GƯƠNG CHỨNG ĐẠO -- CHÚA GIÊ-XU LÀM CHỨNG CHO NI-CÔ-ĐEM
1.—Chúa hoan nghênh người đến thăm Ngài bất cứ lúc nào và đối đãi chân thành với người
2.—Ngài hướng dẫn tội nhân chú ý đến trọng tâm của vấn đề càng sớm càng tốt
3.—Ngài gợi sự thích thú ngay lúc mới bắt đầu làm chứng
4.—Ngài nhấn mạnh về sự tái sinh, chớ không phải cải cách xã hội
5.—Ngụ ý rằng nếu tội nhân đang tìm kiếm chân lý, chắc sẽ được
“Có một nhà lãnh đạo Do Thái thuộc phái biệt lập, tên là Ni-cô-đem. Một buổi tối, ông đến thăm Chúa Giê-xu và nhìn nhận: Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là Giáo sư Thượng Đế sai xuống, vì nếu Thượng Đế không cộng tác, chẳng ai thực hiện nổi những phép lạ Thầy đã làm”.Chúa Giê-xu đáp: “Đây là sự thật: nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa”. Ni-cô-đem thắc mắc: “Người đã già làm cách nào tái sinh được? Không lẽ trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa sao? Chúa Giê-xu đáp: “Đây là chân lý: Nếu không nhờ nước và Thánh Linh sinh ra, không ai được vào Nước Chúa.Thể xác chỉ sinh ra thể xác; Thánh Linh mới sinh ra tâm linh. Ông đừng ngạc nhiên khi nghe tôi nói: con người phải tái sinh! Gió thổi hướng nào cũng được.Nghe tiếng gió, nhưng ông không biết gió đến từ đâu hay sẽ đi đâu. Người được Thánh Linh sinh thành cũng thế. Ni-cô-đem lại hỏi: “Làm sao thực hiện điều đó?”Chúa đáp: “Ông làm giáo sư dân Do Thái mà chưa hiểu điều căn bản đó sao? Đây là sự thật, chúng tôi nói điều chúng tôi biết, làm chứng điều chúng tôi thấy,nhưng các ông không chấp nhận. Tôi nói những việc dưới đất, các ông còn không tin, làm sao các ông tin được những việc trên trời? Không bao giờ có ai lên trời, ngoại trừ Chúa Cứu Thế từ trời xuống trần gian. Như Mai-sen đã treo con rắn giữa sa mạc, tôi cũng phải bị treo lên, để bất cứ người nào tin tôi đều được sự sống vĩnh viễn. Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn. Thượng Đế sai con Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người.” (Giăng 3:1-17 BDY).
Ni-cô-đem là người có địa vị cao trọng trong giáo quyền Do Thái. Ông thuộc phái biệt lập, cũng là hội viên của tòa công luận. Là giáo sư của Y-sơ-ra-ên, Ni-cô-đem đến thăm Chúa Cứu Thế vào một buổi tối trong thời gian Ngài ở Giê-ru-sa-lem. Điều quan trọng đầu tiên ta thấy là Chúa tiếp nhận và hoan nghênh Ni-cô-đem bất kể ngày hay đêm.
Cho dù nhiều người biệt lập không tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, song Ni-cô-đem rất chú ý đến các phép lạ Chúa làm. Ông đến với Chúa với tấm lòng kính phục và nói rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là Giáo sư Thượng Đế sai xuống, vì nếu Thượng Đế không cộng tác, chẳng ai thực hiện nổi những phép lạ Thầy đã làm.”
Vừa khi Ni-cô-đem mở đầu, Chúa đã biết rõ căn bệnh thuộc linh của ông. Đó là bệnh chưa được tái sinh, chưa có sự sống thuộc linh. Đây là điểm quan trọng thứ hai ta cần để ý. Chúa biết rõ điều Ni-cô-đem cần, đó là tấm lòng được đổi mới nên Chúa vào ngay vấn đề: “Đây là sự thật: nếu không tái sinh, không ai thấy được Nước Chúa.”
