A5.2 ÁO GIÁP VÀ CÂY TRƯỢNG CÔNG BÌNH
Chương 2
ÁO GIÁP VÀ CÂY TRƯỢNG CÔNG BÌNH
Dẫn nhập
"Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời (Tại sao?) để được đứng vững... "(Ê-phê-sô 6:11).Khi bạn cầu nguyện, bạn đang bước vào trận chiến thuộc linh. Bạn sẽ bị tấn công. Vì vậy bạn cần những khí giới của Đức Chúa Trời để bảo vệ bạn (giáp trụ để tự vệ) và gươm của Thánh Linh (vũ khí tấn công của bạn) để chiến thắng. (Bạn nên xem Phần D 9. 3_Chuẩn bị đuổi quỉ, để nắm những hướng dẫn về việc mang lấy khí giới.)
A. ÁO GIÁP CÔNG BÌNH.
Trong hầu hết các quốc gia, cảnh sát thường được trang bị những áo chống đạn. Nếu bị bắn bởi một khẩu súng cỡ nhỏ, chiếc áo nầy sẽ ngăn chặn những viên đạn, không để người cảnh sát bị thương hay tử vong.
Thời xưa, mối đe dọa này là đá, mác và kiếm. Chiếc áo giáp là phương tiện bảo vệ thân mình của các chiến sĩ khỏi những vũ khí nầy.
Ngày nay, áo giáp công bình dành cho bạn và tôi cũng vậy. Nó bảo vệ chúng ta khi chiến đấu cùng tội lỗi và Sa-tan.
"Áo giáp công bình "là một phần rất quan trọng của khí giới thuộc linh của chúng ta. Nó bảo vệ và che chở cho lòng của chúng ta (những xúc cảm và tình cảm). Cả hai điều nầy cần được canh giữ nếu chúng ta sẽ phải tránh né những sự cám dỗ của kẻ ác.
Có hai khái niệm về sự công bình trong Kinh Thánh Tân ước. Cả hai đều liên quan đến giáp trụ của chúng ta.
1. Chỗ Đứng Công Nghĩa, Tức Là Sự Công Bình Được Mặc Vào
Khái niệm thứ nhất về sự công bình là "địa vị công bình " của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết. Đây là mỹ đức của bổn tánh Ngài, trở thành của chúng ta qua Chúa Jesus khi chúng ta tin. Đây cũng là một món quà (ân tứ) của ân-điển Ngài, "được kể " cho chúng ta khi chúng ta tin Chúa Jesus là Cứu Chúa và Chúa chúng ta.
Kinh Thánh chép:"Ápraham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người "(Gia-cơ 2:23). Đây là điều chúng ta sẽ nhận được khi chúng ta đặt tất cả tội lỗi của mình một bên, bên kia là tất cả các việc lành của chúng ta, rồi dâng lên cho Chúa Jesus.
Khi chúng ta hoàn toàn tin cậy vào Ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta không chỉ được tha thứ tội lỗi, mà còn được mặc áo công bình của Đấng Christ.
Đức Chúa Trời nhìn chúng ta qua con của Ngài như là một người chưa hề phạm tội, bởi vì Chúa Jesus đã cất đi tội lỗi của chúng ta và ban cho chúng ta sự công bình của Ngài. Đây là "sự công bình được kể cho ".
2. Hành Vi Công Bình - Sự Công Bình Được Truyền Cho.
a. Điều Đức Chúa Trời Mong Đợi.
Rôma chương 6,7 và 8 mô tả một loại công bình thứ hai. Đức Chúa Trời không chỉ "kể" sự công bình của Ngài là của chúng ta, mà Ngài còn "ban "(đặt để) bản tính công bình của Ngài trong chúng ta. Qua quyền năng của Thánh Linh, Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống hay bày tỏ một đời sống công bình. Chúng ta sẽ phải:
1) Có những động cơ "công bình"
2) Suy nghĩ những điều "công bình"
3) Nói những lời "công bình" và
4) Làm những việc "công bình".
b. Khi Những Người Khác Nhìn Xem Bạn.
Loại công bình thứ hai nầy là sự thánh khiết trong bản chất và hành động. Nó được bày tỏ từ cuộc đời của Chúa Jesus qua cuộc đời của chúng ta.
Đây là một loại công bình rất thực tế mà những người khác cũng như Đức Chúa Trời có thể nhìn xem chúng ta. Điều nầy có nghĩa:
1) Có những động cơ trong sạch.
2) Có những thái độ đúng đắn.
3) Thuận phục uy quyền.
4) Nói lên sự thật trong tình yêu thương.
5) Chân thật trong tất cả các công việc.
6) Làm công việc của chúng ta như thể Chúa Jesus là ông chủ của chúng ta.
7) Phục vụ những người khác cách vui vẻ,
8) và nhiều hơn nữa...!
c. Đức Thánh Linh Là Chìa Khóa.
Chúng ta được dạy trong Rôma chương 8 rằng chìa khóa để sống một cuộc đời thánh khiết là quyền năng của Đức Thánh Linh.
Tiêu chuẩn cho một cuộc sống công bình là luật pháp, nhưng luật pháp không thể giúp đỡ chúng ta sống theo nó. Chỉ một mình Đức Thánh Linh mới có thể làm điều nầy.
Tuy nhiên, Ngài là một Linh "Thánh khiết ".
1) Làm Buồn Đức Thánh Linh Và Đánh Mất Sự Che Phủ.
Bất cứ khi nào chúng ta để cho những ham muốn bất khiết (tham lam) hay những động cơ bất khiết (xác thịt của chúng ta) điều khiển, Đức Thánh Linh bị buồn rầu hay đau đớn. Quyền năng Ngài trong các lãnh vực đó của cuộc sống chúng ta bị dập tắt hay yếu đi (Ê-phê-sô 4:30; 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:19). Chúng ta sẽ không còn được bảo vệ như chúng ta cần phải được bảo vệ.
Như vậy, chúng ta đã ném đi"giáp trụ công bình "của mình, đặt mình vào vị trí tấn công của ma quỉ. Chắc chắn nó sẽ tấn công chúng ta.
2) Sống Công Bình Và Được Bảo Vệ.
