liệu gồm có 10 chương, nhằm mục đích cho biết vắn tắt về sự hình thành Kinh Thánh, sự bảo tồn Kinh Thánh, giá trị của Kinh Thánh, lý do tại sao chúng ta tin Kinh Thánh, v.v...


Để giúp cho các con cái Chúa dễ dàng trong việc nghiên cứu, phần sau tập sách có phần Hướng Dẫn Học Tập - gồm những câu hỏi suy luận. Bạn có thể trả lời những câu hỏi này dựa trên Kinh Thánh, tài liệu nghiên cứu này và những sách tham khảo khác, đồng thời đưa ra nhận nhận định riêng của bạn.
Chúng tôi ước mong tập tài liệu này sẽ khích lệ và hướng dẫn bạn trong việc học hỏi Lời Chúa.

Viện Thần Học Việt Nam


MẶC KHẢI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Sáng Thế Ký ghi lại cách thức Đức Chúa Trời tạo dựng loài người theo hình ảnh Ngài. Một trong những mục đích của Ngài là để cho A-đam liên hệ và tương giao với Ngài. Kinh Thánh ghi rõ là Đức Chúa Trời đã chăm sóc, chuyện trò, truyền dạy A-đam. Thượng Đế chí cao mà lại bày tỏ cho loài người cách như thế này thì thật là một mặc khải quá kỳ diệu về bản chất, ý chỉ của Ngài.

Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội thì Đức Chúa Trời có thể đuổi hai người đi. Họ đã chủ tâm bất tuân lệnh Ngài, và đáng phải chết. Nhưng Đức Chúa Trời nhân từ vô biên đã đưa ra chương trình cứu vớt của Ngài. Ngài tìm A-đam trong vườn Ê-đen và nói cho ông biết tội của ông. Đây là lần đầu tiên Chúa đã mặc khải cho con người sau khi sa ngã.

Mặc Khải Tổng Quát và Mặc Khải Đặc Biệt (Special and General Revelation)

Đức Chúa Trời nói với A-đam, Ê-va, con rắn, Ca-in, Nô-ê, và nhiều người khác. Sự nói chuyện trực tiếp này gọi là măc khải đặc biệt (special revelation).

Chúng ta cũng có thể học biết nhiều về Đức Chúa Trời qua vũ trụ Ngài đã dựng nên. Sự sáng tạo vô cùng lớn lao này cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời toàn năng. Sự tế vi (intricacy) của thế giới cho ta biết sự khôn ngoan vô cùng của Đức Chúa Trời. Lương tâm chúng ta làm chứng cho chúng ta biết sự thánh khiết và nhân lành của Ngài. Những bằng chứng về Đức Chúa Trời trong vũ trụ tạo vật thường gọi là mặc khải tổng quát (general revelation).

Sự măc khải tổng quát này thường bị người ta phủ nhận. Người ta bảo rằng những cái tế vi trong thiên nhiên này là do may rủi; và “luật đạo đức” gọi là lương tâm thì do xã hội, giáo dục, v.v... mà có. Nhưng trong Rô-ma 1:19-23; và 2:15 Phao-lô khẵng định rõ ràng là chúng ta có thể nhìn biết được Đức Chúa Trời qua thiên nhiên, và qua lương tâm. Trên thực tế, đại đa số loài người đều luôn luôn tin vào một thần nào đó. Hơn nữa, dù người ta có phủ nhận lương tâm thì chúng ta cũng thấy bất cứ nền văn hóa nào cũng có những luật đạo đức. Điều này chứng tỏ rằng có sự măc khải tự nhiên (natural revelation). Theo Phao-lô thì bởi lòng ác của con người mà sự măc khải tự nhiên không đưa ra được người ta đến thờ phượng Thượng Đế chân chật (1:18).