Ni-cô-đem dù là một người trí thức từng nghiên cứu thần học, đã phải lúng túng với lời phán của Chúa. Ông thốt ra những lời đầy ngạc nhiên: “Người đã già làm cách nào tái sinh được? Không lẽ trở vào lòng mẹ để sinh ra lần nữa sao?” Ni-cô-đem chưa hề nghe nói về sự tái sinh,chưa từng kinh nghiệm sự tái sinh, rồi khi Chúa giải thích ông cũng không hiểu nổi.
Bệnh của Ni-cô-đem là bệnh chung của nhân loại. Trường hợp của Ni-cô-đem là trường hợp chung của con người qua mọi thời đại. Bệnh nhân không biết lý do của căn bệnh đang mang, không hiểu được nhu cầu của mình, ai nấy lúng túng trước vấn đề: phải làm sao để được cứu rỗi?
Khi Ni-cô-đem hỏi: “Làm sao thực hiện được điều đó?” Chúa không cố gắng giải thích hết mọi điều, song nhắc cho ông nhớ điển tích Môi-se treo con rắn lửa bằng đồng giữa sa mạc để dân sự khi bị rắn cắn nhìn lên đó thì được cứu sống. Chúa cho Ni-cô-đem biết con rắn bằng đồng bị treo lên đó, chỉ về sự chết của Ngài trên thập tự giá. Nếu ai nhìn xem Chúa,tức là tin Chúa đã chết thay tội mình thì sẽ được sự sống đời đời.
Muốn được tái sinh để có thể vào Nưóc Trời,Ni-cô-đem phải nhìn nhận mình là một tội nhân đang bị nọc độc của tội lỗi hành hạ và sẽ bị hình phạt như con rắn bị treo trên cây sào. Song Chúa Cứu Thế tự nguyện chịu hình phạt thay ông trên thập tự giá. Nếu ông tin Ngài thì được sự sống vĩnh viễn, tức là được tái sinh. “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh viễn.”
Ni-cô-đem đã ngạc nhiên lại càng ngạc nhiên hơn. Ông kể mình thuộc hạng có điều kiện nhất để được vào nước Trời. Ông hy vọng Chúa tỏ ra tôn trọng ông hay ít nữa nói lên một lời chấp nhận ông là con người đạo đức, trái lại mọi sự như đã sụp đổ tận nền móng. Những gì Ni-cô-đem tin cậy, tự hào của một người Do Thái chính tông, một người biệt lập tích cực đã trở thành vô dụng đối với Đức Chúa Trời. Ông phải tự nhận là một tội nhân đang hư mất, hạ mình tin cậy sự chết đền tội của Chúa Cứu Thế để được cứu. Đó không phải là công lao, cố gắng của ông, nhưng là ân phúc Đức Chúa Trời ban cho ông.
Một bài làm chứng tuyệt diệu về Phúc Âm cứu rỗi mà Ni-cô-đem là người đầu tiên trong nhân loại, có diễm phúc được nghe Chúa Cứu Thế trình bày. Chúng ta rất vui mừng vì Ni-cô-đem đã tin Chúa, mặc dù không ai biết rõ ông đã tin ngay hôm đó hay về sau.
Qua bài làm chứng của Chúa Cứu Thế, ta đọc được nhiều nguyên tắc để áp dụng cho thời nay.
- Chúa hoan nghênh người đến thăm Ngài bất cứ lúc nào và đối đãi chân thành với người.
- Ngài hướng dẫn tội nhân chú ý đến trọng tâm của vấn đề càng sớm càng tốt.
- Ngài gợi sự thích thú ngay lúc mới bắt đầu làm chứng.
- Ngài nhấn mạnh về sự tái sinh, chớ không phải cải cách xã hội.
- Ngài không cố gắng giải thích mọi sự cho tội nhân, song quả quyết rằng đó là sự thật.
- Ngài ngụ ý rằng nếu tội nhân đang tìm kiếm chân lý, chắc sẽ được.
CHÚA GIÊ-XU LÀM CHỨNG CHO THIẾU PHỤ SA-MA-RI
1.—Chúa đi đến nơi tội nhân ở, thay vì chờ tội nhân đến với Ngài.