Sự bảo vệ ở phía sau giáp trụ công bình (hành vi công bình). Nếu chúng ta làm sự công bình, chúng ta sẽ được an toàn. Nếu chúng ta cẩn thận, tận tâm, nói và suy nghĩ, tuân theo luân lý trong tất cả những gì chúng ta làm, chúng ta sẽ hưởng được sự bảo vệ và chiến thắng.
Chúng ta hãy ăn ở thánh khiết, tinh sạch và công bình trước mặt Chúa và trước mặt những người khác.
Những động cơ của chúng ta, tức là những mục đích sâu kín của lòng chúng ta, phải là những động cơ tôn vinh Ngài và làm theo ý muốn của Ngài.
Hãy nghe lời của sứ đồ Giăng viết cho Hội thánh tại Sạtđe: "Nhưng, ở Sạtđe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo sống mình; những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy.
Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài. Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh "(Khải Huyền 3:4-6).
3. Chúng Ta Đang Chiến Trận
Phao-lô kết thúc lời khuyên dạy của mình về sự chuẩn bị cho chiến trận bằng những lời nầy: "Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin... cho hết thảy các thánh đồ "(Ê-phê-sô 6:18).Nguyện chúng ta không phạm lỗi trong điều này. Chắc chắn rằng trận chiến thuộc linh được diễn ra trong sự cầu nguyện.
Chiến trường sẽ đầy dẫy những người tử thương. Hàng ngàn những người lãnh đạo trên thế giới, là những người đã có lần đầy quyền năng và hữu ích cho công việc Chúa, bây giờ lại ngã dài. TẠI SAO? Thiếu giáp trụ công bình.
Êphêsô chương 6 là những lời bàn luận quan trọng của Phao-lô về TRẬN CHIẾN THUỘC LINH. Hãy đọc những câu Kinh Thánh trong chương 6 của sách Êphêsô:
Câu 10:"Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài ".
Câu 11:"Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ ".
Câu 13:"Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng ".
Câu 14:"Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình... ".
Phao-lô viết những lời nầy, bàn luận về các khí giới của Đức Chúa Trời cho Hội thánh tại Êphêsô. Đây là một thành phố vô cùng gian ác. Nó đầy dẫy những tội lỗi về tình dục là một phần trong sự thờ phượng hình tượng của họ.
Đó là nơi không tin kính, vô đạo đức, luân lý và bất khiết. Các đền thờ tôn giáo đầy dẫy những điếm đĩ và mọi hình thức tội lỗi về luân lý.
Vì vậy, sự cám dỗ cho các Cơ đốc nhân tại Êphêsô ở khắp mọi nơi. Để tồn tại trong một môi trường như vậy, chúng ta phải: "...lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình." (Ê-phê-sô 6:14). Điều nầy có nghĩa là chúng ta phải kiểm soát những đòi hỏi tình cảm và tình dục của mình.
a. Một Món Quà Của Ân điển Đức Chúa Trời.
"Áo giáp công bình" của chúng ta là một món quà của Ân điển Ngài. Nó là một phương tiện để tự bảo vệ. Cùng với sự che chở của nó, chúng ta có thể thẳng tiến vào lãnh địa của quân thù, đem đến lời chứng mạnh mẽ cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ thắng trận, những kẻ phu tù sẽ được tự do. Đây là điều thật sự đã xảy ra ở Êphêsô!
Đức Chúa Trời đã dấy lên những chứng nhân Cơ đốc tại thành phố gian ác đó để chứng minh quyền năng của những lời bàn luận của Phao-lô. Hội thánh đã lớn lên cách mạnh mẽ tại Êphêsô. Phao-lô cũng đã viết nhiều khải thị vô cùng quan trọng cho các tín hữu tại đây.
Họ được dạy rằng phải coi mình như là những hoàng tử, công chúa trong gia đình hoàng tộc của Đức Chúa Trời. Họ đã không chỉ chết với Đấng Christ, mà còn đã sống lại với Ngài để cùng Ngài cai trị ở thiên đàng.
Họ đã kinh nghiệm được ân điển của Đức Chúa Trời được phán hứa trong 1Sa-mu-ên 2:7:"Ngài đem kẻ khốn cùng ra khỏi bụi đất, và rút người nghèo khổ ra khỏi đống phân, đặng để họ ngồi bên các quan trưởng, cùng ban cho một ngôi vinh hiển làm cơ nghiệp "’
Lời hứa này cũng có thể được linh nghiệm ngay cả khi chúng ta bị thất bại hoặc ngã lòng. Đa-vít, tác giả của Thi thiên đã nếm biết điều này khi ông thất bại và phạm tội gớm ghê. Ông đã ăn năn cách thống thiết với Đức Chúa Trời. Bởi Ân điển, Ngài đã phục hồi ông."Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm; Ngài đặt chơn tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền (Thi Thiên 40:2).
b. Sự Công Bình Là Điều Thiết Yếu.
Bằng cách nào kẻ thù đã lẻn vào đời sống của một người lãnh đạo như Đa-vít? Đây là một câu hỏi quan trọng và cần một câu trả lời trung thực.
Kẻ thù sẽ đến bất cứ lúc nào một người khinh dễ luật pháp của Đức Chúa Trời và làm ô uế chính mình bằng tội lỗi. Người đó đã thỏa hiệp một số lãnh vực công nghĩa trong đời sống mình với tội lỗi.
Khi cầu nguyện, giáp trụ công bình là vấn đề sống còn. Vua Đa vít đã nói: "Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tiếng tôi. "(66:18). Sự vắng mặt của tội ác (không công bình) là điều vô cùng cần thiết để có một chức vụ cầu nguyện có kết quả. Tội ác làm cho Đức Chúa Trời không nghe lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng "...người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều "(Gia-cơ 5:16).
Chính sự thiếu vắng sự công bình trong một người lãnh đạo gây ra nhiều nan đề cho người đó hơn bất cứ điều gì khác. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục trong việc thông hiểu giáp trụ công bình là điều cần thiết cho chúng ta như thế nào, để chúng ta có thể kinh nghiệm được uy quyền của cây phủ việt công bình.
B. CÂY PHỦ VIỆT CÔNG BÌNH.
Trong những trang trước, chúng ta đã thấy được"giáp trụ công bình " quan trọng như thế nào đối với sự bảo vệ của chúng ta. Chúng ta đã học rằng sự công bình "được ban cho" là hành động cách công bình - đó là, bày tỏ bản tánh thánh khiết của Đức Chúa Trời qua đời sống hàng ngày của chúng ta.