Sự Linh Cảm (Inspiration)

Lúc ban sơ Thượng Đế đối thoại với loài người thì đó là sự măc khải đặc biệt bằng miệng (oral speccial revelation). Như chúng ta biết văn tự chưa có cho đến sau cơn Đại Hồng Thủy (cơn lụt thời Nô-ê). Trước đó người ta có thể dùng vài phương cách đánh số đồ vật, nhưng mãi đến gần năm 3000 B.C thì văn tự (chữ viết) mới khởi xuất ở vùng Mê-sô-pô-ta-mi và Ai Cập. Tuy vậy, sự mặc khải bằng miệng (oral revelation ) của Đức Chúa Trời cũng đặc biệt, chân thật và được linh cảm như măc khải bằng văn tự về sau này. Khi Đức Chúa Trời nói với Ca-in thì đó là tiếng nói khách quan rỏ ràng là bên ngoài chứ không phải tiếng nói của lương tâm.


Không ai biết tên hết tất cả những người mà Đức Chúa Trời đã nói chuyện với họ lúc ban sơ. Cựu Ước có ghi rằng Hê-nóc “đồng đi với Đức Chúa Trời”; những chữ này có lẻ có nghĩa là thói quen sống với Chúa hơn là bước đi bách bộ chung với Ngài. Dù sao thì nó cũng chỉ sự hòa hợp và tương giao trò chuyện giữa ông và Đức Chúa Trời. Đúng như trong Tân Ước gọi ông là tiên tri của Chúa(Giu-đe 14). Nô-ê nhận được sự mặc khải cặn kẻ của Chúa, Chúa chỉ dẫn cho ông đến cả thước tấc của chiếc tàu, và các loài vật tụ tập lại để cho vào tàu. Không có những mặc khải đặc biệt thì Nô-ê chắc cũng đã chết chung với mọi loài lúc đó. Những chỉ dẫn về chiếc tàu mà Nô-ê nhận được không phải đến từ óc tưởng tượng cao độ của ông.


Một bài thơ khác về cuộc đời Nô-ê là ông đã truyền đạt Lời Chúa cho thế hệ của ông. Ký sự trong Sáng Thế Ký và II Phi-e-rơ cho biết Nô-ê đã cảnh cáo thế hệ của ông vệ sự hình phạt sắp xảy đến. Đây là chức năng của tiên tri: tiếp nhận lời của Thượng Đế và truyền đạt lại cho dân chúng.


Trong thời gian dài giữa Nô-ê và Áp-ra-ham, Kinh Thánh không ghi lại tin tức gì về sự măc khải của Đức Chúa Trời. Sau đó thì ghi lại rất nhiều. Đức Chúa Trời nói chuyện với Áp-ra-ham nhiều lần. Ngài ban cho ông những chỉ thị rõ ràng và những lời hứa mà ông không thể nào đoán được cách những lời hứa đó thành tựu. Áp-ra-ham sống như một vương tử giữa những người khác. (Sang 23:5-6) và như một người thờ phượng Thượng Đế chân thật (14:22). Ông phục vụ thế hệ của ông qua lời nói và qua đời sống của ông; và ông phục vụ chúng ta ngày nay qua những gì Môi-se đã ghi lại.


Môi-se là vị tiên tri viết sách đầu tiên. Đức Chúa Trời phán vời Môi-se mặt đối mặt (Dân Số Ký 12:8). Ngoài ra Đức Chúa Trời còn truyền lệnh cho Môi-se viết ra những điều răn của Ngài (Xuat 24:4-8). Phần lớn Ngũ Kinh (Pentateuch, năm sách đầu của Cựu Ước) từ sau câu chuyện Chúa kêu gọi Môi-se ghi trong 2:1-25, đều bị chế ngự bởi câu: “Đức Chúa Trời phán cùng Môi-se”. Ở cuối sách Phục Truyền có nói rằng Môi-se viết xuống luật của Chúa, truyền dạy dân chúng tuân giữ mệnh lệnh của Ngài, và cứ 7 năm vào dịp lễ Lều Tạm thì đọc cho công chúng nghe (Phục truyền 31:9-13).


