Tìm kiếm

PHẬT GIÁO

1.—Nguồn gốc

2.—Ý niệm về Thượng Đế

3.—Ý niệm về con người

4.—Ý niệm về sự cứu rỗi

Phật giáo khởi thủy ở Ấn Độ, truyền đi khắp xứ lân cận do hai đường bộ và thủy. Về đường bộ thì qua miền Trung-Á như Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Hoa; rồi từ Trung Hoa qua Cao Ly và Nhật Bản. Về đường thủy thì qua Tích Lan truyền sang Nam Dương. Nước Việt ở giữa hai con đường ấy,và do sự ghé lại của những thương gia Ấn Độ, đã mang hạt giống bồ đề trồng trên đất Giao Chỉ ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch. Nhưng đó chỉ là việc khởi đầu. Đến cuối thế kỷ thứ II (189) và đầu thế kỷ III, Phật giáo mới thực sự du nhập Việt Nam do ba đạo sĩ Thiên Trúc và một vị sư Trung Hoa truyền sang.

Phật Giáo rất thịnh đạt và được coi như quốc giáo ở triều đại nhà Lý và nhà Trần. Triều đình đặt chức quốc sư, mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão). Nhiều vị vua đã đi tu sau khi thoái vị và chùa chiền dựng nên trong nước rất nhiều. Từ đời Hậu Lê trở về sau, Phật giáo bị phái Nho công kích, và triều đình cũng không quan tâm tới, do đó đạo Phật mỗi ngày một suy, lâu dần thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức, hệ thống gì nữa, các tăng ni phần nhiều là ít học bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức, còn giáo lý cao siêu của nhà Phật ít người hiểu đến.

Mãi đến năm 1931, hội Nam Kỳ nghiên Cứu Phật Học mới được thành lập tại Sàigòn. Đây là một hội Phật học đầu tiên xuất hiện với mục đích phục hưng Phật giáo. Kế đó, năm 1932 hội An Nam Phật Học ra đời ở Trung Việt, và năm 1934, hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập ở Bắc Việt. Năm 1938, Phật Học Đường đầu tiên mở cửa để đào tạo tăng ni.

Năm 1955, Phật giáo toàn quốc thành lập hội Phật giáo Thống Nhất. Đây là một bước tiến quan trọng của Phật giáo Việt Nam,vì đạo Phật tuy du nhập vào Việt Nam hai mươi thế kỷ, nhưng chỉ chính thức được thống nhất vào năm ấy.

Từ năm 1920-1960 là thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, và các tổ chức bắt đầu có quy củ, lại có thêm nhiều tổ chức Phật tử:Thanh niên, sinh viên, học sinh...

Năm 1960-1963, Phật giáo bị đàn áp, nhiều Phật tử đã tranh đấu và đã hy sinh. Sau đó, các hội và các phái Phật giáo đã đoàn kết thành hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau năm 1975, Phật giáo cũng bị bắt bớ như nhiều tôn giáo khác tại Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất Á Đông.

NGUỒN GỐC

Người sáng lập ra Phật Giáo là Siddhartha (Tất Đạt Đa), họ Gautama (Cổ-Đàm), thuộc dòng Thích Ca - Kinh sách nhà Phật hay gọi người bằng những tên khác nhau như: Tathagata (Như-Lai), Bhagavat (Thế-Tôn), và nhất là Buddha (Phật). Người sinh năm 563 trước Công Nguyên, tại xứ Nepal. Lớn lên trong cảnh trưởng giả, Thích Ca thấy đời là bể khổ, và con người là sinh lão bệnh tử, nên đến 29 tuổi (có sách nói 19 tuổi), người quyết định đi tu. Suốt 6 năm tu khổ hạnh trong rừng không kết quả gì, người đến gốc cây bồ đề tịnh tọa, rồi tự thệ nguyện: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền bí của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta cũng quyết không rời bỏ chỗ này.

Sau 49 ngày ngồi suy tư thì Thích Ca giác ngộ và thành Phật. Năm ấy người 35 tuổi. Từ đó Thích Ca đi khắp nơi giảng thuyết về phép diệt khổ. Sau 45 năm thuyết giáo, người được 80 tuổi và biết sắp từ trần, nên hội họp các môn đệ tại rừng Sa La để giảng giải lần chót. Các lời giáo huấn cuối cùng đó được gọi là Kinh Đại Bát Niết Bàn. Nói xong Kinh ấy một ngày một đêm thì viên tịch. Thi thể người được hoả táng với tất cả danh dự dành cho hàng đế vương và các hoàng thân, các kỳ hào chia nhau hài cốt của người để đặt vào trong các linh miếu.