2.—Chúa không cảm thấy phẩm giá bị hạ thấp việc tiếp xúc với người tội lỗi xấu xa.
3.—Chúa gợi nhu cầu thuộc linh bằng cách đề cập các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.
4.—Chúa bày tỏ cho người nghe biết tội lỗi mình qua việc để họ tự nhận, chớ không lên án.
5.—Chúa tránh tranh biện.
6.—Chúa giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế và kêu gọi sự đáp ứng bởi đức tin.
“Chúa rời xứ Giu-đê qua xứ Ga-li-ê. Theo lộ trình, Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri. Gần đến thành Si-kha trong sứ Sa-ma-ri, Chúa dừng chân bên giếng Gia-cốp, thuộc khu đất Gia-cốp cho con là Giô-sép. Vì đi đường mệt mỏi, Chúa ngồi nghỉ bên giếng vào lúc giữa trưa. Thấy một thiếu phụ Sa-ma-ri đến múc nước, Chúa bảo: “Chị cho tôi uống nước”. Lúc đó,các môn đệ đã vào thành mua thức ăn. Chị ấy ngạc nhiên: “Ông là người Do Thái,sao lại xin phụ nữ Sa-ma-ri cho uống nước? (người Do Thái không bao giờ giao thiệp với người Sa-ma-ri). Chúa đáp: “Nếu chị biết được tặng phẩm Thượng Đế dành cho chị, và biết tôi là ai, tất chị sẽ xin tôi cho nước hằng sống”. Chị dè dặt hỏi: “Thưa ông, giếng thì sâu mà ông không có gàu dây gì cả,làm sao ông múc được nước sống đó? Liệu ông tài giỏi hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp sao? Người đã để giếng này lại cho chúng tôi. Chính người, con cái và súc vật người đều uống giếng này. Chúa đáp: “ uống nước này sẽ còn khát mãi,nhưng uống nước tôi cho sẽ thành một mạch nước trong tâm hồn, tuôn tràn mãi mãi sức sống vĩnh viễn”. Chị mừng rỡ: “Thưa ông, xin ông cho tôi uống nước ấy cho đã khát, để khỏi cực nhọc đến đây múc nước nữa. Chúa bảo: Chị đi về gọi anh đến đây! Chị bẽn lẽn: “Tôi không có chồng”. Chúa ôn tồn: “Chị nói chị không có chồng cũng phải. Vì chị đã có năm đời chồng, còn người đang sống với chị cũng chẳng phải chồng chị. Chị nói thế mà đúng. Chị sợ hãi nhìn nhận: “Ông thật là nhà tiên tri, biết hết mọi chuyện”, rồi chị hỏi Chúa: “Thưa ông, tổ phụ chúng tôi thờ Thượng Đế trên đỉnh núi này. Tại sao người Do Thái các ông bảo thủ đô Giê-ru-sa-lem mới đúng là nơi thờ phượng? Chúa đáp: “Chị cứ tin lời tôi,đã đến lúc người ta không thờ phượng Thượng Đế trên núi này, cũng không phải là Giê-ru-sa-lem nữa. Thờ phượng Chúa nơi nào cũng được, điều quan trọng là thờ phượng cho đúng cách, với lòng chân thành, do Thánh Linh hướng dẫn. Vì Thượng Đế là thần linh, nên Ngài muốn con người thờ phượng Ngài cách ấy. Người Sa-ma-ri không hiểu rõ sự thờ phượng, còn chúng tôi biết rõ, vì sự cứu rỗi nhân loại bắt đầu từ người Do Thái. Chị ấy thưa: Tôi biết Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện.Ngài sẽ chỉ dẫn mọi việc cho chúng ta. Chúa đáp: “Tôi chính là Chúa Cứu Thế”.Thiếu phụ bỏ vò nước bên giếng, chạy vào thành phố, hăng say nói với mọi người: Đồng bào mau ra xem, Ngoài kia, có một người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm. Đó không phải là Chúa Cứu Thế sao? Dân chúng kéo nhau đến gặp Chúa.Nhiều người Sa-ma-ri trong thành Si-kha tin nhận Chúa nhờ lời chứng của thiếu phụ: “Người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm!” Gặp Chúa bên bờ giếng, họ nài xin Chúa ở lại với họ, nên Chúa lưu lại hai ngày. Nghe Chúa giảng dạy, lại có thêm người tin Ngài. Họ bảo thiếu phụ: Bây giờ chúng tôi tin, không phải chỉ nhờ lời chứng của chị, nhưng chúng tôi đã nghe Chúa dạy, và biết Ngài là Đấng Cứu Tinh của thế giới.” (Giăng 4:1-26,Giăng 4:28-30,Giăng 4:39 -42 BDY).
