NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỨNG ĐẠO -- ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC CHỨNG ĐẠO
1.—Chứng đạo viên phải biết chắc đã được cứu rỗi
2.—Chứng đạo viên phải thông biết Kinh Thánh
3.—Chứng đạo viên phải có lòng yêu thương người hư mất
4.—Chứng đạo viên phải là người cầu nguyện
Qua các sách Phúc Âm và sách Công-vụ các sứ-đồ, ta biết mục đích của Thiên Chúa ngay lúc bắt đầu thời đại ân điển là mỗi người Cơ Đốc phải trở nên một chứng nhân kết quả. Khi Chúa Cứu Thế chọn các môn đệ, Ngài chọn với một mục đích duy nhất là huấn luyện họ thành những tay đánh lưới người: “Các con hãy theo ta! Ta sẽ đào luyện các con thành người cứu vớt đồng loại” (Ma-thi-ơ 4:1-25 BDY). Chẳng những Chúa muốn mỗi Cơ Đốc nhân đều trở nên người truyền bá Phúc Âm, mà còn muốn họ là người Truyền bá Phúc Âm kết quả: “Ta hứa quả quyết với các con, ai tin ta sẽ làm những việc ta làm, lại làm việc lớn hơn nữa...” (Giăng 14:12 BDY).
Để trở thành người truyền bá Phúc Âm có kết quả, ta phải đáp ứng một số điều kiện cần thiết và quan trọng sau đây:
CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI BIẾT CHẮC MÌNH ĐÃ ĐƯỢC CỨU RỖI
Nếu ta còn nghi ngờ về sự cứu rỗi của chính mình, ta không thể đi ra giúp người khác về con đường cứu rỗi. Nếu ta sắp bị chết đuối, ta không thể giúp cho người đang chết chìm. Chỉ khi nào chân ta đứng vững trên vầng đá, ta mới có thể đưa tay cứu giúp người khác. Cũng vậy, chứng đạo viên trước hết phải kinh nghiệm sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế, nhiên hậu mới có thể chia sẽ từng trải đó cho người khác.
Việc chứng đạo phải được bắt đầu từ tấm lòng nóng cháy do Thánh Linh thúc đẩy. Vì thế, người truyền bá Phúc Âm phải là một tạo vật mới trong Chúa Cứu Thế (2Cô-rinh-tô 5:17). Người phải biết chắc mình được sự sống vĩnh viễn và đã “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống” (Giăng 5:24). Sự biết chắc này phải được biểu lộ qua lòng, trí và thái độ của chứng đạo viên trong lúc làm chứng cho người khác.
Vậy mỗi chứng đạo viên phải biết chắc sự thật này: “... nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” và cũng không thể đi ra chứng đạo.
CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI BIẾT KINH THÁNH
Kinh nghiệm cho thấy, Đức Chúa Trời chỉ đại dụng những chứng đạo viên thông hiểu Thánh Kinh cho việc truyền bá Phúc Âm. Vì “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Chứng đạo viên được truyền lệnh “hãy giảng đạo (lời Chúa)” (2Ti-mô-thê 4:2). Chứng nhân phải là người “vừa đi vừa khóc đem hạt giống (của lời Đức Chúa Trời) ra rải” (Thi Thiên 126:6 Lu-ca 8:11).
Loài người “được tái sinh không phải do sự sống dễ hư hoại của tổ tiên truyền lại, nhưng do Lời Sống bất diệt của Thượng Đế” (1Phi-e-rơ 1:23 BDY). Chứng đạo viên, giống như A-bô-lô, phải là người “uyên bác Thánh Kinh” (Công vụ 18:24 BDY). Hoặc giống như Phao-lô, chỉ biết “giảng luận Thánh Kinh, giải thích và minh chứng Chúa Cứu Thế phải chịu thống khổ,chịu chết và sống lại” (Công vụ 17:2-3 BDY).
