Tìm kiếm

NIỀM TIN NƠI THƯỢNG ĐẾ CỦA VĂN HÓA VIỆT TỘC

1.—Qua tục ngữ, ca dao

2.—Qua thi văn

Trải gần 5.000 năm qua, niềm tin nơi Thượng Đế của dân Việt là một niềm tin bất biến. Dân Việt tin rằng trước tất cả mọi sự, đã có ông Trời. Trời là bậc quyền phép vô song ở trên cao.[1] Từ thái cổ, lúc còn sống trong các bộ lạc Giao Chỉ, ngôn ngữ Việt đã có những câu vần được xếp đặt để ghi nhớ và lưu truyền kinh nghiệm sống, thì niềm tin vào Thượng Đế cũng đã được bộc lộ qua nhiều hình thức như tục ngữ, ca dao và thi phú.

SỬ DỤNG TỤC NGỮ, CA DAO TRONG LÚC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

Hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam đều quen thuộc câu này, “Sanh con chớ không sanh lòng”. Dựa vào câu trên ta có thể giảng giải về sự khác nhau của thể xác và tâm linh. Đồng thời ta làm chứng về Thượng Đế là Đấng tạo dựng con người gồm cả thể xác và linh hồn hầu con người thể hiểu được kế họach cứu rỗi của Ngài.

Để giải thích về sự thực hữu của Đức Chúa Trời, ta bảo họ cứ nhìn vũ trụ, vạn vật thì biết

  Non kia ai đắp mà cao
  Sông kia biển nọ, ai đào mà sâu?

Và lúc nhìn vũ trụ, nhìn thiên nhiên rồi lại nhìn chính bản thân, mới biết chính mình cũng do Thượng Đế sinh ra, do Trời tạo dựng.

Trời sinh ra đã làm người
Hay ăn hay nói hay cười hay chơi.

Một khi đã suy biết có Trời, thì tôn thờ Trời và cầu nguyện cùng Ngài. Niềm tin này ăn sâu vào lòng từng người, đến nỗi ông bà ru cháu, cha mẹ ru con, anh chị em ru em cũng nhắc đến niềm tin đó: niềm tin ở Trời thương xót, che chở cho:

Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy khúc cá to.

Và một khi mưa nắng phải thì, người ta sẽ vui vẻ cần cù làm lụng, không quản đầu tắt mặt tối dãi nắng dầm mưa:

Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.

Người Việt rất biết ơn, kể lể:

Nhờ Trời Hạ kế sang Đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười.

Người bình dân Việt can đảm chấp nhận đời sống, vì tin có Trời che chở cho:

Trời có mắt (Hoàng thiên hữu nhãn).

Xưa nay người Việt Nam vẫn coi Trời là Đấng Tạo Hóa đầy quyền phép an bài mọi sự. Hơn thế, họ còn thấy nơi Ngài là một người Cha rất gần con người, vừa quyền phép vừa nhân hậu, lại vừa công bằng.

Trời nào có phụ ai đâu
Hay làm thì giàu có chí thì nên

Người bình dân Việt nam tin rằng Trời còn lo cho họ nhiều hơn nữa:

Trời cho hơn lo làm

SỬ DỤNG THI VĂN TRONG LÚC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

Niềm tin vào Thượng Đế chẳng những chỉ thấy nơi giới bình dân ít học, mà còn ở các nhà thơ tên tuổi. Ta hãy nghe Hàn Mạc Tử thì thầm

Tôi van lơn thầm nguyện Chúa Giê-xu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối.
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng sông Hằng

Và đây là lời nguyện đầy nước mắt của thi sĩ Huy Cận. Sau những ngày đi hoang đã nhận ra rằng tất cả chỉ là ảo ảnh, duy có Thượng Đế mới là hạnh phúc thật của mình:

Hỡi Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi đã một kiếp đi hoang
Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đường.

Dân Việt có một tâm hồn tin tưởng Đức Chúa Trời, muốn Ngài có mặt trong mọi biến cố quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên,niềm tin ấy hầu hết chỉ là tin có Thượng Đế, có một Đấng Thiêng Liêng. Đức tin đó tốt nhưng chưa đủ. Vì thế ta phải giảng giải thêm rằng đức tin để được cứu rỗi chẳng những là “tin có Chúa ngự trên cao” mà con phải nhận Thượng Đế làm Chúa, làm Chủ đời mình, theo như lời Thánh Kinh chép: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Động từ nhận trong câu Thánh Kinh trên bao hàm việc: Chấp nhận có Thượng Đế, và chính Ngài đã sáng tạo cũng như đang bảo tồn muôn vật; tin rằng Thượng Đế thương yêu con người, mặc dù con người là tội nhân, chẳng thể làm được điều lành, không phương giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, cũng chẳng thể nhờ một người nào đó ở đời này giải cứu cho mình được; tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã vào đời, mang hình hài thể xác con người để thay thế nhân loại mà chịu chết và cuối cùng là tin rằng Chúa Cứu Thế đã từ kẻ chế sống lại, có quyền ban cho nhân loại sự sống mới để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi.

Tâm tình của dân Việt rất gắn bó đối với Thượng Đế, vì họ luôn muốn tôn vinh và thờ phượng Ngài. Tuy nhiên quan niệm về Thượng Đế về niềm tin tưởng vào Trời của họ chưa đủ để được cứu rỗi. Ta cần giải thích thêm và dìu dắt họ đến với Chúa Cứu Thế."