Chương 4 sẽ nói nhiều hơn về các tiên tri và công việc của họ. Còn ở đây thì chúng ta sẽ nghiên cứu một số những thành quả quan điểm của Cựu Ước về các tiên tri như những bộ phận của mặc khải, những người phát ngôn của Thượng Đế cho dân chúng(Xuat 7:1-2). Phải nhớ rằng tiên tri của Do Thái không phải chỉ là người rất thiêng liêng. Tiên tri là người được Đức Chúa Trời kêu gọi để tiếp nhận sự mặc khải của Ngài (Dân Số Ký 12:2-8). Lời nói của tiên tri là lời nói của Thượng Đế, giống như vị tiên ăn nuốt cuộn sách từ trời rồi nói lại cho dân chúng biết (Ê-xê-chiên 2:7-33). Lời các tiên tri nói ra là lời của Đức Chúa Trời.


Những lời các tiên tri viết ra cũng là lời của Đức Chúa Trời. Không phải tất cả những lời nói của tiên tri đều được viết xuống hết . U-ri cũng nhân Danh Chúa nói tiên tri như- Giê-rê-mi, ông đã bị vua Giê-hô-gia-kim giết và những lời tiên tri của ông không được viết lại (Giê-rê-mi 26:20-21). Nhưng khi Chúa phán truyền qua các tiên tri thời xưa của Do Thái thì những lời họ nói ra chính là lời của Đức Chúa Trời, dù lời đó có được ghi chép hay không. Giô-suê đã ghi chép lại trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời (Giô-suê 24:26). Nhiều phần trong kinh Cựu Ước được nói trước rồi sau mới được viết lại.


Có người phân biệt giữa lời tiên tri được nói ra và được viết ra mới là những điều được linh cảm. Nhưng Kinh Thánh Cựu Ước không hề có sự phân biệt đó.
Những ví dụ trên cho chúng ta hiểu nghĩa của chữ “linh cảm” và chúng ta có thể định nghĩa linh cảm là “ hành động của Đức Thánh Linh trên những cá nhân được chọn để cảm động họ nói hay viết theo lối riêng của họ về Lời của Đức Chúa Trời một cách chính xác không sai lầm về sự kiện, giáo lý, hay về sự phê phán.” Chương 2 và 3 sẽ cho chúng ta thêm bằng chứng về quan niệm này.


Linh Cảm Từng Lời (Verbal Inspiration)


Quan điểm này cho rằng từng lời trong Kinh Thánh đúng là lời của Đức Chúa Trời, được linh cảm bởi Thánh Linh. Đôi khi có người gọi giễu quan điểm này là “Thuyết Chúa đọc cho chép”. Nhưng hầu hết những người bảo thủ (conservatives) ngày nay không tin rằng Đức Chúa Trời đọc lời Ngài cho các văn sĩ chép như kiểu cho thư ký hay người máy ngày nay vậy. Đức Chúa Trời sử dụng các tiên tri, điều khiển họ nhưng không can thiệp vào bút pháp (style) và nhân cách (personality) của họ. Quan điểm của Cộng Đồng Công Giáo ở Trent năm 1545 nói rằng Kinh Thánh là “Spiritu Sancto Dictante” thì có vẻ như gần giống với thuyết “Chúa đọc cho chép”. Nhưng thật ra chữ “Dictante” trong La Tinh ở đây không có nghĩa là “đọc” mà là “nói” hay “phán truyền”.


Vô Ngộ Và Không Sai Lạc (Infallible and Inerrant)


Suốt lịch sử thì người ta vẫn gọi Kinh Thánh là được linh cảm, nghĩa là Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời và hoàn toàn đúng. Theo truyền thống thì người ta gọi Kinh Thánh là “vô ngộ” (infallible) ; nghĩa là không thể nào sai lầm. Về sau giới tín hữu bảo thủ (conservative believers) thêm rằng Kinh Thánh là “qui luật vô ngộ của đức tin và đời sống”. Họ khẳng định rằng Kinh Thánh là vô ngộ và là qui luật của đức tin và của lối sống của con người nhưng từ khi có phong trào tự do (liberalism) nổi lên thì lời khẳng định trên thường được giải nghĩa là Kinh Thánh vô ngộ chỉ trong lãnh vực đức tin và đạo đức thôi. Vì thế chữ “vô ngộ” bị giới hạn lại và họ cho rằng Kinh Thánh có những sai lạc về mặt khoa học và lịch sử. Đây là quan điểm của những người phái tự do ngày nay. Để chống lại quan điểm hạ thấp Kinh Thánh này, giới bảo thủ thấy cần phải sử dụng tĩnh từ “ không sai lạc (inerrant) nghĩa là Kinh Thánh không có gì sai lạc về mọi lãnh vực.