Khi chúng ta mang lấy giáp trụ công bình, chúng ta sẽ hành động cách công bình, chúng ta sẽ vâng phục và bày tỏ sự đòi hỏi công bình của mười điều răn. Chúng ta làm được điều này bởi ân điển (quyền năng) của Đức Thánh Linh (Rô-ma 8:2).
Giáp trụ công bình giữ chúng ta khỏi những động cơ, những thái độ, và những hành động sai lầm. Nếu chúng ta bỏ qua khí giới nầy, chúng ta sẽ bị lừa dối và bị hủy diệt.
1. Sự Công Bình Đem Đến Uy Quyền.
Tuy nhiên, sự công bình còn có một vai trò khác vô cùng quan trọng trong đời sống của những chiến sĩ cầu nguyện. Cách ăn ở công bình là điều mang lại cho chúng ta uy quyền trong sự cầu nguyện trước ngai thiên đàng và quyền năng trong công tác của Vương quốc Đức Chúa Trời trên đất nầy.
Đavít đã nói những lời tiên tri về Con Đức Chúa Trời rằng: "Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia; Bính quyền nước Chúa là một bính quyền ngay thẳng. "(Thi Thiên 45:6; Hê-bơ-rơ 1:8).
Ađam đã được ban cho "cây phủ việt" để cai trị ngay khi ông được dựng nên. Ông được ban cho quyền quản trị trên khắp đất. Ông được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời, hoàn toàn công bình. Chừng nào ông còn duy trì ảnh tượng của Đức Chúa Trời, qua cách ăn ở công chính của mình thì ông còn có uy quyền trên tất cả mọi vật.
2. Tội Lỗi Cướp Đi Uy Quyền.
Khi Ađam phạm tội, bất tuân mạng lịnh của Đức Chúa Trời, cây phủ việt uy quyền tụt khỏi tay ông. Những cuộc chuyện trò hàng ngày của ông với Chúa chấm dứt. Ông bị đuổi ra khỏi Vườn Êđen, hai thiên sứ cầm gươm đứng trước cửa để không cho ông vào trở lại. Ông đã đánh mất quyền cai trị của mình (Sáng Thế Ký 3:24).
Tại sao vậy? Vì cây phủ việt của Vương quốc Đấng Christ là phủ việt của sự công bình.
Tội lỗi đã phá đi cung cách công bình của Ađam, và bởi vì uy quyền xuất phát từ sự công bình, nên Ađam đã đánh mất quyền cai trị của ông.
Trái ngược với Ađam, Thi Thiên 45:7 đã nói về Đấng Christ rằng: "Chúa ưa sự công bình, và ghét điều gian ác; cho nên Đức Chúa Trời... đã xức dầu cho Chúa bằng dầu vui vẻ trổi hơn đồng loại Chúa ".
Ngài được xức dầu và được ban cho uy quyền cách cao trọng bởi vì Ngài ghét điều gian ác và ưa thích điều thánh khiết và công bình. Đây là lý do Ngài nắm giữ cây phủ việt uy quyền.
Sự công bình (cách ăn ở công bình) đi trước uy quyền. Chúng ta thấy được lẽ thật thuộc linh nầy qua cuộc đời của Chúa Jesus. Dân chúng ngạc nhiên và kinh phục bởi uy quyền của Lời và công việc của Ngài. Họ đã thấy và nghe Ngài đuổi quỉ, chữa bịnh, kêu kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều, quở yên sóng biển, cùng nhiều dấu kỳ phép lạ khác. Đây là những chứng cớ chứng tỏ Ngài đã nắm giữ cây phủ việt công bình. Nếu chúng ta vi phạm nguyên tắc công bình nầy (cách ăn ở công bình), chúng ta đang hạn chế quyền năng và uy quyền của Đức Chúa Trời thi hành qua đời sống chúng ta.
3. Quyền Năng Trong Sự Cầu Nguyện.
Có một câu Kinh Thánh đáng lưu ý được chép trong Hê-bơ-rơ 5:7"...(Đấng Christ) đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin... vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời ". Lòng nhân đức của Ngài đã khiến cho lời cầu nguyện của Ngài được nhậm.
a. Bước Đi Cách Ngay Thẳng.
Nếu chúng ta muốn lời cầu nguyện của mình có quyền năng, chúng ta phải bước đi ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Sự không công bình làm cho Đức Chúa Trời quay mặt nghịch cùng chúng ta.
Nếu mối liên hệ trong gia đình của chúng ta không được giữ theo thứ tự phải lẽ, điều này có thể ngăn trở quyền năng trong sự cầu nguyện của chúng ta."Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong cách ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em "(1Phi-e-rơ 3:7).
Nếu chúng ta muốn có quyền năng trong sự cầu nguyện, chúng ta phải nhớ rằng "...làm... nên nước và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta... (để) trị vì trên mặt đất "(Khải Huyền 5:10).Kinh Thánh chép: "...sự công bình và sự ngay thẳng làm nền của ngôi Ngài "(Thi Thiên 97:2)."Nầy, sẽ có một vua lấy nghĩa (sự công bình) trị vì... "(Ê-sai 32:1).
Những câu Kinh Thánh nầy cho thấy rằng ngai và cây phủ việt uy quyền của Đức Chúa Trời sẽ ở với những người bước đi cách ngay thẳng và sống thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có thể được ban cho"sự xức dầu của vua " khi chúng ta"...làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần thần linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta. "(2Cô-rinh-tô 7:1).
"Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô- uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi "(6:17).
Bởi vì Cọt-nây là một người công bình, nên những lời cầu nguyện của ông được nhậm. "Trong thành Sêsarê, có một người tên là Cọtnây, làm đội trưởng của đội binh... Người vẫn là đạo đức, cùng cả nhà mình đều kính sợ Đức Chúa Trời, người hay bố thí cho dân, và cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời không thôi.
"Đương ban ngày, nhằm giờ thứ chín, người thấy rõ- ràng trong sự hiện thấy có một vị thiên sứ của Đức Chúa Trời vào nhà mình và truyền rằng: ...lời cầu nguyện cùng sự bố thí ngươi đã lên thấu Đức Chúa Trời, và Ngài đã ghi nhớ lấy. "(Công vụ 10:1-4).