Phật giáo có rất nhiều kinh sách, nhưng chỉ có 5 bộ kinh là do đức Phật dạy dỗ: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Chuyển Pháp Luận, Vô Ngã Tướng, Kinh “Tất Cả Bị Thiêu Hủy” và Kinh Đại Bát Niết Bàn. Tuy nhiên toàn bộ kinh sách Phật giáo được đúc kết thành ba bộ kinh gọi là Tam Tạng Kinh. (1)Kinh Tạng: gồm những điều chính yếu do đức Phật thuyết về “Giáo, Lý, Hành, Quả”để hướng dẫn người học đạo (“Giáo: những lời dạy của đức Phật là Như Phật (chân lý); Lý: lý giải chân lý; Hành: thực hành phương pháp thực hiện chân lý;Quả:thể hiện chân lý”). (2) Luật Tạng: là kinh bao gồm các luật: đừng làm các việc ác, gắng làm những việc lành. Thánh sạch trong ý nghĩa, lời nói và hành động (3) Luận Tạng: là những bài thuyết giáo do các Bồ Tát, Tỳ Kheo trứ thuật và ghi chú những giáo lý mầu nhiệm trong hai bộ trên.

Giáo lý Phật giáo rất nhiêu khê, song tựu trung có ba điều căn bản

Tứ Thánh Đế

Tứ Thánh Đế là “bốn cái chân lý huyền diệu mà ta có thể gọi là tất cả tinh hoa của Phật Giáo nguyên thủy. Đây là con đường đưa loài người đến chỗ diệt khổ. Tứ Thánh Đế gồm:

Khổ Đế: là nói về cái khổ của con người.Sinh là khổ, bệnh là khổ, lão là khổ, rầu rĩ, than khóc, táng tâm chí, thất vọng là khổ.

Tập Đế: là lấy Thập Nhị Nhân Duyên mà tìm ra cái căn do bởi đâu mà kết tập thành khổ.

Diệt Đế: là theo lần Nhị Thập Nhân Duyên mà dứt từ ngọn cho tới gốc rễ cái khổ. Người càng diệt nhiều càng đắc đạo cao.

Đạo Đế: là các con đường phải theo để được giải thoát. Những con đường đó gọi là Bát Chánh Đạo, tức là tám con đường diệt khổ.

Vũ Trụ Quan

Tứ Thánh Đế là tinh hoa của giáo lý nhà Phật, còn luận về vũ trụ thì vay mượn của Ấn Độ giáo. Vũ trụ này do nghiệp mà ra. Thế giới vô biên, chúng sinh vô hạn lượng nhưng tất cả đều do “nghiệp” biến hiện. Ngoài thuyết nghiệp còn có thuyết Sắc và Không. Sắc là những hình thể của sự vật mà ngũ quan cảm biết được. Không là trạng thái vô thể, vô sắc, vô âm nên chẳng thể dùng giác quan mà suy tưởng. Dưới nhãn quan Phật học, “vũ trụ vạn hữu không ngoài định đề Sắc, Không, nó tiếp nối nhau như luật nhân duyên, nhân quả và luôn luôn biến chuyển, nếu bất động thì vạn vật sẽ tự diệt.

Nghiệp Báo Luân Hồi

Trung tâm đạo Phật là thuyết về luân hồi,nghĩa là vạn vật đã vào vòng sinh tử để cứ sống đi chết lại mãi mãi, không bao giờ cùng, cũng như cái bánh xe đã quay thì càng quay càng nhanh, không bao giờ dừng... Theo thuyết ấy, đã có sinh ra tất phải chết đi, đã chết đi tất phải sinh lại, sinh tử, tử sinh, vô cùng, vô hạn, hết đời nọ đến kiếp kia, hết kiếp này đến đời khác, gọi là luân hồi. Song những đời đời kiếp kiếp ấy, tử tử sinh sinh ấy, là làm nhân quả lẫn cho nhau, không phải là vô bằng vô cứ. Các việc hiện xảy ra ở đời này là sự thưởng hay sự phạt những việc đã xảy ra trong kiếp trước, và là nguyên nhân mầm mống những việc sẽ xảy ra về kiếp sau. Đạo Phật gọi phép báo ứng ấy là nghiệp báo, Phạn tự gọi là Karma, Nghĩa chữ nghiệp báo là vừa chỉ cái việc làm, vừa chỉ cái kết quả việc ấy về sau này.