Bảo Kinh Thánh là vô ngộ thì cũng đủ rồi. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại nếu chúng ta muốn nói là tất cả những gì Kinh Thánh chép đều hoàn toàn đúng thì cần phải thêm rằng Kinh Thánh hoàn toàn không sai trật. Kinh Thánh được linh cảm từng lời, vô ngộ, và không sai lạc trong bản văn nguyên thủy. Hiệp Hội Thần Học Tin Lành đưa ra một định nghĩa văn tắt nhưng đầy đủ như sau: “Chỉ một mình Kinh Thánh, và toàn thể Kinh Thánh, là lời thành văn của Đức Chúa Trời, và do đó nguyên bản Kinh Thánh (bản viết đầu tiên) không sai lạc.”


Nhiều người nghĩ rằng quan điểm này quá hẹp hòi. Họ cho rằng trong thế kỷ 20 này người ta không còn có thể tin như vậy nữa. Họ bảo rằng những sự kiện thực tế cụ thể thì ngược lại với quan điểm trên, khoa học của Kinh Thánh đã lỗi thời, tin vào một trái đất bằng phẳng với thiên đàng ở phía trên không còn đúng nữa. Họ bảo phải phủ nhận niềm tin vào sự tạo dựng A-đam theo nghĩa đen, vào câu chuyện Giô-na và những chuyện thần thoại khác trong Kinh Thánh. Họ bảo Kinh Thánh thật sự mâu thuẫn; trong Kinh Thánh có yếu tố con người nên không thể nào là không có sai lầm nếu cứ nhất quyết Kinh Thánh là vô ngộ, không sai lầm thì con người tân tiến ngày nay không thể chấp nhận được.


Ở đây chúng ta trả lời vắn tắt, chương 8 sẽ khai triển đầy đủ hơn. Trước nhất chúng ta không nên vội rồi bỏ giáo lý đã có từ xưa, đặt nền tảng trên lời dạy của Chúa Giê-xu và trên các Sứ Đồ, để làm vừa giả thuyết về “con người tân tiến”. Các tiên tri ngày xưa được Chúa truyền phải rao giảng lời của Ngài dù dân chúng có nghe hay không (xem Ê-sai 6:9; Giê-rê-mi 20:9; Ê-xê-chiên 2:5-7).


Thứ hai, không chắc Kinh Thánh mô tả trái đất phẳng và Thiên Đàng ở trên. Người ta bảo nếu “lấy nghĩa đen” thì Thánh Kinh bảo trái đất phẳng. Nhưng trên thực tế chẳng có ai, ngay cả những người bảo thủ nhất, cũng không ai hiểu Kinh Thánh hoàn toàn theo nghĩa đen. Kinh Thánh đầy dẫy hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ, ngụ ngôn, thi ca mà phải được giải thích như giải thích những áng văn chương khác. Làm sao hiểu theo nghĩa đen những câu như “chọc cười đến chết”, “tấm lòng vàng” , “cả thế kỷ rồi mới thấy lại anh”...? Vì giải thích các đoạn văn thi ca theo nghĩa đen một cách cục mịch nên người ta đã chống đối, cho rằng Kinh Thánh trái nghịch với kiến thức thông thường của con người. Nhiều thơ văn cũng đã mô tả mặt trăng, cây cối, núi đồi..... tương tự như thế. Nhiều người quên rằng thiên văn học tiêu chuẫn của thế giới thời Tân Ước là thế giới tròn. Eratosthenes vào năm 250 B.C . đã đo chu vi thế giới khá chính xác. Điều khôi hài là các nhà thần học chống đối ý tưởng cho Thiên Đàng “ở phía trên” nói nước Đức Chúa Trời “xâm nhập” vào thế gian. Mô tả thiên đàng là ở ngoài xâm nhập vào cái hộp trái đất thì cũng chẳng khác gì mô tả thiên đàng “ở trên” cả. C.S.Lewis trong cuốn sách “ Phép Lạ” (Miracles) (1) đã nêu rõ làmọi ngôn ngữ nói về những gì mà giác quan không nhận biết được thì đó là ngôn ngữ biểu tượng (metaphorical language). Không có cách nào khác để mô tả những thế giới vô hình, vì thế ngôn ngữ Kinh Thánh không nhằm nói thiên đàng là chỉ ở trên trời (dù tiếng Do Thái, tiếng Anh, cũng như tiếngViệt đều nói trời là ở “trên trời”). Cũng tương tự như vậy, chữ “tận cùng trái đất” không có nghĩa là đi quá mức đó thì rớt ra ngoài trái đất. Trong tiếng Do Thái chữ “trái đất” thường dùng để chỉ “đất đai”. “tận cùng trái đất” thường có nghĩa là nơi xa xôi; “bốn góc trái đất” có nghĩa là rộng rãi bao la mọi hướng (Ê-xê-chiên 7:2).