Hãy chú ý đến sự liên hệ giữa việc bố thí của ông (công việc từ thiện, lòng vị tha) và lời cầu nguyện của ông."Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người, nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác. "(1Phi-e-rơ 3:12).
Những công việc công bình không mua được sự ưu ái của Đức Chúa Trời, nhưng chúng làm cho Đức Chúa Trời lắng nghe khi chúng ta cầu nguyện. Cách ăn ở công bình, đạo đức là những chìa khóa của quyền năng trong sự cầu nguyện.
b. Làm Sự Công Bình.
Tôi không dạy về một sự trọn vẹn không hề phạm tội, tức là một tình trạng vượt lên trên tội lỗi. 1Giăng 1:8 dạy chúng ta rằng:"Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta ". Tất cả chúng ta đều đã sa ngã, thất bại cho dù lòng chúng ta đang hướng về sự công bình.
Việc thực hiện những tội lỗi cố ý khác xa với sự thất bại trong những giây phút yếu đuối của chúng ta.
Nếu chúng ta vi phạm sự công bình, những thất bại đó sẽ nhanh chóng đem chúng ta đến sự ăn năn và đau thương về tội lỗi của mình. Chúng ta muốn nhận được sự tha thứ từ Cha Thiên thượng ngay khi chúng ta có thể.
Một ngày kia tôi đến thăm một nông trại nuôi cừu. Tôi đã giải thích sự khác nhau giữa bản tính của một con heo và một con cừu.
Khi một con heo rơi xuống một vũng bùn, nó chỉ nằm đó và lăn lộn thích thú. Nó sẽ tìm cách trở lại nơi dơ bẩn đó bất cứ khi nào nó có thể. Nhưng nếu một con cừu rơi vào một vũng bùn, nó sẽ cố gắng hết sức để nhanh chóng thoát ra khỏi vũng bùn và về sau sẽ cứ tránh xa nơi dơ bẩn ấy.
Sau buổi gặp gỡ đó, một trong những người ở nông trại ấy kể cho tôi nghe về kinh nghiệm cá nhân của ông. Đó là có một chiếc van đóng mở trong cổ máy xay gió của ông bị hư, vì vậy, nước tràn ra và tạo thành một vũng bùn lớn trên mặt đất.
Vài ngày sau, ông quay lại để kiểm tra cổ máy, ông phát hiện ra một con cừu của mình trượt vào vũng bùn, vì nó muốn uống nước từ bể chứa này.
Con cừu đã cố gắng hết sức khó khăn để thoát ra khỏi vũng lầy, cho đến khi nó chết trong đó. Rồi ông hỏi: "Phải chăng đây là sự khác nhau giữa một con heo và một con cừu? ".
Hê-bơ-rơ 12:4 đã mô tả lẽ thật thuộc linh nầy rằng: "Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến nỗi đổ huyết ".
Phải chăng mức độ ưa thích sự công bình của chúng ta quá lớn đến nỗi chúng ta thà chết hơn là đắm mình trong vũng bùn tội lỗi? Nếu sự thúc giục hay động cơ trong đời sống chúng ta không phải là để phạm tội, thì cho dù giá phải trả là gì, chúng ta sẽ không bao giờ hình thành một thói quen phạm tội. Chúng ta sẽ hành động cách công bình, cư xử cách công bình và trở thành một người công bình.
Vâng, chúng ta có thể sa ngã và thất bại, nhưng chúng ta sẽ không cứ ở trong tội lỗi, hay trong sự kết án (sự đau đớn của tội lỗi). 1Giăng 1:9 tuyên bố cách chắc chắn rằng chúng ta có thể xưng ra các tội ác mình.
Chúa Jesus đã chịu chết trên thập tự giá vì cớ chúng ta, nên Đức Chúa Trời là thành tín và công bình "...để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. "Ngài cũng sẽ phục hồi sự vui mừng của sự cứu rỗi cho chúng ta (Thi Thiên 51:11, 12).
c. Hãy Sáng Suốt Canh Chừng Tội Lỗi.
Bốn lần trong Ê-phê-sô 6:10-14 Phaolô kêu gọi chúng ta hãy đứng vững trong Chúa. Satan biết rõ rằng chúng ta sẽ không thể đứng vững nếu chúng ta không sáng suốt trong các vấn đề thuộc linh.
Nếu chúng ta không sáng suốt (không cân bằng trong các vấn đề thuộc linh), Satan sẽ tìm cách đẩy chúng ta vào một sự cực đoan nầy hay một sự cực đoan khác. Nó cố gắng làm cho chúng ta có những thái độ cẩu thả về tội lỗi, hoặc làm cho chúng ta mang mặc cảm phạm tội và bị kết án, rồi thì chúng ta sẽ lui đi trên bước đường theo Chúa Jesus.
1) Đừng Lơ Là Với Tội Lỗi.
Trong một thái độ cực đoan, Sa-tan muốn cho chúng ta sử dụng ân điển của Đức Chúa Trời làm cớ để biện hộ cho tội lỗi của mình. Một số người thậm chí còn nói rằng: "Chúa biết tôi không phải là người trọn vẹn, và tôi chắc rằng Ngài sẽ "bỏ qua "những lỗi lầm và thất bại của tôi ".
Thật sự Chúa biết, nhưng vì chính lý do đó mà Ngài không "bỏ qua "tội lỗi. Tội lỗi phải bị đoán phạt. Hình phạt phải được trả giá. Bạn có muốn biết Đức Chúa Trời nghĩ gì về tội lỗi không? Hãy nhìn lên đồi Gôgôtha. Hình ảnh nầy cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời ghê gớm sự không công bình như thế nào.
Những gì đã xảy ra cho Chúa Jesus khi Ngài chịu đóng đinh đã bày tỏ sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi.
"Phàm những sự gian dâm, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ.
"Vì... anh em phải biết rằng kẻ gian dâm, ô- uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời... Vì ấy là nhơn những điều đó mà cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên các con bạn nghịch "(Ê-phê-sô 5:3-6).
Chúa Jesus đã gánh lấy tất cả sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời cho chúng ta là những kẻ tin đến Ngài. "Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào! "(Rô-ma 5:9).
Tuy nhiên, chúng ta không được đùa với tội lỗi. Hãy xem cái giá mà Chúa Jesus đã trả cho tội lỗi của chúng ta. Rồi thì chúng ta có muốn hạ thấp giá trị của sự chết Ngài bằng cách sống cuộc sống làm buồn lòng Ngài hay không?