Câu chuyện trên bắt đầu với những lời này: “Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri”. Tại sao Chúa phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri? Vì Ngài biết tại đó có một tội nhân đang trông chờ Chúa Cứu Thế. Vậy Chúa đã đến đúng chỗ hẹn, và đúng thời điểm để gặp một người, đó là thiếu phụ Sa-ma-ri.
Chúa có thể chờ đợi thiếu phụ này đến cùng Ngài, lúc đó danh tiếng Chúa đã được đồn khắp trong dân chúng. Chắc chắn thiếu phụ đã nghe về Ngài và biết Chúa có thể giúp bà nếu bà đến với Ngài. Tuy nhiên,Chúa không chờ cho bà tìm đến Ngài. Chúa biết có nhu cầu trong tấm lòng đó và vì vậy Ngài đến với bà. Một câu châm ngôn đã viết: “Nếu muốn bắt cá, bạn phải đi đến nơi có cá”. Chúa đã thực thi đúng như thế.
Chúa có cách gợi chuyện thật tuyệt tác. Từ một câu hỏi xin nước thiên nhiên, “Chị cho tôi uống nước!” Chúa đã dẫn thiếu phụ đến chỗ ý thức về nhu cầu nước sống. Một câu mở đầu rất đơn giản, nhưng có tác dụng sâu xa. Ta hãy học nơi Chúa phương cách gợi chuyện hữu hiệu này trong việc truyền bá Phúc Âm. Ta nên bắt đầu câu chuyện về các vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày. Câu Chúa xin nước uống, đã phá đổ bức tường thành kiến về kỳ thị chủng tộc giữa Do Thái và Sa-ma-ri, khiến người thiếu phụ lấy làm lạ hỏi:“Ông là Ngài Do Thái, sao lại xin phụ nữ Sa-ma-ri cho uống nước?” Đây là điều người Do Thái chẳng hề làm. Sự ngạc nhiên ấy khơi dậy tính hiếu kỳ của thiếu phụ, khiến bà càng thêm chú ý “người khách lạ” này, và thấy thích thú trong việc tìm hiểu người .
Để hướng dẫn thiếu phụ đến chỗ ý thức nhu cầu thuộc linh, Chúa giục bà hãy tìm biết Ngài là ai, và hãy xin Ngài ban cho nước uống. Bà dè dặt hỏi: “Thưa ông, giếng thì sâu mà ông không có gàu dây gì cả,làm sao ông múc được nước sống đó? Liệu ông tài giỏi hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp sao? Người đã để giếng này lại cho chúng tôi. Chính người, con cái và súc vật người đều uống giếng này”.
Đôi lúc làm chứng, ta cũng gặp lời chống đối tương tự: “tôi có đạo rồi.” “Chúa của ông lớn hơn vị giáo chủ của tôi sao?”Điều ta để ý là Chúa không cải lý. Ngài không nói gì đến tên Gia-cốp, cũng chẳng lý luận để minh chứng Ngài lớn hơn Gia-cốp. Nhưng Chúa chuyển câu chuyện nước thiên nhiên qua nước thiêng liêng.
Khi người nghe nhận thức được nhu cầu thuộc linh của họ, thì bước thứ hai là bày tỏ cho họ nhìn biết tội lỗi mình. Vì thế Chúa bảo bà về gọi chồng đến, rồi Ngài sẽ ban cho nước sống. Bà không thể nào được nước sống, nếu chưa xưng ra tội lỗi mình. Tội lỗi trong lòng làm tắt nghẽn nguồn nước sống.
