THỰC HÀNH CHỨNG ĐẠO -- TRÌNH BÀY PHÚC ÂM
1.—Tuyển chọn phương pháp chứng đạo
2.—Căn bản Phúc Âm
Khi trình bày Phúc Âm, ngoài các yếu tố về văn hóa, phong tục và xã hội, người truyền bá Phúc Âm cũng nên biết thêm rằng theo tập quán Việt tộc, tuổi trung niên và cao niên ít bộc lộ sự xúc động, cảm nghĩ hoặc ý kiến mình trước công chúng. Trong khi đó, giới trẻ do việc tiếp xúc rất sớm với nền văn hóa Âu Mỹ nên dễ bày tỏ tình cảm trước mặt mọi người. Kinh nghiệm cho biết, người Việt, đặc biệt là người cao tuổi, thường trì hoãn trong việc tin nhận Chúa. Chỉ sau khi được nghe Phúc Âm nhiều lần và những thắc mắc được giải đáp thoả đáng, họ mới đi đến quyết định sau cùng là tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Thực sự này nhắc người truyền bá Phúc Âm nên kiên nhẫn trong lúc chứng đạo, và phải sẵn sàng trả lời các câu hỏi trước khi thân hữu đi đến quyết định tiếp nhận Chúa.
TUYỂN CHỌN PHƯƠNG PHÁP CHỨNG ĐẠO
Có nhiều phương pháp để trình bày Phúc Âm,tuy nhiên không có phương pháp nào được kể là toàn hảo. Nó luôn có ưu và khuyếât điểm. Điều quan trọng không phải là tìm kiếm một phương pháp hoàn toàn,bèn là chọn một phương pháp thích hợp cho mình và nhờ quyền năng Thánh Linh để đi ra. Trước khi chọn một phương pháp cho riêng mình, ta nên trả lời các câu hỏi sau:
Thứ nhất, phương pháp này có đặt nền tảng trên Lời Đức Chúa Trời không? Điều đó có nghĩa là ta nên xét xem nội dung của bài làm chứng có đúng với các câu Thánh Kinh đã được trưng dẫn không? Có nhiều phương pháp cũng dùng Thánh Kinh làm nền tảng, song vì bất kể văn mạch nên đã gán ép các câu gốc vào những điều Thánh Kinh không có nói. Sứ điệp Phúc Âm được ban cho ta qua Lời Đức Chúa Trời. Vậy “chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Giê-xu Christ, tức là Chúa” (2Cô-rinh-tô 5:4).
Thứ hai, phương pháp này có đặt trọng tâm vào Chúa Cứu Thế Giê-xu chăng? Thánh Kinh bày tỏ Chúa Cứu Thế Giê-xu là trung tâm của sự cứu rỗi. Ngoài Ngài không ai có quyền năng giải cứu con người.Phi-e-rơ tuyên bố: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác, vì ở dưới trời,chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu”(Công vụ 4:12). Chúa Giê-xu là Phúc Âm, là Tin mừng. Ngài phán: “Ta là con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ ta, không ai được đến với Cha”(Giăng 14:6 BDY).
Thứ ba, phương pháp này có dễ nhớ không? Ta xét xem tài liệu có đơn giản nhưng đồng thời trình bày Phúc Âm cách đầy đủ chăng? Có nhiều phương pháp rất dài và khó nhớ; ngược lại cũng có nhiều phương pháp quá đơn giản, sơ sài, không giải thích đủ về Phúc Âm cứu rỗi.
Thứ tư, phương pháp này có dễ huấn luyện lại cho người khác không? Có gì khó chăng nếu ta đem những điều đã học huấn luyện lại cho các tín hữu trong Hội Thánh? Học viên phải dành bao nhiêu thì giờ, bao nhiêu tuần, tháng để hoàn tất? Tài liệu có dễ tìm cho việc huấn luyện chăng?
Thứ năm, hiệu quả của phương pháp này ra sao? Nếu đã theo đúng phương pháp để làm chứng cho thân hữu, họ sẽ tin Chúa không? Phương pháp này có cần nhiều thị cụ như hình ảnh, truyền đạo đơn, Thánh Kinh, các loại sách chứng đạo nhỏ... chăng? Nếu không có sẵn các thứ đó, phương pháp này có đạt được hiệu quả chăng?
CĂN BẢN PHÚC ÂM
Nhiều chứng đạo viên đã nêu thắc mắc này:Trước khi một thân hữu có thể trở thành Cơ Đốc nhân, lẽ thật căn bản tối thiểu về Phúc Âm người cần biết là gì? Câu hỏi trên rất khó trả lời vì Thánh Kinh không cho biết mức tối thiểu. Tuy nhiên, muốn dìu dắt một tội nhân trở thành Cơ Đốc nhân, ta phải hướng dẫn cho người đó hiểu biết ít nhất bốn lẽ thật quan trọng này:
Trước hết, mục đích của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo muôn loài. Ngài yêu thương con người và có mục đích kỳ diệu cho đời sống con người (Sáng Thế Ký 1:12 Giăng 3:16).
Kế đến, nhu cầu của con người. Đức Chúa Trời dựng nên con người để thông công với Ngài. Nhưng loài người đã phản nghịch và khước từ Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23 Ê-sai 53:6). Kết quả của hành động đó là án phạt sự chết đời đời (Rô-ma 6:23).
Tiếp theo, sự cung cấp của Chúa Cứu Thế. Mặc dù con người phản nghịch, song Đức Chúa Trời vẫn yêu thương họ. Ngài đã ban Con Một của Ngài chịu chết thay cho nhân loại.
Sau cùng, sự đáp ứng của con người. Đức Chúa Trời đòi hỏi con người công nhận mình là tội nhân đáng chết mất để ăn năn, xây bỏ tội lỗi và hầu việc Ngài; đồng thời tin cậy Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa và bước theo Ngài như là Chủ của mình (Công vụ 2:38 Giăng 1:12)."