Chúng ta không dám lơ là với tội lỗi. Chúng ta phải xưng nó ra và nhận lấy sự tha thứ và sự tẩy sạch mọi gian ác của chúng ta.
2) Đừng Sống Trong Sự Kết Án.
Ở một thái cực khác, ma quỉ muốn chúng ta cảm thấy mình bị kết án (tội lỗi). Nó muốn chúng ta nghi ngờ sự cứu rỗi. Nó không thể ngăn cản chúng ta tiến về thiên đàng, nhưng nó cố gắng làm cho chúng ta đau đớn trên thiên trình của mình. Nhiều người liên tục sống trong đám mây tội lỗi và sự kết án.
Trong Rôma chương 6-8, Phao-lô dạy rằng đời sống trong Thánh Linh của chúng ta có thể đem chúng ta đến một sự cân bằng tuyệt vời. Chúng ta được cứu bởi ân điển, không phải bởi việc làm. Chúng ta không cần phải thêm điều gì vào đức tin nơi Đấng Christ. Khi Đấng Christ kêu lớn tiếng trên thập tự giá rằng"Mọi sự đã được trọn ", Ngài có ý nói rằng giá cho tội lỗi của chúng ta đã được trả cách trọn vẹn! "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt (kết án) nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ. "(8:1).
(Lưu ý: Một số bản Kinh Thánh thêm vào câu 1 rằng "...là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh. " Trong nguyên bản Kinh Thánh Hy lạp không có những câu nầy. Những dịch giả đã chuyển xuống câu thứ 4. Câu 1 là một lời tuyên bố không có điều kiện. "Cho nên hiện nay chẳng còn sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jesus Christ ".Bởi giá mà Chúa Jesus đã trả cho chúng ta, chúng ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời không sợ hãi.)
3) Được Tự Do Để Sống Như Chúng Ta Phải Sống.
Điều nầy không có nghĩa là chúng ta có thể phạm tội mà không sợ bị thương tổn hay làm thương tổn những người khác. Sự tha thứ không phải là sự tự do để sống theo cách chúng ta muốn. Sự tha thứ là sự tự do để sống theo cách chúng ta phải sống.
Đức Chúa Trời không chỉ muốn giải thoát chúng ta khỏi"hình phạt " của tội lỗi, mà còn khỏi "quyền lực" hay thói quen tội lỗi. Chúa Jesus đã trả giá cho hình phạt của tội lỗi, vì vậy quyền lực của tội lỗi có thể bị bẽ gãy khi chúng ta tin cậy Ngài là Đấng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi."...Ngươi khá đặt tên là JESUS, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội "(Ma-thi-ơ 1:21).
Chúng ta có thể phạm tội, nhưng chúng ta không bị bắt buộc. Bởi Sa-tan và bản chất cũ (con người cũ) của chúng ta, chúng ta có thể phạm tội. Nhưng bởi Đức Chúa Jesus và bản chất mới (con người mới) của chúng ta, chúng ta không cần phải phạm tội. "Đấng ở trong các con (Chúa Jesus) là lớn hơn kẻ ở trong thế gian (Sa- tan)"(1Giăng 4:4).
C. MANG LẤY KHÍ GIỚI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Tiêu chuẩn thật của một người sứ đồ đó là: khi những người xung quanh sa ngã, họ vẫn đứng vững vàng.
Phao-lô là một người như vậy. Đó là lý do tại sao các lời khuyên của ông có giá trị và quyền năng. "Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời. Vậy nên, hãy (mặc) lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em được đứng vững vàng... "(Ê-phê-sô 6:13).
Phao-lô đã sống, giảng đạo và thành lập các Hội thánh tại các thành phố ở Đế quốc La mã là nơi gian ác và bất khiết. Họ thờ lạy hình tượng bằng cách làm những sự gớm ghê về luân lý và tình dục. Họ bị lòng tham muốn, quyền lực, sự sa đọa và tiền bạc hướng dẫn họ. Họ là những người bất kính (không kính sợ Đức Chúa Trời) và không tin kính (chống lại Đức Chúa Trời). Trong ngày đó, họ đã đầu hàng quyền lực của Sa-tan và những ảnh hưởng gian ác của một thế giới đầy tội lỗi của họ.
1. Tâm Trí: Chiến Địa Thuộc Linh.
"...hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng. Vậy, hãy đứng vững, mặc lấy giáp bằng sự công bình... lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn; nhờ đó anh em có thể dập tắt các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ... "(6:13-17).
Ba phần khí giới quan trọng đó là:"áo giáp công bình, mão trụ của sự cứu rỗi "và "thuẫn đức tin ". Những khí giới nầy bảo vệ tâm trí và tình cảm (cảm xúc) của chúng ta.
Tâm trí là chiến địa thuộc linh cho cả những thế lực thiện và ác. Đó là cửa ngỏ cho cả sự mặc khải cũng như sự lừa dối bước vào đời sống chúng ta. Nếu chúng ta không "...mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời (chúng ta sẽ không thế) đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ "(6:11).
Không phải chúng ta dùng tay không mà chống lại những lời dối trá và lừa đảo của ma quỉ."Mão trụ cứu chuộc "sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tấn công nầy. "Áo giáp công bình "và "thuẫn đức tin " sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tên lửa độc hại (mà Sa-tan bắn vào tâm trí của chúng ta). Ma quỉ luôn tìm cách bắn những tên lửa nghi ngờ, sợ hãi, tham lam, ghen tị, và những ý tưởng tội lỗi khác vào tâm trí chúng ta. Những tên lửa được dùng trong chiến trận thời bấy giờ là những mũi tên đầu được tẩm hắc-ín. Với cung tên, những tên lửa đang cháy này có thể bắn vào các tường thành. Những mái nhà tranh dễ dàng bốc cháy, làm thiêu rụi cả thành phố.
a. Tư tưởng - Tên lửa của Sa-tan.
Một người bạn của tôi, người rất tin kính Chúa, đã phải thật sự chiến đấu với những tư tưởng, ý nghĩ bất khiết. Ông yêu mến Chúa, và muốn bước đi trong sự công chính hơn bất cứ điều gì khác. Và những người như vậy thường bị ma quỉ tấn công theo cách nầy.