Chứng đạo viên chẳng những phải thông biết Kinh Thánh mà còn phải tin vào quyền năng của lời Đức Chúa Trời. Ngày xưa, khi Sa-ra tỏ thái độ cười cợt không tin lời Đức Chúa Trời, Ngài đã quở trách: “Há có điều chi Đức Giê-hô-va không làm được chăng?” (Sáng Thế Ký 18:14). Vậy để trở thành chứng nhân kết quả, ta phải tin vào quyền năng của lời Đức Chúa Trời. Nếu người hư mất là kẻ phạm trọng tội, ta hãy đọc cho người nghe Lời Kinh Thánh này:
“Đây là lời trung thực, đáng được mọi người tin nhận: Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xuống trần gian để cứu vớt người tội lỗi.Trong những người được cứu, ta nặng tội nhất” (1Ti-mô-thê 1:15 BDY).
Nếu người hư mất là kẻ sát nhân, hãy dùng Lời Thánh Kinh an ủi người:
“Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1:18).
Nếu là người bị ruồng bỏ và bị khai trừ, hãy đọc cho người nghe Lời Thánh Kinh này:
“Ta đến trần gian để tìm và cứu nhưng người lầm lạc” (Lu-ca 19:10).
“Lời Thượng Đế sống động và đầy năng lực,sắc hơn gươm hai lưỡi, mổ xẻ hồn linh, xương tủy, phân tích tư tưởng và ước vọng trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12 BDY). Vậy chứng đạo viên phải cầm gươm Thánh Linh là Lời Thượng Đế mới có thể “dắt đem nhiều người về sự công bình” (Đa-ni-ên 12:3).
CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI CÓ LÒNG YÊU THƯƠNG LINH HỒN HƯ MẤT
Có người đã nói: “Một người có thể là y sĩ đại tài mà không cần yêu thương bệnh nhân, có thể trở thành luật sư nổi tiếng mà không cần yêu thương thân chủ, có thể là một thương gia thành công mà không cần yêu thương khách hàng. Tuy nhiên, người đó không thể trở thành một chứng nhân kết quả nếu không có lòng yêu thương linh hồn hư mất”.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là người truyền bá Phúc Âm kết quả, vì Ngài có lòng yêu thương vô hạn đối với người hư mất.
“Thấy nhân dân đông đảo, Chúa động lòng thương xót vì họ yếu đuối khốn khổ, tản lạc bơ vơ chẳng khác đàn chiên không có người chăn. Chúa bảo các môn đệ: Mùa gặt thật trúng, song thợ gặt quá ít.”(Ma-thi-ơ 9:36,Ma-thi-ơ 9:37 BDY).
Ngài đã khóc cho thành Giê-ru-sa-lem (Lu-ca 19:41), Ngài than thở vì thành Giê-ru-sa-lem đã khước từ cơ hội Đức Chúa Trời dành cho mình:
“Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem! Thủ đô đã giết các nhà tiên tri, và ném đá sát hại các sứ giả của Thượng Đế! Đã bao lần ta muốn tập hợp các con như gà mẹ túc con về ấp ủ dưới cánh, nhưng chẳng ai nghe” (Ma-thi-ơ 23:37 BDY).
Chúa Giê-xu là chứng đạo viên gương mẫu.Ngài quan tâm từng người và nhiều người. Ngài đã động lòng thương xót đối với các người thu thuế như Xa-chê và Ma-thi-ơ, với thiếu phụ Sa-ma-ri, với đoàn dân đông. Ngài đến để “tìm và cứu kẻ bị hư mất”, Ngài đã bày tỏ tình yêu thương và mang sự cứu rỗi đến cho cả tên cướp hấp hối trên thập tự giá.
Nhà lãnh tụ Môi-se cũng động lòng thương xót dân sự:
“Vậy, Môi-se trở lên Đức Giê-hô-va mà thưa rằng: Ôi! dân sự này có phạm một tội trọng, làm cho mình các thần bằng vàng; nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không hãy xoá tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi” (Xuất Ê-díp-tô 32:31,Xuất Ê-díp-tô 32:32).