Thứ ba, nếu người ta không thể tin vào sự sáng tạo theo nghĩa đen thì người ta buộc phải làm cách nào giải thích thỏa đáng sự sống tế vi, kỳ diệu của con người thông minh, có ý thức, có đạo đức, có mục đích là do may rủi mà có.


Cuối cùng, những người bảo Kinh Thánh mâu thuẫn, và chống đối sự vô ngộ của Kinh Thánh quên rằng trải qua bao nhiêu năm người ta đã nghiên cứu về những vấn đề này rồi, kể từ thời Justin (bị tử vì đạo năm 148 A.D.). Justin đã viết : “ Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng không phần nào của Kinh Thánh mâu thuẫn với phần khác cả” (Đối thoại với Trypho , chương 65).


Rõ ràng là Kinh Thánh có những phần khó hiểu. Điều này là đương nhiên, vì bất cứ tài liệu nào viết thời xưa, từ một nền văn hóa khác thì không thể nào không có những điều khó hiểu với chúng ta. Ngày nay, khi du lịch với một xứ khác chúng ta vẫn gặp điều ngỡ ngàng, khó hiểu, thì đương nhiên làm sao chúng ta khỏi gặp nhiều khó hiểu hơn trong Kinh Thánh. Những khám phá mới về ngôn ngữ và tập tục thời xưa đã giúp giải quyết được nhiều nan đề trong Kinh Thánh, nên một số nan đề còn lại chưa giải quyết được chúng ta có thể nói là do chúng ta chưa biết đầy đủ chi tiết về lịch sử và đời sống của người xưa. Những nan đề Kinh Thánh liên tục được giải tỏa đã làm hài lòng nhiều học giả ngày nay.

Những tín hữu bảo thủ (conservative believers) không nhìn nhận rằng trong Kinh Thánh có những mâu thuẫn thật sự. Giống như các giáo phụ (church fathers) thời Hội Thánh đầu tiên, họ tin rằng những mâu thuẫn đó là do thiếu hiểu biết hoặc do lỗi sao chép mà thôi.

Giải Nghĩa Kinh Thánh

Cuộc cải chánh là một phong trào vĩ đại “trở về với Kinh Thánh “ . Phong trào nhấn mạnh đến việc trao Kinh Thánh vào tay tín hữu. Trước đó Wycliffle đã có lập trường này, nhưng Luther, Tyndale, và những người khác đã thực hiện việc dịch Kinh Thánh ra nhiều thứ tiếng cho tín hữu đọc. Quan điểm của họ là Kinh Thánh là một chính sách đơn giãn mà người bình dân đều có thể đọc và hiểu được. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ai cũng có thể hiểu được toàn thể Kinh Thánh. Nhưng có nghĩa là bất cứ người nào đọc Kinh Thánh cũng đều có thể học biết về Đức Chúa Trời, về con đường cứu rỗi của Ngài, và có thể lấy đức tin tiếp nhận sự cứu rỗi. Nhưng khôn ngoan của Đức Chúa Trời không thể dò được (unsearchable) và đường lối của Ngài không thể hiểu thấu (Rô-ma 11:33). Ngay cả những chỗ liên hệ với những biến cố lịch sử và những tập tục cổ xưa thì cũng khó hiểu cho những ai không biết gì về bối cảnh Đông Phương thời cổ.