Sa-tan chẳng hề dại dột; nó sẽ hướng những "tên lửa " vào những ai đang nắm giữ cây phủ việt công bình. Đối với vương quốc của nó, cây phủ việt công bình là những mối đe dọa thật sự.
Một ngày kia, khi bạn tôi đang kiêng ăn và cầu nguyện cho các nan đề của mình, Chúa đã tỏ cho ông thấy những gì xảy ra. Ma quỉ đã đem những tư tưởng bất khiết đến tâm trí ông và rồi lại buộc tội ông vì đã suy nghĩ đến những điều đó.
Ma quỉ muốn bắn một tên lửa "một tư tưởng bất khiết " vào tâm trí ông, hy vọng rằng ông sẽ chấp nhận nó và thổi phồng nó thành một ngọn lửa của những tư tưởng bất khiết. (Chúng ta có thể làm điều nầy bằng cách phát triển những tư tưởng trong sự tưởng tượng, là nơi chúng ta vẽ nên những tư tưởng).
Tuy nhiên, bạn tôi đã không làm điều nầy, vì vậy Sa-tan đã bắn tiếp một tên lửa khác, tên lửa của cảm giác tội lỗi, bị kết án và buộc tội. Tên lửa của sự kết án (làm bạn cảm thấy tội lỗi và thất vọng) rất khó để dập tắt, bởi vì chúng ta cảm biết rằng chúng ta đáng phải bị như vậy.
Lúc đó, Chúa đã chỉ cho bạn tôi thấy rằng ông không bị quở trách vì những tên lửa của ma quỉ, nhưng ông phải chịu trách nhiệm cho những gì ông đã làm theo những sự lừa dối ấy. Ông đã không chấp nhận hay phát triển những tư tưởng nầy, và cũng không tự buộc mình dưới sự kết án. Vì cớ ông đã không đi theo một trong hai hướng này cho nên đời sống tâm linh của ông không bị yếu đi mà cũng không bị phí mất thời gian vật lộn.
b. Khí Giới Chống Lại Những Tên Lửa Của Chúng Ta.
Sau đó Chúa cho ông thấy rằng ông có mão trụ của sự cứu rỗi, thuẫn đức tin và gươm của Thánh Linh là những vũ khí tự vệ. Bởi đức tin, ông đã nhanh chóng mời Đức Chúa Jesus vào trận đấu."Lạy Chúa, Ngài đã nhìn thấy những tư tưởng nầy... có phải rằng chúng ta không được để chúng tiến xa hơn? Hỡi Sa- tan, hãy lui ra khỏi chúng ta! "
Điều nầy sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Chúng ta sẽ không đầu hàng sự cám dỗ, hoặc bước đi dưới sự kết án. Chúng ta sẽ không dành thời gian cho những tư tưởng, hoặc những cảm giác tội lỗi do tên lửa của kẻ thù đưa đến.
Bằng cách nầy, chúng ta có thể tiếp tục nắm giữ "Cây phủ việt công bình "tức là uy quyền thuộc linh trong sự cầu nguyện.
2. Chúa Jesus: Gương Mẫu Của Chúng Ta.
Chúng ta có thể nhìn thấy những nguyên tắc nầy trong những sự cám dỗ mà Chúa Jesus phải chịu. Ngài đã bị cám dỗ, thử luyện trong mọi cách như chúng ta, tuy nhiên Ngài không hề phạm tôi (Hê-bơ-rơ 4:15). Chúng ta có thể học được nhiều bài học qua sự cám dỗ nầy. Chúng ta hãy cùng học về câu chuyện nầy.
Thánh Linh đã đem Chúa Jesus vào đồng vắng, là một nơi đầy đá sỏi và hoang vu trong xứ Judea (Giu-đa). Tại đây Ngài đã kiêng ăn 40 ngày. Vào thời điểm cuối cùng của sự kiêng ăn, Ngài đã gặp chính ma quỉ. Sa-tan đã ba lần cám dỗ Chúa Jesus bất tuân lại lời và ý muốn của Cha Ngài.
a. Chúa Jesus Đã Trông Cậy Điều Gì?
Trong hình thể con người, Chúa Jesus đã phải tùy thuộc vào những nguồn năng lực để chiến thắng thế gian, xác thịt và ma quỉ như chúng ta. Ngài đã không cậy vào quyền năng thiên thượng của mình, nhưng hoàn toàn trông cậy vào:
1) Quyền năng của Đức Thánh Linh, và
2) Quyền năng của Lời Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus đã chiến thắng mỗi lần Sa-tan cám dỗ, và Ngài đã toàn thắng! Có lẽ Ngài đã kể lại toàn bộ câu chuyện cho các môn đồ nghe. Ngài muốn họ và cả chúng ta, biết được cách chiến thắng ma quỉ trong trận chiến của mình.
b. Chúa Jesus Chiến Thắng Bởi Lời Đức Chúa Trời!
Chúng ta không biết rõ là ma quỉ đã cám dỗ Chúa Jesus bằng lời nói hay qua những ý tưởng. Nhưng cho dù cách nầy hay cách khác, tâm trí của Chúa Jesus vẫn là mục tiêu chính của Sa-tan.
Những lời cám dỗ, những sự cám dỗ và cả ma quỉ đều là thật. Tuy nhiên, Chúa Jesus đã đáp lại sự tấn công của Sa-tan bằng ba chữ rất ngắn gọn nhưng đầy quyền năng: "Có lời chép..." Chúa Jesus đã chiến thắng bởi Lời, là gươm của Thánh Linh. Chúng ta cũng có thể chiến thắng như vậy.
Chúa Jesus đã bắt đầu học Lời của Đức Chúa Trời khi còn rất nhỏ. Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Linh đã giúp đỡ Ngài "...giấu lời Chúa trong lòng... "(Thi Thiên 119:11).Lời nầy đã hướng dẫn Ngài vâng phục theo ý muốn của Cha mình.
Khi được mười hai tuổi, các học giả Do thái tại đền thờ đã vô cùng ngạc nhiên và kinh sợ bởi sự khôn ngoan và thông biết Lời Đức Chúa Trời của Ngài (Lu-ca 2:46, 47). Vào những năm sau đó, Ngài vẫn dùng lời của Đức Chúa Trời phán ra cách có quyền phép. Dân chúng ngạc nhiên, lắng nghe và sững sờ. Chính Lời của Đức Chúa Trời qua quyền năng của Thánh Linh đã khiến cho các quỉ phải kinh sợ và ra khỏi (4:32-36).