Bà đáp: “Tôi không có chồng.” Chúa ôn tồn:“Chị nói chị không chồng cũng phải, vì chị đã có năm đời chồng, còn người đang sống với chị cũng không phải là chồng chị. Chị nói thế mà đúng. Điều ta chú ý là Chúa không lên án tội lỗi của thiếu phụ, cũng chẳng chỉ thẳng tội lỗi của bà; nhưng Ngài nêu lên sự kiện để cho bà biết thực trạng tội lỗi của mình.
Thấy Chúa biết rõ cuộc sống riêng tư của mình, thiếu phụ nhìn biết Ngài là nhà tiên tri. Và một lần nữa bà lại tẻ đề. Để Chúa không nói thêm gì đến đời tư mình, thiếu phụ đưa ra câu hỏi về vấn đề thờ phượng. “Thưa ông, tổ phụ chúng tôi thờ Thượng Đế trên đỉnh núi này. Tại sao người Do Thái các ông bảo thủ đô Giê-ru-sa-lem mới đúng là nơi thờ phượng.”
Địa điểm thờ phượng Đức Chúa Trời là vấn đề tranh luận sôi nổi trong vòng người Do Thái và Sa-ma-ri thời bấy giờ. Người Do Thái cho rằng nơi đáng thờ phượng là Giê-ru-sa-lem; trong khi đó người Sa-ma-ri chọn Ga-ri-xim làm nơi thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu không đi vào vòng tranh luận hạn hẹp ấy. Ngài đặt trước mặt người thiếu phụ một viễn tượng rộng lớn về sự thờ phượng Đức Chúa Trời vượt quá giới hạn của không gian và thời gian: “Vì Đức Chúa Trời là thần của nên ai thờ phượng Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng”. Chúa muốn nói cho bà rằng sự thờ phượng không phải tại trên núi Ga-ra-xim hay tại thành Giê-ru-sa-lem mà tại trong lòng, tức là tâm thần và lẽ thật. Nếu Đức Chúa Trời chỉ ngự trên núi Ga-ra-xim hay trong thành Giê-ru-sa-lem, thì chúng ta hoàn toàn vô phước. Điều quan trọng nhất là chúng ta được Ngài ngự trong lòng và chúng ta thờ phượng Ngài bằng tâm thần và lẽ thật. Khi người Y-sơ-ra-ên dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời thì họ phải làm thật đúng như Chúa đã dạy trong lời của Ngài là lẽ thật. Họ phải lấy tâm thần mà đến gần Đức Chúa Trời và giao thông với Ngài.
Mắt của bà dường như sáng lên, lòng của bà mở ra, bà nói với tất cả niềm tin: Tôi biết Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện. Ngài sẽ chỉ dẫn mọi việc cho chúng ta”. Chúa đáp: “Tôi chính là Chúa Cứu Thế.”Tại đây, ta thấy bài làm chứng của Chúa đã qua bước thứ ba là giới thiệu Chúa Cứu Thế và sự cứu rỗi của Ngài cho tội nhân.
Trong lúc tuyệt vọng mà gặp được Chúa Cứu Thế, thiếu phụ vui mừng khôn xiết. Bà quên việc múc nước, quên cả cái vò, chạy vào thành Si-kha nói với mọi người: “Đồng bào mau ra xem. Ngoài kia, có một người nói đúng tất cả những việc tôi đã làm. Đó không phải là Chúa Cứu Thế sao?”Dân chúng kéo nhau đến gặp Chúa.
Qua cách Chúa chứng đạo, ta học được những nguyên tắc này.
- Chúa đi đến nơi tội nhân ở, thay vì chờ tội nhân đến với Ngài.
- Chúa không cảm thấy phẩm giá bị hạ thấp do việc tiếp xúc với người tội lỗi xấu xa.
- Chúa gợi nhu cầu thuộc linh bằng cách đề cập các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.
- Chúa bày tỏ cho người nghe biết tội lỗi mình qua việc để họ tự nhận, chớ không lên án.
- Chúa tránh tranh biện.
- Chúa giới thiệu Ngài là Đấng Cứu Thế và kêu gọi sự đáp ứng bởi đức tin.