Vì thế việc giải nghĩa chi tiết Kinh Thánh đòi hỏi ta phải học biết về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử...thời xưa. Nhưng ngày nay có quan niệm giải kinh (hermeneutics) cho rằng Kinh Thánh không còn thích hợp với chúng ta nữa. Những người bênh vực cho lập trường này bảo rằng người Do Thái thời xưa sống khác xa chúng ta. Họ không quan tâm đến con số chính xác, đến những tương quan thời gian, đến sự chính xác của lịch sử. Những người phê bình này bảo rằng theo tiêu chuẩn riêng của Kinh Thánh thì Kinh Thánh không sai, nhưng theo tiêu chuẫn khoa học hiện đại thì Kinh Thánh sai.


Để trả lời cho quan điểm này chúng ta nên nêu ra một số điểm sau đây. Thứ nhất, người thời xưa không phải bất cẩn như một số người nghĩ. Hãy xem các kim tự tháp, xây cất trước thời Ap-ra-ham 500 năm, hướng theo sao bắc đẩu (North star) trong vòng 5 độ! Bảy trăm năm trước Chúa, các kỹ sư của vua Ê-xê-chia đã đào một đường hầm ngoằn ngèo xuyên dưới lớp đá dài 600 mét; họ đào từ hai đầu đến gặp nhau chính giữa mà chỉ chệch nhau đến ba bốn tấc. Thứ hai, không ai có thể chính xác luôn luôn được, ngay với máy móc và kỹ thuật của thời đại văn minh ngày nay, thì cũng không một quốc gia hay một thành phố nào nói lên cho biết chính xác được con số dân ở trong nước hay thành phố mình. Nói gần đúng, xấp xỉ (approximate) không có nghĩa là nói sai. Những điều về lịch sử mà người ta bảo là Kinh Thánh sai thì có nhiều điều về sau khảo cổ học đã khám phá đã cho thấy Kinh Thánh đúng.


Người ta đã sử dụng quá nhiều lập luận cho rằng Kinh Thánh là sản phẩm của thời xưa, không còn thích hợp với ngày nay nữa. Nhưng đã có hàng triệu người tìm được an ủi, ý nghĩa cho cuộc sống, sự cứu rỗi qua Kinh Thánh. Dù văn hóa thời xưa khác nhiều với thời nay, nhưng những điều giống nhau vẫn nhiều hơn. Người thời xưa vẫn sống, ăn uống, yêu thương, đau ốm, tranh đấu, suy nghĩ, phạm tội, chết và cũng như người ngày nay. Thật là sai lầm khi cho rằng trí óc người thời xưa khác trí óc người thời nay. Ông E. D. Hirsch (2) gọi sự sai lầm này là sự ngụy biện do thiếu hiểu biết quá khứ. Ông bảo rằng có ít khác biệt giữa người thời nay với người thời xưa hơn là giữa người thời nay với người thời nay. Kinh Thánh vẫn hiểu được và vẫn có giá trị thích hợp cho ngày nay.