Giấu Lời Đức Chúa Trời trong lòng và tâm trí là điều cần thiết cho chúng ta biết bao! Lời đó sẽ trở thành của cầm thiên thượng cho chúng ta để chiến thắng quyền lực của sự tối tăm. Đây là một bài học vô cùng quan trọng cho chúng ta học hỏi về gương của Chúa Jesus.
3. Lời Của Đức Chúa Trời: Lưỡi Gươm Thuộc Linh Của Chúng Ta.
Vài năm trước đây tôi được đặc ân học hỏi qua chức vụ của một trưởng lão, cũng là một người cha thân yêu trong Chúa. Cha của ông đã khuyến khích người bạn trưởng lão của tôi học thuộc lòng Lời Chúa khi ông còn tấm bé.
Lúc mười hai tuổi, ông đã ghi nhớ hết thảy các thư tín của Phao-lô. Lên hai mươi tuổi, ông thuộc lòng toàn bộ Tân-ước. Vào tuổi bốn mươi, phần lớn Kinh Thánh Cựu-ước đã được ông học thuộc.
Mỗi ngày ông học thuộc năm câu Kinh Thánh. Một năm ông học được 1.800 câu. (sách dài nhất trong Tân-ước là Lu-ca 1151 câu. Toàn bộ Tân-ước có 7.597 câu, Cựu-ước là 22.485 câu.)
Người anh với tư cách là một trưởng lão này đã ảnh hưởng sâu xa trên đời sống tôi. Ông là một trong những giáo sư tại viện thần học nơi tôi đã học. Tất nhiên, chúng tôi cũng phải học thuộc Kinh Thánh.
Tôi nhận thấy rằng, chỉ sau một năm ngắn ngủi, tôi đã ghi nhớ được rất nhiều phần của Kinh Thánh Tân ước. Nguồn lẽ thật như thế đã trở thành một của cầm phong phú để Đức Thánh Linh sử dụng. Đây cũng là một bức rào chắc chắn bảo vệ chúng ta khỏi những cuộc tấn công của kẻ thù.
Chúa Jesus phán trong Giăng 14:26 rằng: "...Đức Thánh Linh... sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi ".
a. Học Thuộc Kinh Thánh.
Đức Thánh Linh chỉ có thể nhắc lại cho chúng ta những gì chúng ta đã đọc hoặc đã học trong Kinh Thánh. Ngài không thể khiến cho chúng ta nhớ lại những gì chúng ta chưa hề học. Hiểu được điều nầy sẽ thúc đẩy chúng ta trong việc học hỏi lời của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, nếu học cùng một lúc quá nhiều sẽ làm chúng ta chán nản hơn là được khích lệ. Nếu cảm thấy quá nhiều, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách đọc cả Kinh Thánh trong vòng một năm. Điều nầy chỉ đòi hỏi bạn đọc năm chương mỗi ngày. (Chúng ta có thể đọc Tân-ước cách thường xuyên hơn). Càng đọc, tâm trí chúng ta càng khắc sâu lẽ thật nền tảng của đức tin chúng ta. Đây là điều chúng ta cần để đối diện với những cám dỗ của ma-quỉ. "Có lời chép... "là cách tự vệ tốt nhất của chúng ta.
b. Chúng Ta Sẽ Chiến Thắng.
Rất nhiều người không hiểu rõ về mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời, ngay cả nền tảng căn bản của sự cứu rỗi của họ thì họ cũng không hiểu. Những người như vậy sẽ trở nên yếu đuối và trở thành mục tiêu để ma quỉ bắn những mũi tên nghi ngờ và sợ hãi.
Vì vậy, chúng ta hãy đội lấy mão triều của sự cứu chuộc, nắm chặt thuẫn đức tin và cầm gươm của Thánh Linh, là Lời của Đức Chúa Trời, với lòng tự tin mạnh mẽ.
Cũng hãy trang bị cho chân của chúng ta bằng sự sẵn sàng rao giảng Tin lành bình an, để chúng ta có thể đứng vững vàng. Chúng ta sẽ đưa cao thanh gươm Thánh Linh là lời của Ngài để chống lại sự tấn công của ma quỉ. Trong trận chiến hãy hô vang "Có lời chép... ",kẻ thù sẽ quay mặt, và chạy trốn. "...hãy chống trả ma quỉ thì nó sẽ lánh xa anh em. "(Gia-cơ 4:7).
"Chúng ta đã thắng nó (Sa- tan) bởi huyết Chiên Con và bởi lời làm chứng (công bố) của mình... "(Khải Huyền 12:11).Chúng ta sẽ chiến thắng!
D. NHỮNG CHIẾN SĨ CẦU NGUYỆN
Phao-lô đã trãi qua rất nhiều cuộc xung đột thuộc linh như vậy. Qua thơ 1Cô-rinh-tô 15:32, ông cho biết cách ông đã "...đánh cùng các loài thú "ở thành Êphêsô. Ông đang liên hệ đến những quyền lực - giống muôn thú của kẻ ác và ma quỉ đang chống lại sự rao giảng Tin lành của ông.
1. Ma Quỷ Là Thật
Tôi đã hầu việc Chúa ở 100 nơi trên thế giới, hầu hết là những nơi thuộc về dân ngoại (không tin Đức Chúa Trời). Tại đó bạn có thể cảm thấy được bóng tối bao phủ và nhận ra sự hiện diện của các quyền lực gian ác. Những công trình nghệ thuật trong các đền thờ ngoại giáo vẽ hoặc khắc họa những sinh vật - giống thú xấu xí và ghê sợ. Chúng đại diện cho các hữu thể linh của ma quỉ, mà nhiều họa sĩ đã thực sự trông thấy.
Không phải chỉ có những Cơ đốc nhân có khải tượng mới có thể nhìn biết thế giới linh, mà những người hầu việc ma quỉ cũng có thể nhìn biết thế giới linh nữa. Nhưng thay vì nhìn thấy những khải tượng về Chúa hoặc các thiên sứ thánh, họ lại nhìn thấy những khải tượng về quyền lực của ma quỉ và các linh gian ác. Chúng hoàn toàn có thật, mà bất cứ ai đã đi qua những nơi này trên thế giới cũng đều có thể làm chứng như vậy.