Nói cho dễ hiểu, ta sống đời này đây, nhưng ta đã sống kiếp trước rồi. Do kiếp trước của ta mà ta có kiếp này. Bởi vì theo thuyết luân hồi thì người ta sống kiếp này, lại hóa ra kiếp khác. Mỗi một kiếp của ta là đã đeo theo cái nghiệp của ta đã gây ra khi ta sống ở kiếp trước. Cái nghiệp là một công lệ chung của tạo hóa. Vạn vật không có vật nào tránh khỏi dù là thần Thánh cũng vậy. Chỉ có khi nào thành Phật rồi là đã phá được “vô minh”thì cái nghiệp ấy không có mầm mà sinh nảy ra được, là tự nó phải chết. Còn các vật ở trong vô minh, thì vật nào cũng có nghiệp. Người làm điều lành, điều phải thì có cái nghiệp tốt để báo ứng cho điều lành, điều phải. Người làm điều ác,điều dở thì có cái nghiệp xấu để báo ứng cho điều ác, điều dở. Xấu hay tốt, dữ hay lành là tự mình làm ra, rồi tự mình được hưởng hay phải chịu lấy, chứ không có ai làm cho mình tránh được cái nghiệp của mình đã gây ra. Như thế, nghiệp là cái đạo báo ứng tự nhiên chí công.

Ý NIỆM VỀ THƯỢNG ĐẾ

Đức Phật phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Người không bao giờ nói đến Thượng Đế, chẳng dạy Phật tử cầu Thượng Đế.Toàn bộ Tam Tự Kinh của Phật giáo tuyệt đối không đề cập đến một sự hiện hữu nào của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên khi khảo cứu về Tạo Hóa, ta thấy đức Phật có đề cập đến Đấng Chí Cao, nhưng Ngài chính là Đấng đã tạo nên những con người dâm ô độc ác, vì vậy Đấng Chí Cao còn độc ác hơn cả loài người. Cho nên Đấng Chí Cao của Phật giáo không giống như Đấng Chí Cao của Do Thái giáo hoặc của Cơ Đốc giáo mà Ngài chính là Brahma của Ấn Độ giáo và đạo Bà-la-môn.

Đức Phật cũng không tin có thần linh. Người cho rằng: “Thật là điên khùng mới nghĩ rằng một người khác có thể làm cho ta sung sướng hoặc cực khổ”. Đức Phật cũng phủ nhâïn thiên đàng, hỏa ngục,cũng không tin sự thưởng thiện phạt ác, vì con người bệnh và chết là do luật sinh hóa tự nhiên chứ chẳng do ý một vị thần linh nào cả. Thần học của Ngài là một thứ thần học vô thần, mà tâm lý học của Ngài cũng là một thứ tâm lý học vô linh hồn. Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận thuyết linh hồn và ngay đến con người cũng không có linh hồn.[1]Tuy nhiên về giáo lý Phật giáo thì lại tin có sự thưởng thiện phạt ác, có thiên đàng, hoả ngục, song các nơi ấy là những chặng xứng hiệp với nhân quả con người đã gieo trong sinh tử, tử sinh. Còn niết bàn thì dành cho ai đã thoát được vòng luân hồi đó.

Ý NIỆM VỀ CON NGƯỜI

Đạo Phật lấy “con người làm cứu cánh và đối tượng chính để phục vụ và triển khai, bằng cách dạy cho con người thoát mọi ràng buộc khổ đau mê tối của nhiên giới, siêu giới và tâm giới; đồng thời đặt con người trước trách nhiệm của chính cuộc đời mình: cuộc đời này hoặc dở là do con người “tự tác tự thụ”. Đức Phật dạy: Mọi người đều là những vị Phật trong tương lai, vì mọi người đều có Phật tính và có khả năng thành phật. Con người chỉ cần làm hiển lộ được Phật tính (chân lý) ấy, tức sẽ thành Phật.

Phật giáo cho rằng “con người là một trong các sinh động vật, có những đặc tính khác với các loài động vật, như có tình cảm rộng sáng, tư tưởng linh họat, hành động quả cảm. Cho nên, mặc dù con người cũng mang trong mình bao thú tính = dục vọng, lầm lỡ, tội ác... nhưng nếu xét theo khả năng và giá trị đặc biệt của nó thì trong tất cả các loài, con người có đủ điều kiện trở thành ưu việt.”