Tiên tri Giê-rê-mi đã than khóc cho tội lỗi Y-sơ-ra-ên:
“Ôi! ước gì đầâu tôi là suối nước, mắt tôi là nguồn luỵ! hầu cho tôi vì những kẻ bị giết của con gái dân ta mà khóc suốt ngày đêm” (Giê-rê-mi 9:1).
Phao-lô luôn thương yêu người hư mất:
“Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Thánh Linh: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn. Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác” (Rô-ma 9:1-3).
Ông đã nói những lời chân thành này cho các trưởng lão Ê-phê-sô:
“Vậy anh em phải đề cao cảnh giác; đừng quên tôi đã đổ nhiều nước mắt khuyên bảo mọi người, ngày cũng như đêm...”(Công vụ 20:31 DBY).
Các tín hữu đầu tiên cũng động lòng trắc ẩn đối với người hư mất. Phi-e-rơ và Giăng đã bày tỏ thái độ đó cho người què tại cửa Đẹp. Phi-líp đi đến quốc gia “thù nghịch” để truyền bá Phúc Âm cho người Sa-ma-ri (8:4-8). Phao-lô và Si-la chia sẻ Phúc Âm cứu rỗi cho người giám ngục.
Henry Martin đã kêu lớn: “Tôi muốn được đốt cháy lên vì cớ Đấng Christ!”
John Knox cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho con xứ Ái-nhĩ-lan. Bằng không xin Chúa cho con qua đời”.
John Welch tuyên bố: “Tôi mệt lã vì đã đuổi theo linh hồn kẻ bị hư mất”.
CHỨNG ĐẠO VIÊN PHẢI LÀ NGƯỜI CẦU NGUYỆN
Một người Cơ Đốc không cầu nguyện là người Cơ Đốc không có quyền năng, vì bị cắt đứt với Nguồn của sức mạnh và sự khôn ngoan. Biết bao lần ta đã không nhớ lời này: “Anh em không được điều mình mong muốn vì anh em không cầu xin Chúa” (Gia-cơ 4:2DBY). Chứng đạo viên sẽ không chinh phục được linh hồn tội nhân nếu thiếu sự cầu nguyện.
Ta có thể cầu nguyện cho được am hiểu lời Đức Chúa Trời: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa” (Thi Thiên 19:18).
Cầu nguyện cho được biết ai là người ta sẽ làm chứng, như Thánh Linh đã nói với Phi-líp: “Con tiến lên! Đuổi cho kịp xe đó” (Công vụ 8:29 BDY).
Cầu nguyện cho Chúa Thánh Linh nhắc ta nhớ những câu gốc thích hợp trong lúc làm chứng. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hứa: “Nhưng Đấng An ủi là Thánh Linh mà Cha nhân danh ta sai đến, sẽ dạy dỗ các con mọi điều, nhắc các con nhớ mọi lời ta đã nói” (Giăng 14:26 BDY). Cầu xin Đức Chúa Trời ban quyền năng cho sứ điệp Phúc Âm. Có quá nhiều việc ta làm một cách máy móc và không đạt hiệu quả vì thiếu sự cầu nguyện. Do đó ta chẳng những xin Thánh Linh hướng dẫn ta sử dụng đúng lời Đức Chúa Trời, mà cùng lúc cũng cầu xin Đức Chúa Trời ban quyền năng trên sứ điệp Phúc Âm ta trình bày.
Sau cùng ta cầu nguyện cho tân tín hữu. Công việc truyền bá Phúc Âm không chấm dứt ở lúc thân hữu tiếp nhận Chúa, mà vẫn còn tiếp tục qua sự chăm sóc và cầu nguyện cho họ. Một trong những công tác chính yếu trong chức vụ của Phao-lô là cầu nguyện không thôi cho những người ông dìu dắt về với Chúa. Chứng đạo viên cũng phải là người như thế.
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sai chúng ta “đến các dân tộc ấy để mở mắt họ, dìu dắt họ từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực Sa-tan quay về Thượng Đế” (Công vụ 26:18). Ta không thể chu toàn việc Chúa giao nếu không nhờ sự cầu nguyện."