Có thể rằng những linh gian ác không tự bày tỏ chúng một cách rất thật như một số nơi trên thế giới, nhưng quyền lực của chúng cũng vậy thôi, song được bày tỏ theo cách kín nhiệm. Đôi khi chúng càng nguy hiểm hơn bởi vì con người không nhận biết sự hiện diện của chúng. Chúng ta không cần phải tìm kiếm ma quỉ, nhưng phải cần nhận biết rằng mình đang ở giữa một trận chiến thuộc linh. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn được chuẩn bị sẵn sàng và canh phòng.
2. Sa-tan Tấn Công Những Người Cầu Nguyện.
Nơi mà chúng ta thường đối diện với kẻ thù nhất là đâu? Và kẻ thù thường tập trung để tấn công chúng ta ở đâu? Cuộc xung đột gây go nhất trong trận chiến là sự CẦU NGUYỆN.
Dĩ nhiên chúng ta bị chống đối ở khắp mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi cách khi chúng ta mở rộng Vương quốc của Đức Chúa Trời. Nhưng trong tất cả các công việc chúng ta làm, Sa-tan chống đối chức vụ cầu thay của chúng ta hàng đầu.
Mục đích chính yếu của việc mặc lấy những khí giới của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:11-17) là làm cho chúng ta sẵn sàng và được chuẩn bị để cầu nguyện. Khi chúng ta đã mang lấy những khí giới nầy, chúng ta sẽ sẵn sàng bắt đầu "...nhờ Đức Thánh Linh thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin "(6:18)
KHI CHÚNG TA CẦU NGUYỆN, chúng ta sẽ bị Sa-tan chống đối. Đây là nơi mà chúng ta biết nó sẽ tấn công chúng ta cách dữ dội nhất.
3. Hãy Nhớ Đến Khí Giới Của Bạn.
Cầu nguyện trong Thánh Linh (bằng tiếng mới) sẽ đem chúng ta vào sự đối diện thuộc linh với quyền lực của sự tối tăm. Đây là lý do quan trọng để chúng ta tiến vào trận chiến với những khí giới thuộc linh mà Đức Chúa Trời trang bị cho chúng ta. Chúng ta có thể bị thương hay bị đánh bại nếu chúng ta thất bại trong việc mang lấy những khí giới nầy.
Sự thật là chúng ta luôn phải tiến lên trong đức tin chứ không phải trong sự sợ hãi. Tuy nhiên, đức tin phải được hướng đến điều mà chúng ta biết. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta"...không biết mưu chước (phương cách) của nó (ma quỉ)"(2Cô-rinh-tô 2:11).
4. Quyền Năng Trong Sự Cầu Nguyện.
Hơn bốn mươi năm trước, tôi đã chứng kiến những chiến thắng mà Đức Chúa Trời hành động qua quyền năng và uy quyền của sự cầu nguyện. Điều đó đã ảnh hưởng sâu đậm đến chính đời sống của tôi!
Vài năm trước đây, ma quỉ đã cố gắng cướp đi mạng sống tôi bởi bệnh dịch tả. Thuốc men chẳng giúp ích gì được cho tôi. Theo cách thông thường tôi chỉ còn biết chờ chết chỉ trong vòng hai cho đến bốn giờ đồng hồ.
Tôi dâng đời sống và chức vụ của mình lên trước Chúa và xin thuận phục theo ý muốn của Ngài. Tôi đã không đầu hàng thái độ thiếu đức tin và yếu đuối của mình, nhưng cứ công bố cách chắc chắn rằng ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện.
Nếu đây là lúc tôi phải về nhà Cha, tôi sẽ sẵn sàng ra đi."Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy. "(Phi-líp 1:21). Nếu Đức Chúa Trời chưa muốn tôi về với Ngài, tôi sẽ tiếp tục hầu việc Ngài ở một nơi khác nữa. Tôi quyết định rằng sẽ không thối lui, nhưng cứ đứng vững vàng trong đức tin đối diện với kẻ thù. Khí giới của Đức Chúa Trời sẽ là sự bảo vệ của tôi.
Một lần nữa, tôi lại kinh nghiệm được quyền năng của sự cầu nguyện và uy quyền của các chiến sĩ cầu nguyện của Đức Chúa Trời. Ma quỉ đã bị bại trận và tôi được chữa lành. Bạn có thể biết rằng đối với tôi, tại sao cầu nguyện không phải chỉ là một đề tài để giảng: Nó vô cùng cần thiết trong chính đời sống tôi!
Hỡi các chiến sĩ cầu nguyện thương yêu, hãy đến. Hãy mang lấy những khí giới của bạn, hãy cầm gươm và đánh bại kẻ thù bởi uy quyền của Lời Đức Chúa Trời và quyền năng của một đời sống công bình.
Nếu bạn làm điều nầy, bạn sẽ biết được rằng: "Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia, quyền bính của nước Chúa là quyền bính ngay thẳng "(Hê-bơ-rơ 1:8).
"Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gẫy mọi ách, hay sao?
"Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh (lánh mặt) những kẻ cốt nhục mình hay sao?
"Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức, sự công bình ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của ĐỨC GIÊHÔVA sẽ gìn giữ sau ngươi. Bấy giờ ngươi cầu, ĐỨC GIÊHÔVA sẽ ứng, ngươi kêu, Ngài sẽ phán rằng: Có ta đây! (Ê-sai 58:6-9).
Phải chăng bạn đang thiếu quyền năng trong sự cầu nguyện.
Nếu bạn đang đọc những bài nầy và nhận thấy rằng mình đã không sống một đời sống công chính, thì bạn nên ngừng lại và đáp lại lời mời gọi của Chúa:"Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất nghĩa khá bỏ các ý tưởng; hãy trở lại cùng ĐỨC- GIÊHÔVA, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Đức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào" (55:7).
Sự cầu nguyện ăn năn của bạn, sự nhận biết những quá phạm của bạn, cùng sự hoàn trả những gì bạn đã xâm phạm những người khác, là những bước có thể làm cho mối tương giao của bạn với Chúa được tái lập.
Và rồi bạn sẽ nhận được quyền năng trong sự cầu nguyện. Bạn sẽ hưởng được sự linh nghiệm của lời hứa nầy: "Ta sẽ nhậm lời họ trước khi kêu cầu ta; họ còn nói ta đã nghe rồi" (65:24).