Ý NIỆM VỀ SỰ CỨU RỖI

Đức Phật Thích Ca nhận thấy cuộc đời là bể khổ mà người ta bị trầm luân trong đó. Sự khổ ấy không phải là một kiếp này phải chịu mà hết kiếp sang kiếp khác, cứ sinh tử, tử sinh mãi mãi mà chịu nỗi khổ ấy không bao giờ thôi. Cái nghiệp ra chịu kiếp này là cái quả của công việc ta về kiếp trước mà những công việc ta về kiếp này lại là cái nhân của nghiệp ta về kiếp sau. Thế là ta phải cứ chịu nghiệp báo ấy mãi mãi.

Nguyên nhân sự khổ là gì? Chính là lòng tham muốn của người ta: tham sống, tham sướng, tham mạnh.

Vậy muốn diệt khổ, thì phải tiêu trừ lòng ham muốn. Muốn thế, phải dốc chí tu hành, chánh tâm theo đạo để cắt đứt những cái nhân duyên nó ràng buộc mình ở trần thế. Khi đã diệt được cái khổ rồi, tức là được giải thoát, thì ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, không sinh, không tử nữa mà tới cõi niết bàn.

Để đạt tới sự giải thoát, con người phải trải qua Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập Diệt và Đạo Đế. Sau đó đi vào Bát Chánh Đạo, tức là 8 con đường để tu cho thành chánh quả: (1) Chính Kiến: là thấy rõ,biết rõ chân lý, không để cho cái tà kiến che lấp sự sáng suốt của mình, khiến cho sự tin tưởng của mình không sai lầm. (2) Chính Tư Duy: là lập chí theo chân lý mà suy nghĩ cho đến chỗ giác ngộ được đạo chính. (3) Chính ngữ: là nói những điều đúng chân lý, không nói những điều gian tà, giả dối. (4) Chính Nghiệp: là làm những việc ngay chính công bình, không làm những việc tàn bạo gian ác. (5) Chính mệnh: là sống theo con đường công chính, không tham lợi lộc mà bỏ những điều nhân nghĩa. (6) Chính Tinh Tiến: là cố gắng học tập, tu luyện cho đến Đạo, giữ tâm trí cho ngay chính sáng suốt đừng để những điều tham, sân si và những tà kiến, vọng tưởng làm cho ta đi lầm đường lạc lối. (7) Chính Niệm: là đem ý niệm của mình chú vào đạo lý chân chính,không tưởng nhớ đến những điều bạo ngược gian ác. (8) Chính Định: là định cái tâm trí của mình vào đạo lý chân chính, không ai để cái gì lay chuyển được. Nếu theo tám con đường chính ấy mà tự trị lấy mình, tự giác ngộ lấy mình thì sẽ tới cõi Niết bàn.

Vấn đề căn bản trong Phật giáo là sự đau khổ; còn trong Cơ Đốc giáo là tội lỗi.

Sự cứu rỗi theo Phật giáo là giải thoát khỏi khổ đau; còn theo Cơ Đốc giáo là giải phóng khỏi tội lỗi và phục hòa với Đức Chúa Trời.

Đức Phật nói: “Ta đã tìm được con đường và bây giờ ta chỉ cho ngươi con đường đó”; còn Chúa Cứu Thế Giê-xu tuyên bố: “Ta là con đường”.

Phật giáo đặt trọng tâm vào khả năng con người—nhu cầu ảnh hưởng—trong khi Cơ Đốc giáo đặt trọng tâm vào Đức Chúa Trời—mục đích và sự cung ứng của Ngài.

Động lực giải thoát trong Phật giáo là sức tu của mỗi người. Ai dũng mạnh, có tâm lực cương kiện, người ấy tu được chính quả. Ai yếu đuối thì cứ phải chịu muôn kiếp trầm luân trong bể khổ. Như thế,người bình dân thật khó mà đạt tới sự giải thoát vì người chẳng bao giờ thực hiện nổi đường tu ấy.

Quan niệm về sự cứu rỗi của Phật giáo là do việc làm, song việc làm ấy ít ai thể hiện được. Trong khi đó, Cơ Đốc Giáo tin rằng con người được cứu là nhờ ân phúc Thượng Đế, do đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là một tặng phẩm của Thượng Đế, chứ không do kết quả của công đức con người vì con người không thể tự cứu mình. Thánh Kinh chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em,bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9)."