Ngày nay cũng có những người khác xưng mình là Tin Lành nhưng vẫn cho Kinh Thánh có sai lầm. Tuy nhiên họ bảo rằng những sai lầm này chỉ là những khinh xuất thôi, không ảnh hưởng gì đến sứ điệp thuộc linh của Kinh Thánh họ bảo quan điểm Kinh Thánh vô ngộ quá hẹp hòi, có phủ nhận yếu tố con người trong Kinh Thánh nhưng quan điểm này dựa trên một quan niệm sai. Trong lịch sử, quan niệm về linh cảm từng lời, và sự vô ngộ của Kinh Thánh hàm ý rằng Đức Chúa Trời qua Thánh Linh đã hành động tiềm ẩn cách mạnh mẽ trên người viết. Linh cảm không phải là Đức Chúa Trời viết tất cả, còn con người không có gì cả, vì như thế tức là Chúa đọc cho người chép; cũng không phải là con người viết tất cả còn Đức Chúa Trời chẳng có phần gì vì như thế là một loại nhân bản chủ nghĩa (hunmanism). Cũng không phải là con người 50% và Đức Chúa Trời 50%, vì như thế thì không thể nào tránh được những sai lầm trầm trọng. Hình ảnh đúng thật là Đức Chúa Trời sử dụng toàn thể hoạt động con người, Ngài tác động cách mạnh mẽ và kiểm soát người viết 100%. Vậy, có thể có được sự linh cảm từng lời (verbal inspriration) là vì Đức Thánh Linh hoàn toàn có đủ khả năng để làm một việc như thế. Kết quả là các tác giả Kinh Thánh viết không phải như một người quả thường viết sách, nhưng họ viết như một người được “cảm ứng bởi Đức Thánh Linh” (2Phi-e-rơ 1:21). Cũng như tất cả những chân lý thiêng liêng khác, quan điểm này liên quan đến sự mầu nhiệm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu đã ban cho chúng ta một Kinh Thánh vô ngộ.


Tầm Quan Trọng của Kinh Thánh Được Linh Cảm


Từ ban đầu các lãnh tụ Hội Thánh đã có quan điểm về sự linh cảm từng lời Kinh Thánh và sự vô ngộ của Kinh Thánh. Một trong những điểm nhấn mạnh chính của thời cải chánh là “Chỉ một mình Kinh Thánh mà thôi” (sola scriptura ). Điểm nhấn mạnh này rất quan trọng cho việc canh tân thuộc linh.

Do ảnh hưởng của khuynh hướng tự do mà giáo lý này bị đánh mất ở Đức vào thế kỷ thứ 19, và ở nhiều nơi tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Một cuộc phục hưng niềm tin trọn vẹn vào Kinh Thánh đã kéo theo sự khôi phục sức mạnh Tin Lành là sự truyền bá Phúc Âm vào cuối thế kỷ 20. Do đó chúng ta có thể thấy được rõ ràng mối tương quan của giáo lý này của sự sống của Hội Thánh.

Không có lời chân thật từ trời thì người ta bị lạc mất trong cả biển ý người và trong sự đạo đức. Người ta đã đưa 10 điều răn ra khỏi trường học nhiều tổ chức giáo hội và phủ nhận quyền của mười điều răn. Hậu quả thật là tai hại. Nhưng vị môn đệ thân yêu của Chúa đã cảnh cáo từ lâu: “Tôi ngỏ cho kẻ này nghe lời tiên tri trong sách này: nếu ai thêm vào sách tiên tri này điều gì thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách này. Và kẻ nào bớt điều gì trong lời sách tiên tri này thì Đức Chúa Trời sẽ cắt lấy phần họ cây sự sống và Thần Thánh mà đã chép ra trong sách này.”

Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời cho chúng ta. Mỗi người chúng ta phải tự đọc, nghiên cứu, suy gẫm và nhất là phải thực hành lời Kinh Thánh. Rồi chúng ta cùng hợp tác với những người có cùng niềm tin quí báu nhưng chúng ta mà tôn kính Kinh Thánh và truyền dạy Kinh Thánh đến khắp mọi nơi trên đất.

Ngữ Vựng

  • Mặc khải tổng quát (general revelation);
  • Giải Kinh Học (hermeneutics);
  • vô ngộ (infallible);
  • không sai lạc (inerrant);
  • linh cảm (inspiration).

 

 

Sách Tham Khảo

  • Lewis, S. C. Miracles (New York : Macmillan, 1947), p. 74
  • Hirsch, E. D. The Aims of Interpretation ( Chicago: University of Chicago, 1976), p. 41
  • Geisler, N.L., ed. Inerrancy (Grand Rapids: Zondervan Publishing, 1980), chương 12,13.